Ủy ban Hạ viện: FTC đã dàn dựng một chiến dịch quyết liệt để quấy rối Twitter sau khi ông Elon Musk tiếp quản
Hôm thứ Ba (07/03), ủy ban điều tra việc vũ khí hóa chính phủ liên bang của Hạ viện cho biết, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã dàn dựng “một chiến dịch quyết liệt để quấy rối Twitter”, đây là một trong những “phản ứng bất thường” của họ trước việc ông Elon Musk mua lại mạng xã hội này.
Ủy ban Tư pháp và Tiểu ban Đặc biệt về Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang đã công bố một báo cáo tạm thời nêu bật sự lạm quyền trắng trợn của FTC trong việc đưa ra hơn 350 yêu cầu cụ thể về thông tin trong khoảng thời gian chưa đầy ba tháng sau khi ông Musk lên nắm quyền lãnh đạo.
Theo báo cáo này, cơ quan liên bang nói trên đã gửi tới Twitter hàng núi yêu cầu tiết lộ thông tin về các quyết định tuyển dụng và sa thải cũng như “mọi thông tin liên lạc nội bộ liên quan đến ông Elon Musk.”
Điều đặc biệt đáng lo ngại đối với ủy ban này là, FTC muốn biết tên của các ký giả đã được cấp quyền truy cập vào các hồ sơ Twitter nội bộ trong quá trình làm việc để “phơi bày sự lạm dụng của các đại công ty công nghệ (Big Tech) và chính phủ liên bang” của họ.
Ngoài những yêu cầu khác, FTC đã gửi hơn 60 bức thư yêu cầu cung cấp thông tin chỉ riêng về sản phẩm sử dụng có trả phí của Twitter. Cơ quan này cũng yêu cầu được biết liệu Twitter có đang “bán thiết bị văn phòng của mình” hay không, cùng “tất cả những lý do” khiến cựu quan chức FBI Jim Baker bị sa thải.
“Những yêu cầu này là vô căn cứ trong nhiệm vụ theo luật định của FTC và dường như là kết quả của áp lực đảng phái để nhắm mục tiêu vào Twitter và bịt miệng ông Musk,” báo cáo nêu rõ (pdf).
Ủy ban trên cũng cho biết gần đây họ đã có được hàng chục bức thư không công khai của FTC gửi tới Twitter. Họ lưu ý rằng những bức thư này trực tiếp thuộc thẩm quyền điều tra và báo cáo của họ “về các trường hợp thẩm quyền của chính phủ liên bang bị vũ khí hóa để chống lại công dân Hoa Kỳ.”
Yêu cầu cung cấp tên của các ký giả là ‘không thích đáng’
Báo cáo của ủy ban Hạ viện chỉ trích yêu cầu của FTC đòi cung cấp thông tin về các ký giả, và gọi điều đó là không thích đáng trong bất kỳ bối cảnh nào.
Báo cáo nhấn mạnh rằng “chiến dịch quấy rối Twitter” của FTC có thể gây tác dụng cản trở đến khả năng các ký giả trong việc đưa tin về các vấn đề công chúng quan tâm, đồng thời kêu gọi bảo vệ nhiều hơn nữa các quyền Tu chính án thứ Nhất.
Sau khi ký giả Matt Taibbi phát hành phần đầu tiên của “Hồ sơ Twitter”, trong đó bóc trần bộ máy kiểm duyệt của các đại công ty công nghệ và chính phủ, FTC đã gửi bức thư đầu tiên tới Twitter.
Báo cáo của ủy ban trên lưu ý rằng đáng chú ý là yêu cầu đầu tiên của FTC “không quan tâm đến thông tin riêng tư nào của người dùng có thể gặp rủi ro.”
“Thay vào đó, FTC yêu cầu Twitter ‘xác định tất cả các ký giả và những thành viên khác trong giới truyền thông’ mà Twitter đã cấp quyền truy cập kể từ khi ông Musk mua lại công ty.”
FTC đã nêu tên những ký giả liên quan đến những thông tin tiết lộ ban đầu, bao gồm bà Bari Weiss, ông Matt Taibbi, ông Michael Shellenberger, và bà Abigail Shrier.
Theo báo cáo, cơ quan này cũng yêu cầu được biết bất kỳ “thành viên nào khác trong giới truyền thông mà Quý vị đã cấp cho họ bất kỳ loại quyền truy cập nào vào thông tin liên lạc nội bộ của Công ty vì bất kỳ lý do gì.”
“Không có lý do gì mà FTC cần phải biết về mọi ký giả mà Twitter đã tiếp xúc. Thậm chí điều đáng lo ngại hơn cả việc gây gánh nặng cho công ty này là, yêu cầu của FTC thể hiện một cuộc điều tra của chính phủ vào hoạt động được bảo vệ bởi Tu chính án thứ Nhất,” báo cáo nêu rõ.
“Đó là một cơ quan của chính phủ liên bang yêu cầu một công ty tư nhân tiết lộ tên của những ký giả đang tham gia đưa tin về các vấn đề được công chúng quan tâm, bao gồm cả hành vi sai trái tiềm ẩn của chính phủ,” báo cáo tiếp tục cho biết. “Mặc dù cuộc điều tra của FTC sẽ không phù hợp trong bất kỳ bối cảnh nào, nhưng nó đặc biệt không phù hợp trong bối cảnh các ký giả tiết lộ cách các công ty truyền thông xã hội đã giúp chính phủ kiểm duyệt ngôn luận trực tuyến.”
Ông Musk đã trả lời trên Twitter về các báo cáo về việc cơ quan liên bang yêu cầu cung cấp tên của các ký giả.
“Đây là một cuộc tấn công nghiêm trọng vào Hiến Pháp từ một cơ quan liên bang,” ông Musk cho hay.
Áp lực ‘có động cơ chính trị’ từ phía cánh tả
Theo báo cáo nói trên, FTC đã sử dụng nghị định đồng thuận của mình với Twitter như một cái cớ để quấy rối mạng xã hội này và chịu áp lực từ các cá nhân và nhóm cánh tả. Vốn đóng vai trò như một biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng, nghị định này sau đó đã được sửa đổi.
Báo cáo nêu rõ, vào năm 2022, trước khi ông Musk tiếp quản Twitter, Chủ tịch FTC Lina Khan đã bảo đảm với Ủy ban Tư pháp rằng cơ quan này “chỉ hành động vì lợi ích công cộng” và bị “giới hạn” bởi thẩm quyền theo luật định của họ.
Tuy nhiên, thông tin không công khai mà ủy ban nói trên của Hạ viện thu được đã bác bỏ phát ngôn đó.
Viện dẫn nghị định đồng thuận sửa đổi của mình, FTC “bắt đầu hàng loạt yêu cầu” chỉ hai tuần sau khi ông Musk trở thành Tổng Giám đốc Twitter hồi tháng 10/2022.
Vào ngày gửi những bức thư đầu tiên, cơ quan này đã công khai nói rằng họ đang “theo dõi những diễn biến gần đây trên Twitter với lo ngại sâu sắc” và cảnh báo rằng “nghị định đồng thuận sửa đổi cung cấp cho chúng tôi các công cụ mới để bảo đảm sự tuân thủ, và chúng tôi sẵn sàng sử dụng chúng.”
Báo cáo lưu ý rằng thời điểm FTC thực hiện các hành động “cho thấy rõ ràng rằng việc họ dựa vào nghị định đồng thuận là một cái cớ.” Báo cáo lưu ý rằng ông Musk trở thành Tổng Giám đốc của Twitter vào hôm 27/10/2022, và FTC đã gửi hai bức thư đầu tiên với hơn một chục yêu cầu vào hôm 10/11/2022.
Tuy nhiên, theo các điều khoản của nghị định đồng thuận sửa đổi, vốn tạo thành cái cớ cho các hành động của FTC, thì Twitter không bắt buộc phải thực hiện chương trình bảo mật thông tin và quyền riêng tư mới cho đến ngày 22/11/2022.
“Nói cách khác, FTC bắt đầu giám sát sự tuân thủ nghiêm ngặt này hai tuần sau khi ông Musk mua lại Twitter, nhưng là hai tuần trước khi thậm chí có một chương trình để giám sát,” báo cáo nêu rõ.
Báo cáo nói rằng các cá nhân và nhóm cánh tả đã gây áp lực buộc chính phủ liên bang phải hành động, với lý do họ phản đối ý định đã nêu của ông Musk nhằm biến Twitter thành một pháo đài tự do ngôn luận trên mạng.
Trong số các nhóm cánh tả lên tiếng phản đối việc ông Musk mua lại Twitter có một tổ chức tên là Open Markets Institute, nơi Chủ tịch FTC Khan từng làm việc.
Theo lời mô tả trong báo cáo, tổ chức này là một nhóm “vận động chính trị cánh tả”, từng đặc biệt viết thư cho FTC để thúc giục ủy ban này sử dụng nghị định đồng thuận của mình “như một phương tiện để cố gắng ngăn cản những nỗ lực của ông Musk nhằm định hướng lại công ty” theo mục tiêu tự do ngôn luận của ông, báo cáo nêu rõ.
Báo cáo nêu rõ, “Kết luận chắc chắn từ những thực tế này là việc Twitter tái tập trung vào quyền tự do ngôn luận đang gặp phải những nỗ lực có động cơ chính trị nhằm cản trở các mục tiêu của ông Elon Musk.”
“Những yêu cầu của FTC không phải là không có duyên cớ. Chúng dường như là kết quả của những tiếng nói lớn ở phía cánh tả — bao gồm cả các quan chức dân cử — thúc giục chính phủ liên bang can thiệp vào việc mua lại và quản lý công ty của ông Musk,” báo cáo tiếp tục. “Việc FTC quấy rối Twitter có thể là do một thực tế: Cam kết tự mô tả của ông Musk về ‘tuyệt đối’ ủng hộ quyền tự do biểu đạt trong quảng trường kỹ thuật số.”
Trong một tuyên bố với The Epoch Times, một phát ngôn viên của FTC đã biện hộ cho cuộc điều tra của họ đối với việc tuân thủ nghị định đồng thuận của Twitter.
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times