TT Putin cảnh báo tất cả cơ sở hạ tầng năng lượng toàn cầu gặp rủi ro sau vụ nổ đường ống Nord Stream
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng tất cả các cơ sở hạ tầng năng lượng trên toàn thế giới đều gặp rủi ro sau các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 dưới biển Baltic hồi tháng trước (tháng Chín.)
Hãng thông tấn Bloomberg đưa tin, nói chuyện tại một diễn đàn năng lượng ở Moscow hôm thứ Tư (12/10), nhà lãnh đạo Nga cho biết các vụ nổ tại các đường ống là một vụ tấn công khủng bố đã đặt ra “tiền lệ nguy hiểm nhất.”
Ông nói: “Việc này cho thấy rằng bất kỳ đối tượng trọng yếu nào của cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hoặc tiện ích đều đang bị đe dọa bất kể nó nằm ở đâu hay do ai quản lý.”
Các quan chức của cả phương Tây và Nga đang điều tra những vụ nổ đường ống dẫn quan trọng xảy ra hôm 26/09. Các quan chức Nga đã quy trách nhiệm cho các quốc gia đối địch về vụ nổ, trong khi Hoa Kỳ và các đồng minh cho rằng Nga có thể đứng sau vụ việc này.
Trong khi đó, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhaylo Podolyak nói rằng vụ rò rỉ “chẳng qua là một cuộc tấn công khủng bố do Nga lên kế hoạch và một hành động gây hấn nhắm đến EU,” và tuyên bố rằng Nga muốn “gây mất ổn định tình hình kinh tế ở Âu Châu và gây ra hoảng loạn trước mùa đông.”
Hôm thứ Tư (12/10), ông Putin quy trách nhiệm cho sự phá hoại của Mỹ, Ukraine và Ba Lan gây ra thiệt hại đối với các đường ống dẫn khí đốt này, đồng thời tuyên bố rằng các quốc gia đó đã được hưởng lợi từ những vụ nổ, gây rò rỉ một lượng khí đốt rất lớn.
Các quan chức NATO và Liên minh Âu Châu nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng ở nước họ sau vụ rò rỉ đường ống dẫn, vốn xảy ra sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì nước này đã xâm lược Ukraine.
Rò rỉ đường ống của Ba Lan
Hôm thứ Tư, nhà điều hành PERN của Ba Lan cho biết họ đã phát hiện một chỗ rò rỉ trong một đường ống dẫn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga đến Âu Châu, gồm có Đức, Ba Lan, Belarus, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc, và Áo.
Đường ống dẫn dầu Druzhba nằm cách thành phố Plock của Ba Lan chỉ hơn 40 dặm.
“Hiện tại nguyên nhân sự cố vẫn chưa được rõ – việc bơm nhiên liệu ở đoạn bị hư hỏng đã được ngừng ngay lập tức. Việc bơm nhiên liệu qua đoạn còn lại vẫn ổn định,” công ty cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Mateusz Berger, đại diện của chính phủ Ba Lan về Cơ sở hạ tầng Năng lượng Chiến lược nói với hãng thông tấn Reuters rằng không có cơ sở để tin rằng vụ rò rỉ là do một hành động phá hoại gây ra và nó có thể là do ngẫu nhiên.
“Ở đây chúng tôi có thể nói về thiệt hại do ngẫu nhiên,” ông Berger nói. “Chúng ta đang sống trong thời kỳ hỗn loạn, những ý nghĩa khác nhau đều khả dĩ, nhưng ở giai đoạn này chúng tôi không có căn cứ nào để tin vào điều đó,” ông nói thêm.
Đầu tháng này, các quan chức Đức cho rằng việc cắt đứt dây cáp vốn cần thiết đối với mạng lưới đường sắt ở miền bắc nước này là một hành động phá hoại, nhưng không ngừng quy trách nhiệm cho Nga.
Trong khi đó, ông Putin gợi ý rằng Nga chuyển hướng nguồn cung cấp chạy qua các đường ống Nord Stream bị hư hỏng đến Hắc Hải, từ đó thiết lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần tìm cách đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times