Tuồng khêu gợi ‘nội chiến’
Trong khi các cuộc thăm dò ý kiến về Tổng thống Joe Biden không có tiến triển và các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần, giờ đây chúng ta lại còn được chiêu đãi một đợt tuồng khác của phe cấp tiến về những hiểm họa của một cuộc tiếp quản bạo lực của phe cực hữu được cho là sắp xảy đến.
Mối đe dọa lần này được cho là một khát vọng có tính chất Neanderthal về một “cuộc nội chiến”.
Vụ FBI bố ráp tư dinh của cựu Tổng thống Donald Trump ở Florida, cùng lý do mơ hồ cho một cuộc đột kích lịch sử như vậy, và phản ứng của khoảng hơn nửa dân số quốc gia đối với FBI và Bộ Tư pháp đã đang làm bùng lên những lời phỏng đoán phù phiếm về “cuộc nội chiến” này.
Gần đây “sử gia tổng thống” Michael Beschloss đã suy đoán về các tham số của một cuộc nội chiến được mường tượng như vậy.
Ông Beschloss là một nguồn tin đầy mâu thuẫn. Chỉ vài ngày trước đó, ông ta đăng trên Twitter viện dẫn vụ hành quyết đôi vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg, những kẻ đã tuồn những bí mật về bom nguyên tử của Hoa Kỳ cho Liên Xô vào những năm 1950, có mối tương quan với cuộc đột kích của FBI vào Mar-a-Lago.
Sự ám chỉ đó thật điên khùng rằng theo đúng lẽ thì ông Trump có thể sẽ phải nhận lấy số phận phải chết giống như thế vì người ta cho là ông đã giải quyết sai “các bí mật về vũ khí hạt nhân.” Vị cựu Giám đốc CIA Michael Hayden rối trí đã trích lại lời gợi ý của ông Beschloss về án tử nói trên và nói thêm rằng điều này “có vẻ đúng.”
Gần đây ông Hayden đã trở nên có tiếng vì so sánh việc ông Trump tiếp tục duy trì các cơ sở giam giữ ở biên giới của chính phủ cựu Tổng thống Obama với các trại tử thần của Hitler. Đồng thời ông ta còn bảo đảm với công chúng rằng chiếc máy điện toán xách tay bị mất và bị buộc tội của ông Hunter Biden chắc hẳn là “thông tin sai lệch của Nga.”
Cho nên, giống như trò lừa bịp “thông đồng của Nga” cũng như “cuộc nổi dậy” ngày 06/01 trước đó, cuộc nội chiến do phe cánh hữu truyền cảm hứng được giả định này là lời cảnh báo chói tai mới nhất từ Cánh tả về “sự ra đi của nền dân chủ trong tăm tối” và vị thế kiểm soát Quốc hội của phe cấp tiến sắp sửa cáo chung trong một vài tháng tới.
Y như rằng, Hollywood hiện đang tham gia vào đoàn xe diễn hành nội chiến này. Họ đã đang phát hành một số bộ phim loại C dở tệ. Các bộ phim này làm nổi bật “những kẻ nổi dậy” da trắng loạn trí, những người tìm cách tiếp quản Hoa Kỳ với những hy vọng hất cẳng hoặc diệt sạch những dân tộc “bên lề xã hội” khác nhau.
Các yếu nhân Ngũ Giác Đài hứa sẽ tìm hiểu về “cơn thịnh nộ của người da trắng” trong quân đội và giải quyết tận gốc. Tuy nhiên họ không hề đưa ra bất kỳ dữ liệu thuyết phục nào cho thấy nam giới da trắng thể hiện chủ nghĩa sô vanh chủng tộc hoặc sắc tộc ở mức độ lớn hơn bất kỳ nhóm nhân khẩu học nào khác.
Khi chúng ta nghe nói về một kế hoạch nổi dậy — để bắt cóc thống đốc Michigan — chúng tôi phát hiện ra một mớ hỗn độn được dựng lên. Mười hai người cung cấp thông tin cho FBI đông hơn bốn kẻ được cho là “chủ mưu.” Hơn nữa, hai người trong số họ đã được bồi thẩm đoàn tuyên trắng án, trong khi hai người còn lại cho đến nay được tuyên bố vô tội do xử án sai.
Cuộc bạo loạn hài hước ngày 06/01 ở Điện Capitol thường được xem là bằng chứng về phong trào cánh hữu đang nổi dậy. Nhưng sự việc bạo loạn ngượng ngùng kéo dài một ngày đó không bao giờ tìm ra bất kỳ nhà cách mạng có vũ trang nào hay những âm mưu lật đổ chính phủ nào.
Những gì sự kiện này đã làm là tạo cho Cánh tả một cái cớ để vũ khí hóa thủ đô quốc gia bằng dây thép gai cùng hàng ngàn quân lính liên bang trong đợt quân sự hóa lớn nhất thủ đô Hoa Thịnh Đốn kể từ sau Nội chiến.
Ngược lại, những kẻ bạo loạn Antifa và Black Lives Matter không phải là những chú hề chỉ diễn trong một ngày. Họ đã tổ chức một cách có hệ thống một loạt các cuộc bạo động phá hoại và đầy tang tóc trên khắp đất nước hơn bốn tháng trời hồi mùa hè năm 2020. Con số thiệt mạng do hành động của họ là hơn 35 người tử vong, thiệt hại tài sản 2 tỷ USD và hàng trăm cảnh sát bị thương.
Những kẻ biểu tình bạo lực như vậy đã đốt cháy nhà thờ St. John’s Episcopal trớ trêu và cố gắng giành đường vào khuôn viên Tòa Bạch Ốc. Nghị trình đầy bạo lực của họ đã khiến Cơ quan Mật vụ phải di tản tổng thống Hoa Kỳ [Donald Trump] đến một boongke an toàn.
The New York Times hân hoan tán thưởng cuộc bạo động gần khuôn viên Tòa Bạch Ốc với dòng tiêu đề châm biếm “Trump Co Lại.”
Về vấn đề ly khai, hiện nay chủ yếu đến từ phe Cánh tả, chứ không phải Cánh hữu. Thật vậy, một cuộc chơi chữ trong phòng khách đã xuất hiện trong giới tinh hoa ở các địa điểm như The Nation và The New Republic dựng lên hình ảnh ly khai khỏi Hoa Kỳ. Sự ly khai ồn ào của những người ở các tiểu bang màu xanh dương đã giúp họ thoát khỏi gánh nặng từ dân cư theo phái bảo tồn truyền thống ở những tiểu bang màu đỏ.
Trong năm năm qua, chính phe Cánh tả đã công khai nói về việc phá toang hệ thống quản trị của nước Mỹ — từ việc bổ sung thẩm phán vào Tối cao Pháp viện và vứt bỏ Đại cử tri đoàn đến việc chấm dứt thông lệ cổ xưa dùng để trì hoãn việc ra quyết định tại quốc hội (filibuster) cũng như vô hiệu hóa luật nhập cư.
Hồi đầu năm 2021, bà Molly Ball, nhà viết tiểu luận của tờ Times đã để lộ một “âm mưu” sáng suốt của các ông trùm công nghệ giàu có, các nhà hoạt động của Đảng Dân Chủ, và những người điều khiển ông Biden.
Bà Ball đã khoe ra việc họ đã rót hàng trăm triệu đồng tiền bẩn một cách có hệ thống nhằm thay đổi luật bỏ phiếu, và tiếp nhận vai trò của các cơ quan ghi danh trong chính phủ tại các khu vực bầu cử quan trọng.
Điều mang tính cách mạng là những tiền lệ mới của phe cấp tiến về việc đàn hặc một tổng thống đến hai lần, xét xử ông ấy như là một công dân bình thường, ngăn cấm các dân biểu quốc hội phe thiểu số không được tham gia vào ủy ban Hạ viện, và bỏ qua bài diễn văn về tình trạng liên bang trên truyền hình quốc gia.
Ngược lại, việc gièm pha tình trạng vũ khí hóa một FBI chuyên nghiệp một thời, và những vụ bê bối trong hệ thống phân cấp ngổ ngáo ở Hoa Thịnh Đốn của cơ quan này không phải là nổi dậy. Cũng không thấy thất kinh khi FBI đột kích nhà của một cựu tổng thống và là ứng cử viên tổng thống tiềm năng, trong khi các tranh chấp mang tính lịch sử về các tài liệu của tổng thống là việc của các luật sư chứ không phải của các đặc vụ được vũ trang.
Việc lạm quyền mang tính lịch sử mới là nổi dậy, chứ không phải việc phản đối lạm quyền. Và những ai cảnh báo phần lớn cuộc nội chiến hoang đường nào đó mới là những người có nhiều khả năng kích động một cuộc nội chiến nhất.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Victor Davis Hanson là một nhà bình luận theo phái bảo tồn truyền thống, nhà nghiên cứu văn hóa cổ điển, và nhà sử học quân sự. Ông là một giáo sư danh dự về văn hóa cổ điển tại Đại học Tiểu bang California, thành viên cao cấp về lịch sử quân sự và văn hoá cổ điển tại Đại học Stanford, thành viên của Trường Cao đẳng Hillsdale, và là thành viên ưu tú của Center for American Greatness. Ông Hanson đã viết 16 cuốn sách, trong đó có “The Western Way of War” (“Chiến Tranh Kiểu Phương Tây”), “Fields Without Dreams” (“Những Cánh Đồng Không Có Ước Mơ”) và “The Case for Trump” (“Tranh biện cho Ông Trump”).