Ủy ban Thượng viện: ‘Khủng hoảng nhân tài’ xuất hiện trong Hàng không Mỹ
Không thiếu phi công, nhưng thiếu thợ máy, nhân viên khác; ít sự hiện diện của nữ giới
Hôm 16/03, các nhân chứng nói với một ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ rằng ngành hàng không của Mỹ hiện đang hoạt động tốt, nhưng cần phải hành động để ngăn chặn một tình trạng thiếu hụt lao động trong nhiều vị trí được trả lương cao trong ngành hàng không.
Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth (Dân Chủ-Illinois), trước đây từng là một phi công, đã cảnh báo về những hậu quả của việc không hành động.
“Nếu không có lực lượng lao động được trả lương, trang bị, và huấn luyện phù hợp, thì sự an toàn của hành khách sử dụng dịch vụ hàng không sẽ gặp rủi ro,” bà trình bày trong phiên điều trần ở Hoa Thịnh Đốn. “Và những chậm trễ mà chúng ta đã trải qua trong vài năm qua dường như vẫn còn là nhẹ nếu so sánh.”
Bà Duckworth đề nghị Quốc hội xem xét dành 100 triệu USD hàng năm để tài trợ cho việc phát triển lực lượng lao động hàng không, một con số tăng gấp 10 lần. Các nhân chứng nói với Ủy ban Thượng viện về Thương mại, Khoa học, và Giao thông vận tải rằng khoản đầu tư đó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.
Phiên điều trần về “Tăng cường Lực lượng lao động Hàng không” là một trong những hoạt động của ủy ban nhằm tái ủy quyền việc tài trợ và hoạt động của Cục quản lý Hàng không Liên bang trong 5 năm tới.
Bà Rebecca Lutte, giáo sư nổi tiếng tại Học viện Hàng không của Đại học Nebraska, cho biết sự hợp tác giữa các nhà lãnh đạo chính phủ, ngành công nghiệp, và giáo dục là điều cần thiết để giải quyết “cuộc khủng hoảng nhân tài” đang sắp xuất hiện trong ngành hàng không.
Bà cho biết, “Ngành hàng không phải thu hút và giữ chân những tài năng giỏi nhất từ nguồn lực tiềm năng rộng lớn nhất,” đồng thời lưu ý rằng trong lịch sử, phụ nữ đa phần thường ít được hiện diện trong lĩnh vực đó.
Trong khi nhiều người đang đổ dồn sự chú ý vào tình trạng được cho là thiếu hụt phi công, thì người đứng đầu nghiệp đoàn phi công quốc tế này phủ nhận rằng không có sự thiếu hụt như vậy. Các nhân chứng nói với ủy ban rằng họ quan tâm nhiều hơn đến việc bổ sung người lao động vào các vị trí quan trọng nhưng ít được chú ý hơn như thợ máy phi cơ.
Cơ trưởng James Ambrosi, Chủ tịch Hiệp hội Phi công Hàng không, tuyên bố: “Các hãng hàng không lớn [hiện tại] có nhiều phi công hơn nhiều so với trước đại dịch,” và các chương trình huấn luyện phi công đã đủ người.
Theo ông, vấn đề chính là một sự tồn đọng trong huấn luyện.
Trong đại dịch virus corona, các hãng hàng không đã cho các phi công nghỉ phép và thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí khác trong khi “xoay sở để duy trì hoạt động,” ông Ambrosi cho hay.
Ông cho biết, việc tái huấn luyện tất cả những phi công đó – và các phi công mới – rất tốn thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, vấn đề đó sẽ tự tan biến khi các hãng hàng không bắt kịp với việc huấn luyện đó.
Thiếu kỹ thuật viên
Một mối quan tâm quan trọng hơn: Đến năm 2040, sẽ cần 134,000 kỹ thuật viên để làm việc tại các hãng hàng không thương mại ở Bắc Mỹ. Bà Sheree Utash, chủ tịch Cơ sở Khoa học và Công nghệ Ứng dụng thuộc Đại học Tiểu Bang Wichita (WSU Tech), cho biết: “Hoa Kỳ không sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó.”
Trẻ nhỏ “biết một phi công là gì,” nhưng các cháu không quen thuộc với “tất cả những người vận hành để chiếc phi cơ đó bay,” bà Utash trình bày trong phiên điều trần trên.
Theo bà, Trung tâm Đào tạo Hàng không Quốc gia của WSU Tech đã và đang tích cực hoạt động để thu hút những người trẻ tuổi và huấn luyện họ, và chương trình này đã được cả nước công nhận. Bà cho biết, chương trình này hàng năm thu hút hàng chục học sinh trung học, và 92% sinh viên tốt nghiệp từ chương trình tiếp tục làm việc ở các vị trí trong ngành hàng không vũ trụ ở Kansas.
Cần có kinh phí để WSU Tech mở rộng chương trình của mình tới tất cả các trường trung học ở Kansas. Bà cho biết trường của bà đã ghi danh xin trợ cấp liên bang nhưng đã bị từ chối.
Bà Utash cho biết bà đã xem xét các đơn đăng ký khác cũng bị từ chối, dường như là do thiếu kinh phí, và tìm thấy nhiều chương trình có giá trị tương đương khác. Đó là lý do tại sao bà ủng hộ đề nghị của bà Duckworth nhằm tăng cường tài trợ một cách đáng kể.
Bà Lutte cho biết một chìa khóa để thu hút những người trẻ tuổi tham gia là sớm cho họ tiếp xúc với thế giới hàng không đầy thú vị.
“Có điều gì đó về ngành hàng không đã thu hút quý vị… ngay từ lần đầu tiên quý vị nhìn lên và nhìn thấy chiếc phi cơ, và quý vị biết đó là giấc mơ của mình.”
Thông điệp này cần được nói rõ ràng hơn: “Nếu quý vị có niềm đam mê với ngành hàng không, thì sẽ có chỗ dành cho quý vị,” bà Lutte cho hay.
Tác động toàn cầu
“Không có ngành nào kết nối nhân loại như ngành hàng không; lĩnh vực này mở rộng đến khắp mọi nơi trên thế giới và mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta,” bà viết trong bản khai.
Bà đặc biệt lo ngại rằng rất ít phụ nữ tham gia vào ngành hàng không, vốn làm thu hẹp nguồn nhân tài của ngành này.
Bà cho biết, “Một hệ thống phức tạp gồm những hạn chế làm cản trở việc tuyển dụng, giữ chân, và thăng tiến của phụ nữ trong ngành hàng không. Điều đó bao gồm các chi phí đào tạo, các mối quan tâm về cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như các cáo buộc về sự thiên vị và quấy rối tại nơi làm việc. Trong một cuộc khảo sát năm 2018, 71% phụ nữ trong ngành hàng không cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Bất chấp những trở ngại như vậy, bà Lutte cho biết bà vẫn hy vọng và vui mừng về những cải tiến trong tương lai.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times