Trung Quốc điều tiêm kích cơ tối tân tới Biển Đông và Biển Hoa Đông
Theo thông tấn nhà nước Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đang điều động tiêm kích cơ tối tân của mình tới các khu vực tranh chấp gay gắt ở Biển Đông (South China Sea) và Biển Hoa Đông.
Việc điều động tiêm kích cơ tàng hình J-20 này nằm trong khuôn khổ huấn luyện [quân sự], theo hãng thông tấn quốc doanh Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc.
Một đại tá Trung Quốc khẳng định rằng hoạt động khai triển này bảo đảm quân đội Trung Quốc “sẵn sàng và có thể sử dụng thiết bị này.”
Tiêm kích cơ J-20 này nguyên ban đầu được chế tạo từ các bộ phận của Nga, cụ thể là động cơ, vốn sau đó đã được phân tích sao chép lại công nghệ và cải thiện ở Trung Quốc. Nhờ đó tạo điều kiện cho nhà cầm quyền sản xuất loại phản lực cơ này trong nước. Chiến cơ này dường như được thiết kế để cạnh tranh với F-22 và F-35 của Hoa Kỳ.
Loại tiêm kích cơ thường được gọi là Uy Long (Mighty Dragon) này tương đối còn xa lạ với nhiều người. Năm 2017, phi cơ này chính thức được đưa vào phục vụ quân đội, và là một tiêm kích cơ tàng hình tương tự như F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu nó có thực hiện được vai trò [tác chiến] đa năng và đa nhiệm vụ hay không, hay chỉ chuyên một lĩnh vực, như [tiêm kích cơ] chiếm ưu thế trên không.
Hồi tháng Ba, Tướng Kenneth Wilsbach, chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết năm ngoái (2021) một chiếc F-35 của Mỹ đã chạm trán ở cự ly gần với chiếc J-20 trên Biển Đông, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định xem tiêm kích cơ này sẽ đóng vai trò thế nào trong một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.
Ông Wilsbach nói: “Chúng tôi gần đây đã có [một vụ] mà tôi sẽ không gọi đó là một cuộc đụng độ, nhưng một số chiếc J-20 đã bay tương đối gần những chiếc F-35 của chúng ta ở Biển Hoa Đông và chúng tôi khá ấn tượng với khả năng chỉ huy và điều khiển liên quan đến những chiếc J-20 này.”
“Còn khá sớm để khẳng định chính xác họ có ý định gì với J-20,” ông Wilsbach cho biết. “Tất cả những gì chúng tôi thực sự thấy rằng đây là một loại phi cơ để giành ưu thế trên không.”
Trước đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa ra vô số yêu sách lãnh thổ đối với nhiều vùng khác nhau trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, và thậm chí còn đi xa đến mức xây dựng các đảo nhân tạo có tiền đồn quân sự nhằm bành trướng dấu chân của mình ở Biển Đông. Do đó, hành động khai triển này rất có thể sẽ truyền thêm sức mạnh cho tham vọng bành trướng của nhà cầm quyền.
Một báo cáo của Bộ Ngoại giao được công bố hồi tháng Một cho thấy rằng những biện pháp mà ĐCSTQ sử dụng để thổi phồng một cách giả tạo các yêu sách lãnh thổ “không có cơ sở pháp lý nhất quán” trong luật pháp hoặc chuẩn tắc quốc tế.
Hành động bành trướng ấy, và bây giờ là việc khai triển J-20, có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ, khi mà các chuyên gia cảnh báo rằng chế độ cộng sản này là đối tượng có khả năng cao nhất sẽ giao chiến với quân đội Mỹ trong một cuộc xung đột quân sự.
Về phương diện này, việc khai triển dàn tiêm kích cơ J-20 có thể được coi là một nỗ lực không ngừng của ĐCSTQ nhằm làm leo thang căng thẳng quân sự và thể hiện năng lực của chính mình như một cường quốc quân sự toàn cầu.
Chẳng hạn như hồi đầu tháng Tư, nhà cầm quyền này cũng đã thực hiện một nỗ lực tương tự khi chuyển giao các hệ thống hỏa tiễn mới cho Serbia. Nhân cơ hội đó, sáu phi cơ quân sự của Trung Quốc đã bay qua không phận NATO. Một số phi cơ đã tháo lớp vỏ bọc của hệ thống đối phó với pháo sáng và đạn gây nhiễu radar (chaff) — các hệ thống phòng thủ giúp né tránh các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn — trong một nỗ lực rõ ràng nhằm báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng tham gia xung đột.
Tuy nhiên, hành động vỗ ngực tự đắc của ĐCSTQ không phải là không đi kèm với rủi ro. Việc khai triển J-20 có thể đồng nghĩa với việc lực lượng Trung Quốc sẽ khai triển trong thời gian dài hơn và [thực hiện] các cuộc tuần tra tiếp cận sâu hơn, điều này có thể khiến họ có những cuộc chạm trán gần hơn với quân đội Hoa Kỳ.
Trái lại thì đây cũng là một thời điểm tốt đem lại cho Hoa Kỳ và các đồng minh một cơ hội để thu thập dữ liệu đánh giá sống còn về J-20 trong điều kiện tự nhiên, theo đó sẽ cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị để phát hiện ra nhược điểm của loại phi cơ này, để rồi cuối cùng là hạ gục nó trong trận giao đấu, nếu cần thiết.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: