TT Biden trao cho Micron 6 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất vi mạch ở Hoa Kỳ
Tổng thống Biden đã ca ngợi khoản đầu tư này trong bài diễn văn tại Syracuse, New York, gọi đây là ‘một thỏa thuận lớn.’
SYRACUSE, New York—Hôm 25/04, Tổng thống (TT) Joe Biden đã tới vùng nông thôn của tiểu bang New York để đẩy mạnh nỗ lực của chính phủ ông nhằm đưa hoạt động sản xuất vi mạch trở lại Hoa Kỳ.
Ông thông báo rằng Micron, một nhà sản xuất vi mạch bán dẫn bộ nhớ (memory chip) của Hoa Kỳ, sẽ nhận được 6.14 tỷ USD tiền tài trợ của liên bang theo Đạo luật CHIPS và Khoa học mà ông đã ký thành luật hồi năm 2022.
Bên cạnh nguồn tài trợ trực tiếp này, công ty này sẽ đủ điều kiện nhận khoản vay lên tới 7.5 tỷ USD trong gói khuyến khích thúc đẩy sản xuất vi mạch trong nước.
TT Biden ca ngợi khoản đầu tư, gọi đây là “một thỏa thuận lớn.”
Ông nói trong bài diễn văn trước những người ủng hộ ở Syracuse, “Chúng tôi đang đưa hoạt động sản xuất vi mạch tân tiến trở lại Mỹ sau 40 năm, và như vậy sẽ thay đổi ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta.”
Theo Tòa Bạch Ốc, công ty này sẽ sử dụng các ưu đãi của chính phủ để xây dựng hai cơ sở chế tạo, được gọi là fab, ở Clay, New York, và một cơ sở ở Boise, Idaho, tạo ra 50 tỷ USD đầu tư tư nhân trong năm 2030.
Công ty này tuyên bố rằng trong hai thập niên tới, Micron cam kết đầu tư tới 125 tỷ USD ở cả hai tiểu bang để xây dựng một hệ sinh thái sản xuất bộ nhớ hàng đầu.
Trong bài diễn văn của mình, Tổng thống Biden đã nhắm vào Đảng Cộng Hòa, trong đó có cả Dân biểu Elise Stefanik (Cộng Hòa-New York), vì phản đối Đạo luật CHIPS và Khoa học.
“Tôi đoán hôm nay họ sẽ không đến đây để ăn mừng,” ông nói một cách giễu cợt. “Bây giờ, họ đang chứng kiến sự gia tăng lớn về đầu tư và việc làm mà chúng tôi đã tạo ra, và họ đang đổi giọng khác. Giờ thì họ lại nói rằng điều này rất quan trọng.”
Đạo luật CHIPS và Khoa học cung cấp các khoản trợ cấp trị giá 53 tỷ USD để trợ giúp xây dựng các nhà máy bán dẫn trên toàn quốc và giảm sự phụ thuộc vào vi mạch bán dẫn nhập cảng.
Lãnh đạo Khối đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã ca ngợi thỏa thuận này trong một bài diễn văn tại sự kiện, nói rằng “Tương lai của nước Mỹ sẽ được xây dựng ở Syracuse, chứ không phải ở Thượng Hải.”
Ông cho biết, “Chúng tôi đang mang các việc làm sản xuất trở lại Mỹ.”
Theo ông Schumer, đây sẽ là khoản đầu tư vào khu vực tư nhân riêng lẻ lớn nhất trong lịch sử New York.
Trong sự kiện này, Thống đốc New York Kathy Hochul nhấn mạnh một đoạn gần đây trong bài diễn văn của bà về dự luật tiểu bang nhằm cung cấp tài chính cho các công ty muốn đầu tư vào New York. Bà nói rằng ngoài các khoản tài trợ liên bang, tiểu bang của bà đã phân bổ 7.1 tỷ USD tài trợ cho việc đầu tư của Micron. Bà cho biết Micron cũng sẽ nhận được 5.2 tỷ USD từ Quận Onondaga.
Trong sự kiện này, Tổng giám đốc Micron Sanjay Mehrotra cho biết: “Ngày hôm nay, chưa đến 2% tổng sản lượng bộ nhớ của thế giới là [được sản xuất] ở Hoa Kỳ này, nhưng điều đó sẽ thay đổi vì đã có Đạo luật CHIPS.”
Dự án của Micron ở Idaho, hiện trong giai đoạn xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026. Nhà máy đầu tiên ở New York sẽ sẵn sàng đi vào sản xuất vào năm 2028, tiếp theo là nhà máy thứ hai vào năm 2029.
Theo Tòa Bạch Ốc, khoản đầu tư này dự kiến sẽ tạo ra hơn 20,000 việc làm trong ngành xây dựng và sản xuất trực tiếp cũng như hàng chục ngàn việc làm gián tiếp.
Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự mong manh của các chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như chỗ dễ tổn thương của Hoa Kỳ trước những gián đoạn thương mại.
Trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng tăng cao chưa từng thấy, dẫn đến thiếu vi mạch bán dẫn. Các nhà sản xuất xe hơi bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do thiếu nguồn cung cấp.
Theo bà Lael Brainard, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Tòa Bạch Ốc, khoản đầu tư này sẽ “đánh dấu một chương mới trong vai trò dẫn đầu về chất bán dẫn của Hoa Kỳ.”
Micron là công ty thứ bảy nhận được ưu đãi theo Đạo luật CHIPS và Khoa học. Bà nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hôm 24/04 rằng cho đến nay, chính phủ đã cung cấp tổng cộng 29 tỷ USD tiền tài trợ, điều này sẽ tạo ra 348 tỷ USD đầu tư vào khu vực tư nhân.
Bà Brainard cho biết: “Cứ 1 USD đầu tư công quỹ thì có 12 USD đầu tư tư nhân—một sự đầu tư tuyệt vời cho nước Mỹ.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times