Úc: Bộ trưởng đổ lỗi cho tình trạng thiếu điện là do thiếu năng lượng xanh
Bộ trưởng Năng lượng Chris Bowen đã đổ lỗi cho tình trạng thiếu điện hiện tại của Úc là do chính phủ tiền nhiệm thiếu sự đầu tư vào năng lượng tái tạo và các cơ sở lưu trữ.
Bộ trưởng Lao động đã trả lời các câu hỏi về việc liệu Úc có nên chỉ đơn giản là tăng — hay sửa chữa — các máy phát điện chạy bằng năng lượng than đã cung cấp khoảng 64.67% tổng lượng điện của cả nước, tính đến tháng 12/2021.
Ông Bowen nói với các phóng viên hôm 16/06: “Vấn đề là không có đủ đầu tư vào năng lượng tái tạo. Không có đủ đầu tư vào việc lưu trữ.”
Ông nói, “Đúng vậy, quý vị có thể nói gió không phải lúc nào cũng thổi, và mặt trời không phải lúc nào cũng tỏa sáng. Không phải lúc nào mưa cũng rơi ở ngoài kia, nhưng chúng ta đã cố gắng trữ được nước.”
“Chúng ta có thể tích trữ năng lượng tái tạo nếu chúng ta có vốn đầu tư, và khoản đầu tư đó đã thiếu trong thập niên qua. Vấn đề nằm chính ở chỗ đó.”
Ngoài than đá, Thị trường điện quốc gia được hỗ trợ bởi năng lượng gió (10.45% tổng sản lượng điện), thủy điện (7.21%), các hệ thống năng lượng mặt trời riêng lẻ (7.09%), khí đốt (6.57%) và năng lượng mặt trời quy mô lưới (3.85%) trong số những loại năng lượng khác.
Bất ngờ là Úc lại là một trong những quốc gia nhanh nhất áp dụng công nghệ năng lượng mặt trời trên mái nhà, lắp đặt hơn 380,000 hệ thống vào năm 2021, với Cơ quan Điều tiết Năng lượng Sạch cho biết tổng lượng điện được tạo ra là 3,200 megawatt.
Hơn nữa, các chuyên gia đã lưu ý rằng việc chỉ cần chế tạo thêm pin để tăng dung lượng lưu trữ là không khả thi. Một trong những hệ thống lưu trữ pin lớn nhất thế giới là Trung tâm Lưu trữ Năng lượng FPL Manatee ở Florida, có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 329,000 ngôi nhà nhưng chỉ trong khoảng thời gian hai giờ.
Một vấn đề khác đối với việc tăng sản lượng pin là sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, điều này sẽ gây rủi ro vì việc Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng tận dụng các mối quan hệ thương mại trong các tranh chấp địa chính trị.
Đất hiếm và các khoáng chất quan trọng là những thành phần quan trọng trong công nghệ pin sạc. Hiện tại, ngay cả các nhà sản xuất xe hơi lớn như BMW và Tesla cũng phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Theo bà Kristin Vekasi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Maine: “Trung Quốc hiện kiểm soát 50% đến 60% khai thác đất hiếm toàn cầu, 80% đến 90% thị trường ở giai đoạn xử lý trung gian, nơi các nguyên tố được tách ra và tinh chế thành kim loại và hợp kim, và ít nhất 60% đến 70% ở hạ nguồn sản xuất các sản phẩm như nam châm vĩnh cửu.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Bowen và Thủ tướng Anthony Albanese đã ký một khuôn khổ mới để tăng nỗ lực giảm phát thải của Úc từ 26-28% vào năm 2030, lên 43%.
Ông Albanese nói với các phóng viên hôm 16/06: “Úc phải chấm dứt các cuộc chiến khí hậu, một cơ hội cho các giải pháp, chứ không phải các cuộc tranh luận.”
“Tất cả là về đầu tư vốn ngắn hạn cần thiết, nhưng sau đó quý vị sẽ nhận được lợi ích lâu dài, vì năng lượng sạch hơn, rẻ hơn sẽ phù hợp hơn với tương lai, và đó là điều tạo nên cơ hội cho tương lai nước Úc.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].