Cuộc đột kích của FBI vào tư dinh cựu TT Trump là một thời khắc mang tính bước ngoặt đối với Hoa Kỳ
Cuộc đột kích của FBI được xem là một hành động chính trị vô tiền khoáng hậu; DOJ biện hộ rằng đây là hành động hợp pháp
Cuộc đột kích vào dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump hôm 08/08 là một thời khắc mang tính bước ngoặt đối với Hoa Kỳ. Chưa bao giờ có chuyện tư dinh của một cựu tổng thống bị cảnh sát liên bang khám xét. Đối với nhiều người Mỹ, đó là giọt nước tràn ly, hành động này đã làm xói mòn lòng tin của họ với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) và FBI.
Khi thông tin mới dần dần hé mở về những thứ đã bị và không bị lấy đi từ dinh thự của ông Trump, vị tổng thống thứ 45 này đã chia sẻ những thông tin cập nhật trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của mình.
“Ồ! Trong cuộc đột kích Mar-a-Lago của FBI, họ đã đánh cắp ba cuốn Hộ chiếu của tôi (một cuốn đã hết hạn), cùng với những thứ khác,” ông Trump tuyên bố hôm 15/08. “Đây là một cuộc tấn công nhằm vào một đối thủ chính trị ở mức độ chưa từng thấy trước đây ở Đất nước chúng ta. Thế giới Thứ ba!”
Một ngày trước đó, ông Trump cho biết các tài liệu được bảo vệ bởi đặc quyền luật sư-thân chủ và đặc quyền hành pháp đã bị lấy đi.
Theo một thư điện tử dường như từ một quan chức DOJ đã được phát ngôn viên Taylor Budowich của ông Trump công bố, DOJ nói với nhóm ông Trump hôm 15/08 rằng những cuốn hộ chiếu này có thể được nhận tại Văn phòng Chi nhánh Hoa Thịnh Đốn của FBI.
Vụ khám xét nhà của cựu tổng thống này được xem là đỉnh điểm trong việc chính trị hóa hệ thống tư pháp
Hôm 15/08, dẫn lời các nguồn tin ẩn danh từ DOJ, Just the News cho biết DOJ đã lên kế hoạch trả lại các tài liệu mà cơ quan này xác định là đặc quyền trong vòng hai tuần.
Cuộc đột kích đã khiến những người ủng hộ ông Trump và cả một số người gièm pha ông phẫn nộ. Sáng ngày 15/08, thông qua các đại diện của mình, ông Trump cho biết ông đã đề nghị làm việc với DOJ vì “sự phẫn nộ dữ dội trong nước — ở mức độ chưa từng thấy trước đây, ngoại trừ trong những thời điểm rất nguy nan.”
“Mọi người rất phẫn nộ với những gì đang diễn ra,” ông nói với Fox News. “Bất cứ điều gì chúng tôi có thể trợ giúp — bởi vì cần phải làm dịu xuống không khí căng thẳng trong nước. Bằng không thì những điều khủng khiếp sẽ đến.”
Sau cuộc đột kích, các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa đã yêu cầu giải thích điều gì đã thúc đẩy cuộc đột kích này, đồng thời cam kết sẽ điều tra DOJ và FBI nếu Đảng Cộng Hòa giành lại quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng Một như dự đoán.
Trong khi lời biện minh chính xác cho cuộc đột kích này vẫn bị che đậy kín đáo, nhiều nhà bình luận đã kết luận đại khái rằng một bước đi như vậy sẽ chỉ chính đáng nếu có lý do nghiêm trọng, thời gian khẩn cấp, và bằng chứng xác đáng. Những lời kêu gọi cho sự công khai minh bạch đã đến từ cả hai đảng phái.
Thông tin được tiết lộ cho đến nay cho thấy lời biện minh là FBI đang điều tra khả năng giải quyết sai thông tin quốc phòng; lấy, cất giấu, hoặc phá hủy hồ sơ chính phủ; và thay đổi, phá hủy, hoặc làm sai lệch hồ sơ trong các cuộc điều tra liên bang. Hiện vẫn chưa rõ những quy chế đã được cho là bị vi phạm như thế nào.
Hôm 11/08, Tổng Chưởng lý Merrick Garland đã nhận trách nhiệm phê chuẩn cuộc đột kích này. DOJ đồng ý ban hành trát cho cuộc đột kích, bao gồm những gì mà các đặc vụ đang tìm kiếm, nơi cũng như những thứ, trong những điều khoản chung, mà họ đã lấy đi. Tuy rằng một số tài liệu bị tịch thu được gắn nhãn trong danh sách kiểm kê của cuộc đột kích là “tuyệt mật,” nhưng ông Trump cho biết ông đã giải mật toàn bộ số tài liệu đó khi còn đương chức. Tổng thống này có quyền giải mật thông tin theo ý muốn.
Một phân tích chung của phe bảo tồn truyền thống về cuộc đột kích này đã xem đó là biểu trưng cho sự biến chất của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.
DOJ đang phản đối lời những lời kêu gọi công bố bản khai hữu thệ giải thích lý do FBI muốn có trát khám xét. Vài giờ sau khi DOJ đệ đơn phản đối lên tòa án, ông Trump thúc giục việc “lập tức công bố Bản khai hữu thệ hoàn toàn Không chỉnh sửa.”
Hồ sơ tổng thống
Kể từ khi ông Trump rời nhiệm sở, các quan chức của Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia đã thúc giục ông giao các hồ sơ tổng thống đã được đóng gói và chuyển đến tư dinh của ông ở Florida. Hồi tháng Một, ông đã trả lại khoảng 15 hộp tài liệu và các vật dụng khác, nhưng các quan chức Cơ quan Lưu trữ đã yêu cầu bàn giao thêm.
Hồi tháng Sáu, một số quan chức FBI và DOJ đã đến Mar-a-Lago, xem xét các tài liệu được đề cập với các luật sư của ông Trump, và kiểm tra căn phòng lưu trữ những tài liệu này dưới tầng hầm. Sau cuộc đột kích, luật sư Christina Bobb của ông Trump nói với The Epoch Times rằng những quan chức này đã được phép xem xét các tài liệu như họ muốn.
Sau đó, bà Bobb giải thích trên một podcast với cựu luật sư Rudy Giuliani của ông Trump, “Chúng tôi đã dẫn họ đến bộ phận lưu trữ và cho họ xem bất cứ thứ gì họ muốn xem và trả lời bất kỳ câu hỏi nào.”
“Và cuộc viếng thăm rất thân mật. Ai cũng đều hòa nhã, thân thiện và rất chuyên nghiệp. Vì vậy, chúng tôi không có lý do gì để tin rằng có bất kỳ loại bản chất đối nghịch nào trong cuộc thảo luận đó. Vì vậy, việc đi từ mức đó đến một cuộc đột kích toàn diện có vẻ hơi khiến người ta sửng sốt.” Bà cho biết những quan chức đó đã hỏi liệu có thể lắp một chiếc khóa “chắc chắn hơn” lên cánh cửa không, và trong vòng vài ngày yêu cầu này đã được thực hiện, chỉ để cuối cùng cái ổ khóa đó đã bị phá toang trong cuộc đột kích.
Xâm nhập
Một số luật sư đã chỉ ra rằng trước khi thừa hành một trát khám xét, nên sử dụng các biện pháp ít mang tính xâm nhập hơn, chẳng hạn như yêu cầu cung cấp tài liệu và trát đòi. Theo luật sư về Hiến Pháp Alan Dershowitz, được biết là DOJ đã ban hành một trát đòi hồi tháng Năm, nhưng điều đó vẫn không nhất thiết biện minh cho một cuộc đột kích.
“Nếu quý vị muốn lấy tài liệu, thì quý vị ban hành trát đòi, và sau đó phía bên kia phản đối rồi nói: ‘Không, cái này không phải tài liệu mật. Tài liệu này đã được giải mật. Đây là đặc quyền luật sư-thân chủ. Chúng tôi đang viện dẫn Tu chính án thứ Năm về việc đưa ra tài liệu này,’ và quý vị sẽ khởi kiện,” ông nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó. “Quý vị ra tòa. Quý vị kiện tụng. Quý vị không chỉ cứ lấy tài liệu rồi nói, ‘Tôi có được nó rồi. Giờ thì các vị phải kiện thôi.” Ông Dershowitz và những người khác đã chỉ ra rằng những quan chức và những vị cựu tổng thống khác đã phải đối mặt với các vấn đề về việc giữ lại các tài liệu nhạy cảm, nhưng không có người nào trong số họ bị đột kích vào nhà.
Vài tháng trước khi nhiệm kỳ thứ hai kết thúc, cựu Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu chuyển hồ sơ tổng thống của mình đến một cơ sở tư nhân. Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) đã làm việc với ông để lấy về những tài liệu này tại cơ sở đó và phải đến tận năm 2018 mới đạt được một thỏa thuận với Quỹ Obama để chuyển một số hồ sơ mật “đến các cơ sở do NARA kiểm soát, phù hợp với các chuẩn mực lưu trữ bảo quản của cơ quan này đối với các hồ sơ và hiện vật đó.”
Ông Dershowitz lập luận rằng cuộc đột kích vào tư dinh của ông Trump dường như cho thấy sự đối xử bất bình đẳng của DOJ.
Ông nói: “Nếu tôi phải đặt một biểu tượng cho Bộ Tư pháp, thì đó sẽ là, ‘Quy thức pháp lý dành cho tôi, chứ không phải dành cho quý vị. Tự do ngôn luận dành cho tôi, chứ không phải dành cho quý vị. Bảo vệ bình đẳng dành cho tôi, chứ không phải dành cho quý vị.’ Đó là phương hướng mà con lắc hiện đang xoay theo ngày nay.”
Hơn nữa, ông lưu ý rằng cuộc đột kích đã lập nên một tiền lệ nguy hiểm.
“Một khi thiết lập nên tiền lệ rằng quý vị có thể sử dụng việc lục soát như một biện pháp cần đến đầu tiên thay vì cần đến cuối cùng, thì quý vị có thể truy lùng mọi người dựa trên quan điểm chính trị của họ, chứ không phải dựa trên khả năng phạm tội tương quan,” ông nói. “Điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai, và nó đã là như vậy. Chúng ta đã chứng kiến những kỹ thuật tàn bạo này được sử dụng nhiều hơn. Rất có thể các công tố viên địa phương sẽ học theo điều này.”
Về chính trị
Ông Trump đã lên án cuộc đột kích như là một phần của một “cuộc săn phù thủy chính trị” chống lại ông, ví sự việc như cuộc truy kích mà rốt cuộc không đem lại thành quả của FBI về các cáo buộc cho rằng ông thông đồng với Nga để làm thay đổi cuộc bầu cử năm 2016 — những cáo buộc do các nhân viên làm việc cho đối thủ của ông lúc đó là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bịa ra và truyền bá.
Một số nhà bình luận đã nêu ra vấn đề rằng FBI đeo đuổi ông Trump trong khi có vẻ như ông là ứng cử viên tranh cử Tổng thống năm 2024 của Đảng Cộng Hòa và trong lúc ông đang vận động cho các ứng cử viên Đảng Cộng Hòa trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.
DOJ có một chính sách nội bộ là không tiếp quản các bước điều tra trong các vụ việc liên quan đến chính trị trong vòng 90 ngày trước khi diễn ra một cuộc bầu cử. Cuộc đột kích diễn ra 91 ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hôm 08/11.
‘Cộng hòa chuối’
Một phân tích chung của phe bảo tồn truyền thống về cuộc đột kích này đã xem đó là biểu trưng cho sự biến chất của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich viết trong một bài xã luận gần đây: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang dao động giữa việc khôi phục chế độ pháp quyền và Hiến Pháp hay là sa chân vào một hệ thống ‘cộng hòa chuối’ (banana republic, hàm ý là quốc gia có nền chính trị bất ổn) thuộc thế giới thứ ba đầy rẫy tham lam, giả dối, quyền lực chính trị, và vi phạm pháp luật trên diện rộng.”
Nhà làm phim kiêm soạn giả theo phái bảo tồn truyền thống Dinesh D’Souza đi sâu hơn vào những điểm tương đồng: “Đặc điểm chính của các nước cộng hòa chuối là họ tạo ra các quy tắc khi họ tiến triển. Họ truy tố các đối thủ của họ đồng thời đàn áp các quyền tự do căn bản,” ông nói trong một podcast gần đây. “Họ thao túng quy trình bầu cử, làm những gì có thể để bảo đảm rằng họ vẫn nắm quyền. Nếu có thể thì họ chọn trước … các ứng cử viên. Vì vậy, họ chế giễu toàn bộ các quyền căn bản và các quyền tự do là đặc trưng của một nước cộng hòa. Còn chúng ta đang chứng kiến điều đó tại Hoa Kỳ.”
Đây là một cuộc tấn công nhằm vào một đối thủ chính trị ở mức độ chưa từng thấy trước đây ở Đất nước chúng ta. Thế giới Thứ ba!”
— Cựu Tổng thống Donald Trump
Hơn nữa, ông chỉ ra rằng, “các nước cộng hòa chuối làm toàn bộ những điều này trong khi vờ như họ không làm. Đó là lý do tại sao họ tự gọi mình là các nước cộng hòa.”
Ông lưu ý rằng những lời thú nhận của ông Garland sau cuộc đột kích về tư pháp công bình đang được thực thi “mà không e sợ hay ưu ái” là không khớp với thực tế mà người Mỹ có thể tận mắt chứng kiến.
Ông D’Souza nói: “Điều này là chính xác, thật sự là những gì quý vị nghe được từ những kẻ bạo ngược rẻ tiền xem thường pháp quyền, ngay cả khi họ giả vờ làm tông đồ của pháp quyền.”
Cựu quan chức an ninh quốc gia của ông Trump là ông Kash Patel đã đồng tình.
Ông Patel nói với biên tập viên cao cấp Jan Jekielek của The Epoch Times rằng, “Đó là những thuật ngữ mà chúng tôi truyền ra xung quanh vì chúng từng là một cơ sở tốt để so sánh. Giờ thì thật đáng sợ khi chúng ta đã trở thành cơ sở đó.”
“Hệ thống tư pháp Hoa Kỳ ưu việt hơn vì nó không phản ánh hệ thống tư pháp của các quốc gia khác nơi quý vị có một nhà độc tài, hoặc quý vị có quyền cai trị chuyên chế, như ở Nga, hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi họ đàn áp quy thức pháp lý, đồng thời thi hành các bản án chính trị thông qua bộ máy chấp pháp tình báo của họ.”
Ông nói, điều mà Hoa Kỳ hiện đang chứng kiến là “bộ máy chấp pháp của chúng ta bị phá hủy không ngừng vì các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất của chúng ta đã chọn chính trị hóa nó.”
Tương lai của FBI
Cuộc đột kích này đã khiến một số nhà bình luận đề nghị kiểm soát toàn diện lực lượng cảnh sát liên bang.
Luật sư bào chữa và là cựu đặc vụ FBI Stuart Kaplan đề nghị Tổng thanh tra DOJ có thể cần phải tiếp quản FBI.
“Tôi không chắc FBI có thể hoạt động mà không cần có sự giám sát. Đó là mức độ tồi tệ mà mọi thứ đang ở ngày nay,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với người sản xuất chương trình podcast kiêm cựu nhân viên mật vụ Dan Bongino.
Nhà sử học Victor Davis Hanson thậm chí còn đi xa hơn, khi đề nghị giải tán FBI đồng thời chuyển giao nhân sự và các chức năng của cơ quan này cho các cơ quan cấp liên bang và cấp địa phương khác.
Ông đã viết trong một bài xã luận gần đây: “FBI can thiệp và làm thiên lệch các cuộc bầu cử quốc gia. Họ thuê những kẻ hoàn toàn gian lận làm những người cung cấp thông tin, mà những kẻ này còn tệ hơn nhiều so với những người bị họ nhắm mục tiêu. Họ hạ nhục hoặc miễn trừ cho các quan chức chính phủ và các quan chức được dân cử dựa trên những quan điểm chính trị của họ. Họ vi phạm các quyền tự do dân sự của mỗi một người dân Mỹ.”
“Hiện nay, các quan chức cao nhất của FBI thường xuyên đánh lừa Quốc hội. Họ đã xóa hoặc thay đổi bằng chứng tòa án và bằng chứng bị ban trát đòi hầu tòa. Họ làm rò rỉ bất hợp pháp tài liệu mật cho giới truyền thông. Và họ đã tuyên thệ gian dối với các nhà điều tra liên bang.
“Cơ quan này đã trở nên nguy hiểm đối với người dân Mỹ và là một mối đe dọa hiện hữu đối với nền dân chủ và pháp quyền của họ. FBI nên trao lại trách nhiệm điều tra của mình cho các cơ quan điều tra cấp chính phủ nào chưa đánh mất sự tín nhiệm của công chúng.”
Ông Kaplan ước tính rằng ban lãnh đạo FBI vẫn “cố chấp” trong niềm tin cho rằng “thành quả” cho những nỗ lực của họ vượt trội so với các rủi ro.
Giám đốc FBI Christopher Wray đã trả lời các câu hỏi về cuộc đột kích bằng một tuyên bố lên án “các cuộc tấn công vô căn cứ nhắm vào tính liêm chính của FBI” cũng như “bạo lực và các mối đe dọa chống lại cơ quan chấp pháp, kể cả FBI.”
Vài ngày trước cuộc đột kích, ông đã cắt ngang phiên chất vấn của các thành viên Quốc hội, nói rằng ông có việc gấp cần phải giải quyết. Trên thực tế, ông đã lên chiếc phi cơ riêng của FBI để đến điểm nghỉ mát của mình ở ngoại ô New York.
Một thẩm phán thích hợp
Nhiều nhà bình luận theo phái bảo tồn truyền thống đã lập luận rằng vị thẩm phán tòa sơ thẩm liên bang Bruce Reinhart đã phê chuẩn trát khám xét lẽ ra phải cáo tỵ chính ông. Trước đó, trong năm nay, thẩm phán Reinhart đã phải từ bỏ vai trò khi ông chủ trì một vụ kiện gian lận mà ông Trump chống lại bà Clinton ở Florida. Ông Reinhart thừa nhận vào thời điểm đó ông không thể khách quan, mặc dù không rõ liệu sự thiên vị của ông liên quan nhiều đến bà Clinton hay ông Trump.
Hồi năm 2017, một năm trước khi ông được các thẩm phán tòa địa hạt tại địa phương bổ nhiệm vào chức vụ thẩm phán sơ thẩm, ông Reinhart đã đưa ra những bình luận trên mạng xã hội nhiếc móc ông Trump vì đã chỉ trích Dân biểu John Lewis (Dân Chủ-Georgia). Ông Lewis đã qua đời vào năm 2020.
Ông Reinhart là một công tố viên cao cấp của Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ cho Địa hạt phía Nam Florida vào năm 2007 khi văn phòng này đạt được thỏa thuận không truy tố ông Jeffrey Epstein, người mà sau đó bị truy tố tội buôn bán tình dục trẻ em và qua đời với biểu hiện tự sát trong một nhà tù ở New York.
Ngày 02/01/2008, trong vòng vài ngày sau khi rời nhiệm sở, ông Reinhart bắt đầu đại diện cho nhiều cộng sự và nhân viên của ông Epstein trong các vụ án dân sự mà những người được cho là nạn nhân của ông Epstein đệ trình chống lại ông ấy.
Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.