Ngoại trưởng Úc sẽ đến thăm Quần đảo Solomon giữa lo ngại về thỏa thuận an ninh Bắc Kinh
Ngoại trưởng Đảng Lao Động Úc Penny Wong sẽ đến thăm Quần đảo Solomon trong những ngày tới trong bối cảnh quan hệ ngày càng căng thẳng với Thủ tướng Manasseh Sogavare vì một thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với Bắc Kinh.
Sau chuyến thăm trước đó đến Fiji, cũng như Samoa và Tonga, đây sẽ là chuyến đi thứ ba đến khu vực Thái Bình Dương của bà Wong, người cũng sẽ có chuyến công du New Zealand.
Bà Wong nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi cam kết làm sâu sắc hơn mối hợp tác với Quần đảo Solomon khi chúng tôi cùng nhau đối mặt với những thách thức chung và đạt được các mục tiêu chung của chúng tôi, bao gồm cả vấn đề biến đổi khí hậu.”
“Tôi mong muốn được thảo luận về những biện pháp mà chúng tôi có thể tiếp tục đạt được sự tiến triển trong các ưu tiên phục hồi đại dịch, phát triển kinh tế và dịch chuyển lao động cũng như giải quyết các lợi ích an ninh chung của chúng tôi.”
Cuộc gặp của bà Wong với Thủ tướng Sogavare sẽ là một sự chuyển hướng so với cách tiếp cận của chính phủ Liên minh tiền nhiệm, trong đó cựu Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cố tình né tránh các cuộc đàm phán cấp cao với Thủ tướng Sogavare theo lời khuyên từ các quan chức ngoại giao.
Kể từ khi nắm quyền lực, Chính phủ Đảng Lao Động đã bắt tay vào các cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ Kim cương (Quadrilateral Security Dialogue), các quốc gia láng giềng Indonesia và Thái Bình Dương — trong nỗ lực để lại dấu ấn riêng trong các mối bang giao đối ngoại.
Các sáng kiến tham vọng hơn về biến đổi khí hậu cũng là điểm khác biệt chính so với chính phủ tiền nhiệm, vốn được Thủ tướng Anthony Albanese và bà Wong tập trung vào hơn với lời hứa về một khoản tài trợ biến đổi khí hậu nửa tỷ dollar dành cho các quốc gia Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã miễn cưỡng chấp nhận cách tiếp cận này với cựu giáo sư truyền thông chính trị Eric Louw, một chuyên gia về quy định chống phân biệt đối xử, cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo tham nhũng sẽ chỉ khai thác quan điểm của phương Tây về biến đổi khí hậu — và cảm giác tội lỗi xung quanh chủ nghĩa thực dân — để có được khoản tài trợ.
Tham nhũng là một vấn đề nhức nhối ở nhiều quốc gia Thái Bình Dương.
“Thủ tướng Sogavare tin rằng ông ấy có thể kiếm được tiền từ sự trỗi dậy của cạnh tranh toàn cầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc,” giáo sư Louw viết trên The Epoch Times.
Trong khi cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Úc Heston Russell cho rằng không có ích gì khi trực tiếp kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia Thái Bình Dương, thay vào đó, ông nói rằng các nhà lãnh đạo quốc gia dân chủ nên tập trung vào sự hợp tác ở cấp cơ sở.
Ông đã từng nói với The Epoch Times rằng, “Cấp chính trị và người dân địa phương có sự cách biệt. Hầu hết người dân đều quá bận rộn sinh tồn và với cuộc sống hàng ngày của họ và không chủ động quan tâm đến chính trị hoặc những gì đang diễn ra.”
“Điều đó cho phép giới tinh hoa chính trị lợi dụng quốc gia, bị tác động, bị tha hóa, và rơi vào tay các quốc gia có tài nguyên dồi dào, địa bàn rộng, cơ sở quyền lực lớn như Trung Quốc.”
Ông Russell, từng làm việc ở Thái Bình Dương, cho biết các quốc gia dân chủ có thể hợp tác song song, cùng với Hoa Kỳ thiết lập một khuôn khổ “chiến lược, tài chính và ngoại giao” bao quát để ứng phó với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương, cùng với Úc và New Zealand cung ứng “nhân sự tại chỗ” để hỗ trợ kết nối con người, thể dục thể thao, xây dựng trường học, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và cứu trợ thiên tai.
Những nỗ lực này cuối cùng sẽ kích thích cơ sở và gây áp lực lên các nhà lãnh đạo ngay từ đầu và có khả năng phục hồi quy trình dân chủ một cách triệt để.
Hồi tháng Ba, những ngờ vực xung quanh tham vọng lâu dài của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương đã kết tinh với sự xuất hiện của một thỏa thuận an ninh được ký với thủ tướng Solomons cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc đóng quân, đặt vũ khí và tàu hải quân trong khu vực — cách thành phố Cairns phía Bắc của Úc chỉ 1,700 km.
Nếu thỏa thuận này được thực hiện đầy đủ thì chúng ta có thể thấy việc quân sự hóa Nam Thái Bình Dương giống như Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Một tình huống dường như có nhiều khả năng xảy ra với việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình ký “bản phác thảo trên cơ sở thử nghiệm” gần đây sẽ cho phép quân đội cộng sản [Trung Quốc] đóng quân ở các quốc gia khác để thực hiện “các hoạt động quân sự ngoài chiến tranh.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].