Úc và Trung Quốc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Thương mại đầu tiên sau ba năm
Úc và Trung Quốc đã tổ chức cuộc gặp cấp bộ trưởng thương mại lần đầu tiên sau 3 năm khi hai bên tìm cách nối lại bang giao thương mại bình thường sau một thời gian căng thẳng.
Hôm 06/02, Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrel đã tham gia cuộc họp trên trực tuyến với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào để thảo luận về việc dỡ bỏ các hạn chế thương mại của Trung Quốc đối với nhiều mặt hàng chủ chốt của Úc.
Trong lời khai mạc, ông Farrel cho biết thương mại và đầu tư luôn là một phần “nền tảng” của mối quan hệ giữa hai nước khi Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn đầu tư quan trọng của Úc.
Vị bộ trưởng cũng cho biết chính phủ Úc quyết tâm hợp tác với Trung Quốc trong khi kiên định với lợi ích quốc gia của Úc.
Mặc dù hai bên còn bất đồng về nhiều vấn đề, nhưng chính phủ Úc cho rằng những khác biệt cần được giải quyết thông qua đối thoại.
Về phía Trung Quốc, ông Vương mời ông Farrel đến thăm Trung Quốc vào thời điểm thuận tiện để thảo luận thêm, nói rằng chuyến đi sẽ mang lại cho ông “một ấn tượng khác” về Trung Quốc.
Mặc dù Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết ông muốn hợp tác với ông Farrel để đưa hợp tác kinh tế giữa Úc và Trung Quốc trở lại đúng hướng, nhưng ông Vương lưu ý rằng cuộc gặp này không có khả năng giải quyết tất cả các vấn đề.
Sau đó, ông cũng đã đề nghị cuộc họp này tập trung vào việc xây dựng lòng tin và tìm cách giải quyết những khác biệt nhưng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước trước “những vấn đề mang tính nguyên tắc.”
Kết quả cuộc họp
Dù cuộc họp kéo dài khoảng 90 phút này không mang lại đột phá nào, nhưng ông Farrell cho biết đây là một bước quan trọng khác trong việc ổn định quan hệ của Úc với Trung Quốc.
Ông Farrell cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp, “Cuộc thảo luận của chúng tôi đề cập đến một loạt vấn đề thương mại và đầu tư, bao gồm nhu cầu nối lại thương mại không bị cản trở đối với các nhà xuất cảng Úc để người tiêu dùng Trung Quốc có thể tiếp tục hưởng lợi từ các sản phẩm chất lượng cao của Úc.”
“Bộ trưởng Vương và tôi đã đồng ý tăng cường đối thoại ở tất cả các cấp, bao gồm cả giữa các công chức, như một con đường hướng tới việc nối lại thương mại kịp thời và toàn diện.”
Ông Farrell cũng lưu ý rằng ông và Vương Nghị đã thảo luận về tiềm năng hợp tác giữa hai nước về một số vấn đề khác ngoài thương mại, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và hỗ trợ cho các đoàn doanh nghiệp.
Khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế du lịch quốc tế hồi tháng Một, ông Farrell cho biết Úc mong muốn thấy khách du lịch và sinh viên Trung Quốc quay trở lại Úc.
Bộ trưởng thương mại Úc cũng chấp nhận lời mời của ông Vương đến Bắc Kinh để tiếp tục “đối thoại hiệu quả.”
Trong khi đó, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin rằng trong cuộc gặp, ông Vương bày tỏ lo ngại của chính quyền Trung Quốc về việc Úc thắt chặt rà soát an ninh đối với hoạt động và đầu tư của các công ty Trung Quốc tại Úc.
Ông Vương cũng hy vọng rằng Úc có thể xử lý vấn đề trên một cách “thích hợp” và cung cấp một môi trường kinh doanh “công bằng, cởi mở, và bình đẳng” cho các công ty Trung Quốc.
Nhận xét của ông Vương được đưa ra khi chính phủ Úc phát tín hiệu rằng họ sẽ thận trọng hơn về quyền sở hữu ngoại quốc đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng như lithium.
Cuộc gặp giữa ông Farrell và ông Vương là nỗ lực mới nhất của Úc nhằm nối lại bang giao thương mại bình thường với Trung Quốc sau chuyến công du Bắc Kinh của Ngoại trưởng Úc Penny Wong vào tháng 12/2022.
Lệnh cấm thương mại của Trung Quốc
Vào năm 2020, Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế không chính thức đối với nhiều loại hàng hóa của Úc sau khi căng thẳng leo thang giữa hai nước do một số vấn đề chính trị và sức khỏe cộng đồng.
Căng thẳng bắt đầu từ năm 2018 khi Úc cấm Huawei tham gia mạng 5G của nước này và sau đó trở nên tồi tệ hơn khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus COVID-19, khiến chính quyền Trung Quốc phản đối.
Do đó, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt mức thuế chống bán phá giá tổng hợp 80.5% đối với lúa mạch Úc và lên tới 218% đối với một số nhãn hiệu rượu vang.
Các nhà xuất cảng than và bông của Úc cũng bị ảnh hưởng khi các công ty Trung Quốc được cho là tránh nhập cảng những mặt hàng này.
Các hàng hóa bị ảnh hưởng khác bao gồm gỗ, thịt bò và tôm hùm Úc, vì chúng bị trì hoãn kéo dài trong quá trình thông quan và tăng cường kiểm tra của Trung Quốc.
Trong khi các hạn chế thương mại ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt hàng của Úc, thì ngành than của Úc đã tìm thấy các thị trường dài hạn thay thế và không còn phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc đã có dấu hiệu sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh cấm thương mại, khi xuất hiện các báo cáo về khả năng nối lại bang giao thương mại than với Úc vào đầu tháng Một.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times