Úc kêu gọi sửa đổi luật di cư để ngăn chặn hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ
Các nhà lập pháp Úc đang được thúc giục thông qua luật để giúp ngăn chặn tội ác man rợ của Bắc Kinh là thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm.
Hôm 22/06, Dự luật Sửa đổi Di cư (Công khai thông tin cấy ghép nội tạng ở ngoại quốc và các dự luật khác) năm 2023, do Thượng nghị sĩ Dean Smith đề xướng, đã được giới thiệu và đã qua lần đọc thứ hai tại Quốc hội.
Dự luật được đề xướng nhằm sửa đổi Đạo luật Di cư năm 1958 này sẽ bổ sung một yêu cầu vào trong khuôn khổ nhập cư của Úc. Yêu cầu đó là những người nhập cảnh vào quốc gia này phải khai báo nếu họ đã được cấy ghép nội tạng bên ngoài nước Úc trong vòng 5 năm qua.
Người nhận nội tạng sẽ được yêu cầu tiết lộ tên của cơ sở y tế nơi thực hiện cấy ghép, cũng như thị trấn và/hoặc thành phố và quốc gia nơi có cơ sở đó.
“Những người nhập cảnh vào Úc sẽ phải khai báo thông tin này thông qua thẻ hành khách đến,” ông Smith nói với Thượng viện. “Dữ liệu kết quả sau đó sẽ được cung cấp cho Bộ trưởng chuyên trách để lập báo cáo thường niên trong bản thông tin chi tiết của Quốc hội.”
Thượng nghị sĩ Smith cho biết những sửa đổi này sẽ thúc đẩy sứ mệnh của Úc trong việc duy trì và củng cố nhân quyền.
Ông nói: “Khi nội tạng được cung cấp cho người nhận thông qua các biện pháp ép buộc hoặc bắt buộc bất hợp pháp, kết quả là một thảm kịch trong đó mạng sống của một người được đánh giá cao hơn mạng sống của người khác.”
“Điều này thể hiện một cuộc tấn công nghiêm trọng vào nền tảng của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và cam kết trong đó rằng ‘tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi.’”
“Mỗi khi một người bị ép bán nội tạng cho người khác, hoặc khi một tù nhân lương tâm bị hành quyết và bị thu hoạch nội tạng của họ, thì đó là sự vi phạm nguyên tắc phổ quát về bình đẳng và phẩm giá của nhân loại.”
Trong phán quyết cuối cùng hồi tháng Sáu năm 2019, Tòa án Luận tội Trung Quốc do luật sư nhân quyền nổi tiếng Ngài Geoffrey Nice KC, từng là công tố viên chính trong phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh của nhà lãnh đạo Nam Tư Slobodan Milošević, làm chủ tọa. Ông đã kết luận rằng “hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức đã được thực hiện trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm qua trên một quy mô lớn và các học viên Pháp Luân Công đã là một—và có lẽ là nguồn cung cấp nội tạng chính.”
Thu hoạch nội tạng vẫn tiếp diễn trong thời gian đại dịch COVID-19
Kiến nghị trên được đưa ra sau khi Tổ chức Thế giới Điều tra về Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) công bố một báo cáo khảo sát hồi tháng Tư nói rằng tội ác thu hoạch nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không hề giảm bớt trong đại dịch.
“Theo các cuộc khảo sát được thực hiện trước khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, ngành ghép tạng của Trung Quốc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính sách ‘Zero-COVID’ trong suốt ba năm đại dịch,” bản báo cáo Hoa ngữ viết.
“Các bệnh viện cấy ghép trên toàn quốc đã mở cửa tiếp nhận bệnh nhân như bình thường; nhiều bệnh viện cho biết họ có rất nhiều nội tạng. Nhiều người đã qua đời vì họ không có thức ăn hoặc trợ giúp y tế, nhưng việc cung cấp nội tạng không bị ảnh hưởng bởi sự phong tỏa nghiêm ngặt các thành phố và đường xá.”
Thông tin của báo cáo đến từ các cuộc điều tra theo dõi qua điện thoại đang diễn ra đối với hàng chục giáo sư, giám đốc và bác sĩ trưởng khoa phẫu thuật chuyên về cấy ghép sau khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách phong tỏa trong năm nay. Những cuộc điều tra này liên quan đến 32 bệnh viện ở 23 tỉnh, thành phố, và khu tự trị.
Người chạy trốn khỏi Trung Quốc lên tiếng
Bà Ngụy Quân (Wei Jun), một học viên Pháp Luân Công người Trung Quốc vừa trốn sang Sydney, đã khẳng định những lời cáo buộc về tội ác khủng khiếp này bằng chính những gì bà từng trải qua.
Bà Ngụy, ngoài 50 tuổi, kể lại rằng khi bà lần đầu tiên đến Trung tâm Tẩy não thành phố Mật Sơn, giám đốc trung tâm là ông Lý Lập Quân (Li Lijun) đang ngồi trong một góc tối tăm sau bữa tối và nói với bà rằng hãy “hiến thân cho đất nước,” nghĩa là hãy hiến tặng nội tạng của mình.
“Sau đó, ông ta nói với tôi: ‘Có các bác sĩ trong bệnh viện đang hợp tác với chúng tôi, dưới danh nghĩa khám sức khỏe cho bà, để xem các chỉ số thể chất của bà có đáp ứng tiêu chuẩn cho việc thu hoạch nội tạng sống hay không,’” bà nói tại một cuộc tập hợp vào hôm 14/07 để đánh dấu kỷ niệm 24 năm ngày ĐCSTQ đàn áp nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công.
“Vào một đêm khác, một người đàn ông trông giống như một người bán thịt — hóa ra là Trưởng Phòng 610 tại Mật Sơn Vu Hiểu Phong (Yu Xiaofeng) — đứng trước mặt tôi, nhìn chằm chằm vào tôi và nói: ‘Mắt của bà thật tốt [để thu hoạch].’”
Úc được kêu gọi tham gia các nỗ lực quốc tế
Nếu được thông qua, đạo luật này sẽ là hành động mới nhất của Úc trong việc tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn tội ác man rợ này.
Hôm 27/03, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua với tỷ lệ áp đảo Đạo luật Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2023. Đây là dự luật đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm trừng phạt hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Bắc Kinh.
Vào ngày 15/12/2022, Dự luật S-223 của Canada—“Đạo luật sửa đổi Bộ luật Hình sự và Đạo luật Bảo vệ Người nhập cư và Tị nạn” đã được Hoàng gia phê chuẩn thành luật. Luật này cấm nhập cảnh đối với thường trú nhân hoặc công dân ngoại quốc vào Canada nếu Bộ trưởng tin rằng họ có liên quan đến các hoạt động buôn bán nội tạng người.
“Thế giới ngày càng hiểu rõ hơn về tội ác thu hoạch nội tạng sống phản nhân loại của ĐCSTQ. Ngoài sự lên án về mặt đạo đức, nhiều quốc gia đã bắt đầu thúc đẩy luật pháp,” Tiến sĩ Uông Trí Viễn (Wang Zhiyuan), chủ tịch và phát ngôn viên của WOIPFG nói với The Epoch Times.
“Tôi tin rằng các hành động lớn sẽ sớm được thực hiện về vấn đề này. Ngày mà ĐCSTQ phải trả giá đầy đủ cho việc thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công sẽ sớm đến thôi.”
Bà Lucy Zhao (còn được gọi là Tiến sĩ Triệu), chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp của Úc, đã kêu gọi chính phủ Úc tham gia cùng các đồng minh của mình về vấn đề này.
“Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và Canada — các đối tác của Úc trong liên minh tình báo Ngũ Nhãn — đều đã ban hành hoặc đang tiến hành xây dựng luật chống cưỡng bức thu hoạch nội tạng và buôn bán nội tạng ở Trung Quốc,” bà Triệu viết trong một lá thư gần đây gửi cho các thành viên của Quốc hội.
“Ngoài ra, Liên minh Âu Châu và một số quốc gia cũng đã ban hành hoặc đề xướng luật để giải quyết vấn đề quốc tế này.”
Thượng nghị sĩ Smith đã kết thúc kiến nghị cho lần đọc thứ hai bằng cách thúc giục rằng “việc tham gia ký kết các công ước quốc tế như Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu, hoặc Công ước Diệt chủng là chưa đủ nếu chúng ta không làm những gì có thể để bảo đảm các nguyên tắc của những công ước này được giữ vững trên toàn cầu.”
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times