Ủy ban chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi sự chú ý đến hai công dân Trung Quốc bị kết án vì đức tin
Một nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa và ủy ban của chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi sự chú ý đến hai công dân Trung Quốc bị kết án tù như một phần trong cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Ông Chu Đức Dũng (Zhou Deyong) cùng bà Lưu Ái Hoa (Liu Aihua), có thân nhân sinh sống tại Hoa Kỳ, là nạn nhân trong cuộc đàn áp tự do tín ngưỡng của nhà cầm quyền Trung Quốc. Tên của hai người hiện đang nằm trong cơ sở dữ liệu của Hoa Kỳ ghi lại các trường hợp tù nhân lương tâm ở Trung Quốc.
Dân biểu Gus Bilirakis (Cộng Hòa-Florida), người ủng hộ ông Chu theo Dự án Bảo vệ các Quyền Tự do, nói với The Epoch Times, “Nếu chúng ta cứ im lặng trước những vi phạm này, thì chúng ta cũng làm thế khi xã hội dân sự lâm nguy. Chúng ta phải tiếp tục gây áp lực để buộc ĐCSTQ phải trao cho người dân các quyền căn bản của con người, bao gồm cả quyền thờ phượng.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm bộ công pháp tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi: chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm 1990, với ước tính số lượng học viên lên tới 70 triệu đến 100 triệu người.
Vì sợ rằng số lượng học viên đông đảo này sẽ đe dọa đến quyền cai trị độc đoán của mình, nên nhà cầm quyền cộng sản vô thần đã khởi xướng một chiến dịch đàn áp sâu rộng vào ngày 20/07/1999, nhằm ‘xóa sổ’ môn tu luyện này — một chương trình vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi giam giữ.
Dự án Bảo vệ các Quyền tự do — do Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos cùng với Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) và Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ khởi xướng — tìm cách nêu bật những vi phạm nhân quyền bằng cách bênh vực cho các tù nhân lương tâm trên toàn cầu.
Ông Bilirakis — người trước đây đã lên tiếng phản đối cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công — hiện đã chọn ủng hộ quyền tự do của ông Chu bằng cách bổ sung trường hợp của ông vào cơ sở dữ liệu và gửi thư cho các quan chức Trung Quốc yêu cầu “trả tự do vô điều kiện” cho ông.
“Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ lên tiếng thay mặt cho những người mà tiếng nói của họ đã bị bịt lại quá lâu, như trường hợp của ông Chu,” ông Bilirakis, đồng thời là một đồng chủ tịch của Nhóm họp kín về Tự do Tôn giáo Quốc tế tại Quốc hội, cho biết.
Ông nói thêm: “Rõ ràng là ĐCSTQ đang cố gắng lấy ông Chu làm gương chỉ đơn giản vì ông ấy trung thành với đức tin của mình.”
Ông Chu là một kỹ sư địa chất làm việc cho mỏ dầu lớn thứ hai của Trung Quốc. Sau hai năm giam giữ mà vợ và con trai hầu như không có thông tin gì về an nguy của ông, hôm 20/04, ông đã bị tuyên án tám năm tù và phạt tiền 100,000 nhân dân tệ (khoảng 14,506 USD). Vợ và con trai ông Chu cũng đều thực hành Pháp Luân Công.
Ban đầu ông bị giam giữ ở tỉnh Sơn Đông vào tháng 04/2021. Các nhà chức trách đã lục soát nhà của ông và tìm thấy các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công được cho là của vợ ông, người cũng từng bị giam giữ ở Trung Quốc vì đức tin của mình.
Trường hợp của ông Chu hiện được đưa vào Cơ sở dữ liệu Tù nhân Chính trị của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC).
Bà Lưu Ái Hoa (Liu Aihua), 69 tuổi, bị kết án bốn năm tù vì phân phát và sở hữu các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công. Trước đó, bà đã bị bắt giữ 11 lần và bị đưa đến các cơ sở giam giữ khác nhau trong khoảng tám năm.
Mới đây, trường hợp của bà đã được thêm vào Danh sách Nạn nhân Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng của USCIRF. Cơ sở dữ liệu này ghi lại thông tin về các nạn nhân bị cầm tù, giam giữ, mất tích, tra tấn, quản thúc tại gia, và cưỡng bức từ bỏ đức tin trên khắp thế giới.
Gia đình bà Lưu đã bị cấm thăm nuôi kể từ tháng 07/2022, do đó họ không hay biết gì về tình trạng sức khỏe của bà. Sau nhiều năm chịu đựng tra tấn trong khi bị giam giữ tại một nhà tù Trung Quốc vì đức tin của mình, chồng bà — cũng là học viên Pháp Luân Công — đã qua đời vì suy thận vào năm 2009.
Bị buộc tội vì thực hành đức tin
Ông Chu và bà Lưu bị buộc tội lợi dụng niềm tin của họ để “phá hoại việc thi hành pháp luật” — một hành vi phạm tội mà ĐCSTQ thường sử dụng để đàn áp quyền tự do tôn giáo.
Dưới sự cai trị của ĐCSTQ, chỉ có năm tôn giáo được chính thức công nhận ở Trung Quốc: Phật Giáo, Đạo Giáo, Công Giáo, Tin Lành, và Hồi Giáo. Bảy tổ chức do nhà nước kiểm soát chính thức chủ trì các cộng đồng tôn giáo này để bảo đảm rằng họ “yêu nước” và “trung thành với ĐCSTQ về mặt chính trị.”
Chính quyền Trung Quốc sử dụng thuật ngữ “tổ chức tà giáo” — thường được dịch là “tà giáo” — để bôi nhọ và bức hại các tôn giáo hoặc tín ngưỡng không quy phục sự kiểm soát của ĐCSTQ. Cái nhãn này, cộng với sự thiếu bằng chứng cụ thể của tội danh “phá hoại việc thi hành pháp luật,” đặt quyền tự do tín ngưỡng vào một vị trí rất dễ bị tấn công.
Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc thiếu các cơ chế để bảo đảm tính độc lập của ngành tư pháp, trong khi đó cơ quan lập pháp bù nhìn (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc) là nơi kiến lập và giám sát ngành tư pháp cũng như bổ nhiệm các thẩm phán, thường là những cựu Đảng viên.
Những yếu tố này cho phép ĐCSTQ đàn áp các tín ngưỡng độc lập như một quyết định chính trị, biến quyền tự do tín ngưỡng thành một ảo tưởng viển vông.
Khi được hỏi về chủ đề này, ông Bilirakis nói: “Mọi người không nên bị đe dọa, bị buộc phải rời bỏ nơi quê cha đất tổ, bị bỏ tù, hoặc bị sát hại vì đức tin của họ.”
Bản tin có sự đóng góp của Sherry Dong và Eva Fu
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times