Twitter đình chỉ tài khoản của nhân vật truyền thông ủng hộ việc bắn hạ phi cơ của bà Pelosi
Twitter đã tạm thời đình chỉ tài khoản của một người tuyên truyền cho ĐCSTQ sau khi ông này đề nghị quân đội Trung Quốc đáp trả nếu chiến đấu cơ của Hoa Kỳ hộ tống Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong bất kỳ chuyến thăm nào tới Đài Loan.
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cựu tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của ĐCSTQ, đã viết trên nền tảng Weibo giống Twitter của Trung Quốc hôm 30/07: “Vì đã cảnh báo quân đội Hoa Kỳ không hộ tống chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, nên tài khoản Twitter của tôi đã bị khóa. Tôi không thể sử dụng nền tảng này trừ khi tôi xóa bài đăng đó.” Bài đăng này đính kèm một bức ảnh chụp màn hình thông báo vi phạm của Twitter.
Ông Hồ đã đề cập đến một bài đăng trước đó cho rằng quân đội Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), nên sử dụng vũ lực chống lại bà Pelosi nếu bà đến thăm Đài Loan với sự hộ tống của quân đội Hoa Kỳ, gọi đó là một “hành động xâm lược” vào hòn đảo tự trị mà ĐCSTQ tuyên bố là của riêng mình. Ông đã viết trên Twitter hôm thứ Sáu: “PLA [quân đội Trung Quốc] có quyền xua đuổi phi cơ của bà Pelosi và các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bằng vũ lực, kể cả bắn cảnh cáo và thực hiện chiến thuật di chuyển chặn đường.”
Người châm dầu vào lửa theo chủ nghĩa dân tộc này nói thêm, “Nếu đuổi không đi, thì hãy bắn hạ phi đội này.”
Lời cảnh báo gửi từ hệ thống của Twitter không xác định cụ thể bài đăng của ông Hồ đã vi phạm quy tắc nào trên nền tảng này.
Ông Hồ sau đó đã xóa bài đăng đó trên Twitter để khôi phục tài khoản hiện bị đóng của mình.
Cựu tổng biên tập của cơ quan ngôn luận ở hải ngoại này của ĐCSTQ đã nổi tiếng với những bình luận ủng hộ Bắc Kinh theo kiểu chế giễu và khiêu khích trên mạng xã hội, cả trước và sau khi ông này không còn làm việc cho tờ báo của nhà nước này hồi năm ngoái (2021).
Bình luận mới nhất của ông Hồ Tích Tiến được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden hôm thứ Năm (28/07), trong đó ông Tập cảnh báo rằng Hoa Thịnh Đốn nên tuân thủ “nguyên tắc Một Trung Quốc” và “những người đùa với lửa có ngày sẽ bị phỏng tay”.
Bắc Kinh cũng đã cảnh báo sẽ thực hiện “các biện pháp mạnh mẽ” sau khi tờ Financial Times lần đầu tiên đưa tin rằng Chủ tịch Hạ viện sẽ có chuyến thăm tới hòn đảo mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền vào tháng tới. Kể từ thời Trung Quốc trước cách mạng, Đài Loan đã theo đuổi việc được công nhận trên trường thế giới như một quốc gia có chủ quyền, với chính phủ được bầu cử dân chủ, có Hiến pháp và quân đội của riêng mình.
Căng thẳng
Bà Pelosi bắt đầu chuyến công du tới Á Châu vào Chủ Nhật (01/08), dừng chân ở Singapore, Malaysia, Nam Hàn và Nhật Bản, dù vẫn còn tồn tại những nghi vấn không biết liệu phái đoàn của bà có dừng chân ở Đài Loan hay không. Nếu Chủ tịch Đảng Dân Chủ của Quốc hội Hoa Kỳ thực hiện theo một kế hoạch như được đưa tin, thì bà sẽ là chính trị gia cao cấp nhất của Hoa Kỳ đi đến hòn đảo dân chủ Đài Loan kể từ năm 1997.
Những đồn đoán gia tăng trong những ngày gần đây đã làm leo thang căng thẳng bên ngoài khu vực Eo biển Đài Loan.
Hôm 29/07, khi được hỏi về chuyến thăm tiềm năng của Pelosi tới hòn đảo này, một phát ngôn viên về an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc cho biết, Hoa Kỳ chưa nhìn thấy bằng chứng nào về việc Trung Quốc có hành động quân sự nhắm vào Đài Loan. Tuy nhiên, một ngày trước đó, Cục An toàn Hàng hải của Trung Quốc đã thông báo rằng PLA sẽ tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Eo biển Đài Loan.
Nếu chiến thuật chặn đường của quân đội Trung Quốc thất bại, thì “bắn hạ phi cơ của bà Pelosi cũng được”, ông Hồ nhắc lại lập trường của mình khi đăng trên nền tảng truyền thông Trung Quốc Weibo.
Trước đó, ông Hồ gợi ý rằng chính quyền Trung Quốc nên điều động chiến đấu cơ đặc biệt “tháp tùng” bà Pelosi khi bà đến thăm Đài Loan để thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan.
‘Tuyên bố chiến tranh’
Dân biểu Michael Waltz (Cộng Hòa-Florida), một người Lính Mũ nồi Xanh của Lục quân về hưu, trách Tòa Bạch Ốc vì đã bối rối về mặt ngoại giao vào một thời điểm quan trọng. Hôm thứ Sáu tuần trước (29/07), ông nói với Fox News rằng ông Biden cần thông báo cho Bắc Kinh rằng bất kỳ tổn hại nào đối với bà Pelosi trong chuyến đi của bà tới Đài Loan sẽ “tương đương với một lời tuyên chiến”.
Ông Waltz nói, “Đây là một mối đe dọa không thể chấp nhận được. Dẫu cho các vị có nghĩ gì về nền chính trị của chúng ta, thì Chủ tịch Pelosi chính là người ở vị trí thứ ba có thể trở thành tổng thống của Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, nhà bình luận chính trị và nhà phân tích Trung Quốc Gordon Chang nói rằng những lời đe dọa của Trung Quốc về việc bắn hạ phi cơ của bà Pelosi trong chuyến đi Đài Loan tiềm năng của bà “có thể không phải là lời nói trong lúc tức khí”.
Ông Chang nói trên chương trình “The Ingraham Angle” của Fox News: “Quý vị hãy nhớ một điều là: Ngay lúc này, Trung Quốc đang khai triển bốn chiến hạm trong vùng lãnh hải Nhật Bản thuộc Quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông. Quân đội Trung Quốc cũng đang tiến sâu vào vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát ở Ladakh, trên dãy Himalaya. Vài tuần trước, Trung Quốc đã gây ra một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông với Philippines.”
Ông nói, “Trung Quốc đang muốn gây hấn. Đó có thể là Đài Loan, nhưng cũng có thể là một nơi nào đó khác.”
Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.