Tuần duyên hạm Trung Quốc đi qua vùng lãnh hải của Nhật Bản
Dẫn lời các quan chức thuộc Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, các hãng thông tấn địa phương đưa tin, hồi cuối tuần qua, hai tuần duyên hạm của Trung Quốc được phát hiện đang đi ngoài khơi quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông.
Hôm 18/06, hai tàu Hải Cảnh (Haijing) đã đi vào khu vực ngoài khơi quần đảo Senkaku và theo dõi một tàu đánh cá Nhật Bản đang ra khơi trong khu vực này. Tờ The Japan Times đưa tin, hai tàu Trung Quốc đã rời khu vực này vào khoảng 11 giờ 25 sáng theo giờ địa phương hôm 19/06.
Hôm 17/06, Nhật Bản cũng đã đưa ra kháng nghị đối với “các hoạt động phát triển đơn phương” của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông, sau khi hải quân nước này phát hiện rằng Trung Quốc đang đặt nền móng cho một công trình mới ở vùng biển tranh chấp này.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng 17 công trình để phát triển nguồn lực ở phía tây đường trung tuyến địa lý Nhật-Trung ở Biển Hoa Đông.
Tuyên bố này viết rằng, “Thật vô cùng đáng tiếc khi phía Trung Quốc đơn phương tiến hành các hoạt động phát triển, mặc dù nằm ở phía tây của đường trung tuyến Nhật-Trung, trong một tình huống mà đường biên duyên vẫn chưa được xác định.”
Hành động của Nhật Bản diễn ra sau khi Hoa Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ của nước này với Philippines trong việc kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt các hành động khiêu khích và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.”
Hôm 09/06, Philippines đã đưa ra kháng thư ngoại giao phản đối Trung Quốc về sự hiện diện “bất hợp pháp” của hơn 100 tàu Trung Quốc “trong và xung quanh” Đá Ba Đầu, mà Manila gọi là Rạn san hô Julian Felipe, hồi tháng Tư.
Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố, “Những hành động này là một phần của xu hướng khiêu khích rộng lớn hơn của [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] nhằm chống lại các bên yêu sách ở Biển Đông cũng như các quốc gia khác đang hoạt động hợp pháp trong khu vực này.”
Trung Quốc đã và đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông và thực hiện nhiều cuộc xâm nhập vào Biển Hoa Đông, nơi quần đảo Senkaku tọa lạc.
Nhật Bản kiểm soát phần lớn quần đảo Senkaku kể từ năm 1895, nhưng Bắc Kinh đã bắt đầu khẳng định quyền của mình đối với quần đảo này vào những năm 1970 và tự gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Hôm 13/06, Nhật Bản đã khai triển một đội tàu hộ tống của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển (JMSDF) đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tham gia một cuộc tập trận hải quân kéo dài bốn tháng nhằm thể hiện sự phản đối mạnh mẽ của nước này đối với “bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” trong khu vực này.
Phó Đô đốc của JMSDF Hideki Yuasa cho biết sứ mệnh đó nhằm mục đích thúc đẩy trật tự hàng hải trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà theo ông là “đang nhanh chóng [trở nên] phức tạp hơn và bất ổn định hơn.”
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.