TT Biden và Intel chỉ đang ‘nói suông’ trong việc xây dựng nhà máy bán dẫn
Hoa Kỳ nên tăng trợ cấp và thuế quan để việc này được hoàn thành
Intel, công ty công nghệ của Mỹ với slogan “Intel ở bên trong” (“Intel inside”) rất nhiều máy điện toán của Mỹ, đang “lên kế hoạch” xây dựng một nhà máy vi mạch bán dẫn mới ở Ohio. Đó sẽ là một tin tuyệt vời cho tiểu bang này — và cho nước Mỹ — nếu chúng ta có thể tin rằng điều đó sẽ thực sự xảy ra.
Như Tổng thống Joe Biden đã nói, chúng ta cần đưa các ngành công nghiệp chiến lược, trong đó có chất bán dẫn, trở về nước. Các ngành này cần thiết cho việc làm, tăng trưởng kinh tế, chuỗi cung ứng có sức bền cao, và siêu máy điện toán. Chúng cung cấp nguồn lực cho mọi thứ, từ thiết kế hỏa tiễn mới đến những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo.
Do đó, tương lai của Hoa Kỳ và nền dân chủ trên toàn cầu có thể phụ thuộc vào sự thành công của nhà sản xuất vi mạch bán dẫn duy nhất của Mỹ quốc, có khả năng vừa thiết kế vừa chế tạo tại Hoa Kỳ này.
Tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn cho máy điện toán hiện đang gây thiệt hại hàng tỷ USD doanh thu cho các công ty xe hơi — từ hãng Ford của Hoa Kỳ đến hãng BMW của Đức — là những đòn giáng trực tiếp vào các nền kinh tế dân chủ vốn phải vững mạnh để tài trợ cho các biện pháp phòng thủ cần thiết đối với Nga và Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết hồi tháng Một: “Giá xe hơi hiện đang thúc đẩy một phần ba lạm phát. Tại sao? Bởi vì chúng ta không có đủ vi mạch bán dẫn.” Bà cho biết, hồi năm 2021, các nhà sản xuất xe hơi Mỹ đã sản xuất ít hơn gần 8 triệu xe hơi so với mức lẽ ra họ đã có thể thực hiện, nhưng đó là do thiếu vi mạch bán dẫn.
Chúng ta cần thêm nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn, điều có thể đạt được bằng cách xây dựng các nhà máy mới ở Mỹ. Đó chính xác là những gì Intel tuyên bố đang làm.
“Chúng tôi sẽ chế tạo những thứ tân tiến nhất trên thế giới, ngay tại đây, ở Ohio,” giám đốc điều hành hãng Intel, ông Patrick Gelsinger, cho biết tại lễ khởi công xây dựng nhà máy tại Ohio hôm 09/09. “Chúng tôi có kế hoạch chính thức cung cấp vi mạch bán dẫn, để giúp Hoa Kỳ lấy lại trọng tâm sản xuất của mình, cũng như vị thế dẫn đầu công nghệ vô song.”
Ông Biden đã tham dự sự kiện này. Ông và bà Raimondo đã gặp ông Gelsinger tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng Một để thông báo về khoản đầu tư trị giá 20 tỷ USD của Intel. Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022 của ông Biden có các khoản trợ cấp gần 53 tỷ USD cho năng lực sản xuất vi mạch bán dẫn mới ở Mỹ. Nhưng tất cả những điều này là không đủ.
Theo tạp chí Wall Street Journal, kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất của Intel tại Hoa Kỳ “trước hết sẽ xây dựng các cấu trúc của nhà máy và trang bị cho chúng chỉ khi nào có nhu cầu thực tế.” (Phần in nghiêng là lời của tôi).
Ông Biden đang khai thác mọi lợi thế có thể từ khoản đầu tư được “lên kế hoạch” của Intel bằng tất cả giá trị mà kế hoạch này xứng đáng và đang thu được được ảnh hưởng lớn trên báo chí nhờ nhà máy ở Ohio nhưng ông lại đang không làm đủ để thực sự đưa các nhà máy này vào hoạt động — mỗi hệ thống sản xuất trong đó có thể sẽ tiêu tốn khoảng 100 tỷ USD khi chạy hết công suất. Cho đến nay, chỉ có 20 tỷ USD được lên kế hoạch để tạo ra cấu trúc của nhà máy ở Ohio. Thậm chí đó chỉ là mong muốn vào thời điểm thông báo hồi tháng Một, theo tuyên bố miễn trừ trách nhiệm ở cuối thông cáo báo chí của Intel.
Intel đang hợp tác trong các nhà máy vi mạch tân tiến mới của họ tại Mỹ, trong đó có một cơ sở ở Arizona hợp tác với một công ty cổ phần tư nhân tên là Brookfield. Intel cũng lên kế hoạch cho các nhà máy ở Mexico và Đức. Mỗi cơ sở sản xuất mới này có thể tiêu tốn hơn 100 tỷ USD, khi xét đến việc tổng số tiền trợ cấp trị giá 53 tỷ USD cho ngành sản xuất vi mạch của Mỹ là không nhiều.
Ngay cả sau khi được trợ cấp và đồng đầu tư từ các công ty như Brookfield, theo tạp chí Wall Street Journal, thì Intel sẽ cần phải tăng mức chi tiêu vốn lên hơn 35% doanh thu hàng năm trong những năm tới, mức chi tiêu nghe giống như “vờ như sự đã thành cho đến khi thực sự thành” ( “faking it until it makes it”).
Do đó, chúng ta phải đặt câu hỏi: Liệu Mỹ có thực sự đang làm đủ cho Intel? Sẽ cần những gì để đạt được một cam kết thực sự từ phía Intel trong việc có thêm các nhà máy hoạt động ở Hoa Kỳ ? Các dây chuyền lắp ráp xe hơi đình trệ cần những nhà máy thực sự sản xuất ra những vi mạch bán dẫn thực sự, chứ không chỉ là những chính trị gia phô trương khoe khoang và những nhà máy trống rỗng đang chờ đợi những tín hiệu nhu cầu phù hợp.
Vấn đề thực sự là Intel có thể sản xuất vi mạch bán dẫn tại Hoa Kỳ với một mức giá cao nhưng không có tính cạnh tranh. Vi mạch bán dẫn của ngoại quốc rẻ hơn, một phần lớn là do các khoản trợ cấp lớn từ ngoại quốc, chi phí lao động và chi phí về việc tuân thủ các quy định thấp hơn, và do đó các công ty vi mạch bán dẫn ở Đài Loan và Nam Hàn đã dẫn đầu về công nghệ sản xuất.
Như ông Biden đã nói, việc đánh mất lợi thế cạnh tranh của Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất vi mạch bán dẫn vào tay các nhà máy dễ bị tổn thương ở Á Châu không nên là một lựa chọn.
Ông Gelsinger đã thực sự dẫn đầu khi đẩy mạnh các kế hoạch sản xuất vi mạch bán dẫn ở Mỹ quốc bất chấp những bất lợi này, bao gồm chi phí cao hơn 30-50% so với ở Á Châu. Thật không may, lòng ái quốc đó đã gây áp lực giảm giá cổ phiếu của Intel, vốn đã giảm 50% kể từ khi ông Gelsinger nắm quyền kiểm soát hồi đầu năm 2021.
Ngược lại, các công ty vi mạch bán dẫn Mỹ nào tập trung vào thiết kế trong nước, nhưng sản xuất độc quyền ở ngoại quốc, thì lại thu được lợi nhuận trên các thị trường, với sự bùng nổ giá trị vốn hóa thị trường của AMD từ năm 2018 lên gần 1,000% so với đối thủ Intel hiện nay.
Thành công trên thị trường của AMD là nhờ ký hợp đồng thuê sản xuất phần lớn vi mạch bán dẫn của mình với hãng TSMC ở Đài Loan.
TSMC là công ty sản xuất vi mạch bán dẫn có giá trị lớn nhất thế giới, nhưng vinh dự đó nên thuộc về Hoa Kỳ. Mỹ quốc nên tưởng thưởng cho Intel — chứ không nên trừng phạt — vì hãng này đã chuyển hoạt động sản xuất vi mạch bán dẫn về nước.
Ông Biden đã tưởng thưởng cho Intel bằng sự ủng hộ về mặt tinh thần và dứt khoát loại AMD khỏi các bài diễn văn của mình. Nhưng sự ủng hộ về mặt tinh thần lại không trả được cho Intel 100 tỷ USD hay gây ấn tượng được với thị trường chứng khoán.
Đài Loan chiếm 73% doanh thu từ các hợp đồng của thế giới về vi mạch bán dẫn, trong khi Hoa Kỳ chỉ nhận được 10% và Nam Hàn là 6%. Intel cần có thêm sự hỗ trợ hữu hình của Hoa Kỳ để giành lại một phần lớn thị phần trên toàn cầu đó.
TSMC và Samsung đều dẫn trước Intel về công nghệ sản xuất, và các vi mạch bán dẫn sản xuất từ ngoại quốc rẻ hơn của AMD đang chiếm thị phần của Intel. Ít ra thì Đài Loan và Nam Hàn là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng nếu những chuỗi cung ứng đó bị phá vỡ vì bất kỳ lý do gì — ví dụ, sự mở rộng các hoạt động quân sự của Trung Quốc chống lại Đài Loan hoặc trên Biển Đông — thì nền kinh tế và sản xuất quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều rủi ro hơn hiện nay.
Thất bại của Mỹ quốc trong những năm 2000 trong việc bảo vệ ngành sản xuất vi mạch bán dẫn của Mỹ là một sai lầm khiến tương lai quốc phòng, công nghệ, và sản xuất của chúng ta bị ảnh hưởng bởi các quyết định được đưa ra ở Bắc Kinh.
Các nhà thiết kế vi mạch bán dẫn của Mỹ, những người nghĩ rằng họ nắm giữ con át chủ bài trong tài sản trí tuệ của mình, đã sai. Trên thực tế, có tới 600 tỷ USD tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ bị Trung Quốc đánh cắp mỗi năm.
Theo định nghĩa về sở hữu trí tuệ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không quan tâm đến cái gọi là các quyền tài sản của Hoa Kỳ.
Chúng ta không thể chống lại ĐCSTQ bằng các giải pháp thị trường thuần túy. Các cổ đông không muốn phải gánh chịu những chi phí hiện thời cho việc giảm thiểu rủi ro và an ninh quốc gia — cả những người nộp thuế cũng vậy. Vì vậy, chúng ta phải kêu gọi hành động của chính phủ.
Ông Biden chỉ đãi bôi và tạo một số ảnh hưởng lập pháp và trợ cấp cho việc mua hàng Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả một trong những dự án hàng đầu của ông, nhà máy Intel ở Ohio, cũng không có cam kết cụ thể nào về việc thực sự sản xuất vi mạch bán dẫn.
Chúng ta đang không có sự chuẩn bị tốt cho thành công của Intel và Hoa Kỳ bởi vì chúng ta, với tư cách là một quốc gia, vẫn chưa sẵn sàng chi trả các chi phí cần thiết. Chính phủ TT Biden, trong đó có bà Raimondo, vẫn đang nói về việc rút lui khỏi các loại thuế quan mà chính phủ cựu TT Trump áp đặt cho Trung Quốc vào lúc mà chúng ta nên bàn về việc mở rộng thuế quan.
Thái độ đó phải thay đổi nếu chúng ta muốn bảo vệ Hoa Kỳ, và cùng với đó là các nền dân chủ trên toàn thế giới. Đặt trợ cấp và thuế quan đối với vi mạch điện toán ở mức đủ cao để chuyển từ “các kế hoạch” sang “các cam kết” đối với sản xuất tại Hoa Kỳ là bước cần thiết tiếp theo. Đãi bôi và các kế hoạch suông sẽ không bao giờ là đủ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times