Tướng Mỹ: Nga đang sử dụng vũ khí không gian ở Ukraine
Theo một vị tướng hàng đầu trong Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ, Nga đang sử dụng các vũ khí không gian trong cuộc chiến Ukraine bằng cách gây nhiễu tín hiệu GPS từ các vệ tinh GPS của Mỹ được lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng.
Tuy nhiên, một chuyên gia tin rằng Nga đã quyết định không phá hủy phần cứng vũ trụ, một phần vì khả năng không gian của nước này chưa được phát triển đầy đủ và không thể duy trì một cuộc xung đột với một cường quốc.
Theo Tướng B. Chance Saltzman, người đứng đầu các hoạt động không gian của Lực lượng Vũ trụ Hoa Kỳ, Nga có các tia laser trên Trái đất có khả năng tấn công vệ tinh, thiết bị gây nhiễu điện tử, và các hỏa tiễn chống vệ tinh.
“Họ không hề tỏ ra e ngại khi thử nghiệm các hệ thống này,” ông Saltzman nói với những người tham dự tại một diễn đàn hôm 05/04 về phòng thủ không gian do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell tiến hành.
“Và họ có mọi ý định sử dụng vũ khí phản công dùng trong không gian khi có xung đột, như chúng ta thấy trong cuộc chiến ở Ukraine. Chúng tôi đã chứng kiến các cuộc tấn công mạng nhằm vào các nhà cung cấp internet vệ tinh cũng như gây nhiễu liên tục cho SATCOM và GPS.”
Nga đã nhắm mục tiêu vào hệ thống Navstar GPS, vốn được vận hành bởi Lực lượng Vũ trụ và được cung cấp cho một số quốc gia khác.
“Không thể phủ nhận không gian là … một chiến trường đầy tranh cãi,” ông Saltzman nói.
Lực lượng Vũ trụ đã biết về vụ gây nhiễu này ít nhất là từ tháng 04/2022. “Ukraine có thể không sử dụng được GPS vì có các thiết bị gây nhiễu xung quanh khiến họ không nhận được bất kỳ tín hiệu khả dụng nào,” Tướng Lực lượng Vũ trụ David Thompson cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào thời điểm đó.
Theo Giám đốc điều hành của SpaceX, ông Elon Musk, tín hiệu từ hệ thống Starlink của SpaceX cũng đã bị nhiễu. “Một số thiết bị đầu cuối của Starlink gần các khu vực xung đột đã bị làm nhiễu trong vài giờ liền,” ông Musk viết trên Twitter vào tháng 03/2022. “Bản cập nhật nhu liệu mới nhất của chúng tôi đã khắc phục được tình trạng nhiễu tín hiệu này.”
Tháng 11/2021, người Nga đã tiến hành một cuộc thử nghiệm lớn về vũ khí chống vệ tinh nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành động phá hủy vệ tinh. Theo bà Anne Maruin, một nhà nghiên cứu địa chính trị của Không lực Pháp, sự thận trọng đó có thể là do một phép tính toán rủi ro.
“Từ cuộc xung đột ở Ukraine, các kết quả trong không gian cho thấy Moscow hiện đang tuân thủ một hình thức chủ nghĩa thực dụng, cân nhắc cẩn thận các rủi ro leo thang sẽ xảy ra nếu tàu vũ trụ của Hoa Kỳ hoặc Âu Châu đang gián tiếp phục vụ cho lực lượng Ukraine nên bị phá hủy,” bà Maurin viết trong ấn bản mùa xuân năm 2023 của diễn đàn Aether: A Journal of Strategy Airpower & Spacepower.
Bà Maruin nói rằng một hành động như vậy có thể được coi là một nguyên nhân gây ra chiến tranh, điều mà Nga khó có thể mạo hiểm.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times