TT Biden lạc quan về thỏa thuận mức trần nợ, bảo vệ chuyến công du đến châu Á
Trước khi khởi hành cho một chuyến công du nhằm tăng cường mối bang giao của Hoa Kỳ với các đồng minh, Tổng thống (TT) Joe Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ không vi phạm các nghĩa vụ tài chính của mình và sẽ đạt được một thỏa thuận về các ưu tiên chi tiêu trong những ngày tới.
Vị tổng thống này nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc hôm 17/05, “Mỹ không phải là một quốc gia chạy nợ. Chúng tôi thanh toán các hóa đơn của mình. Quốc gia này chưa bao giờ vỡ nợ và sẽ không bao giờ vỡ nợ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận này với các nhà lãnh đạo Quốc hội trong những ngày tới cho đến khi chúng tôi đạt được thỏa thuận.”
Những lời nhận định này dường như là để bảo đảm rằng sự bế tắc kéo dài nhiều tháng giữa tổng thống và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) về việc nâng mức trần nợ của quốc gia lên 31.4 ngàn tỷ USD sẽ sớm được giải quyết mặc dù ông sẽ không có mặt ở Hoa Kỳ trong bốn ngày.
Ông Biden sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Hiroshima, Nhật Bản, cùng với các nhà lãnh đạo đến từ Pháp, Vương quốc Anh, Đức, Nhật Bản, Ý, và Canada. Chuyến đi này sẽ bao gồm các cuộc gặp với những nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Úc, mặc dù các chuyến công du tới Úc và Papua New Guinea đã bị hoãn lại do những cuộc đàm phán về nợ này.
Hôm 16/05, tổng thống đã gặp ông McCarthy để thảo luận về mức trần nợ, các mức giới hạn chi tiêu, và các điều khoản khác do Đảng Cộng Hòa đề nghị. Phó Tổng thống Kamala Harris, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), và Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) cũng tham dự. Đó là cuộc họp thứ hai như vậy trong vòng tám ngày.
TT Biden nói, “Ngày hôm qua, chúng tôi đã có một cuộc họp hữu ích và — với cả bốn nhà lãnh đạo của Quốc hội. Đó là một [cuộc họp] nghiêm trang và tôn trọng. Và tôi nghĩ rằng mọi người đã đến cuộc họp này với thiện chí. Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận về ngân sách, rằng nước Mỹ sẽ không vỡ nợ.”
Điểm then chốt của vấn đề
Tổng thống và chủ tịch Hạ viện đã bế tắc về việc tăng mức trần nợ lên 31.4 ngàn tỷ USD của quốc gia kể từ tháng Một.
Quốc gia thường hoạt động dựa trên một ngân sách thâm hụt, vì vậy cần vay nợ hàng năm để đáp ứng các nghĩa vụ chi tiêu do Quốc hội quy định. Theo Bộ trưởng Janet Yellen, Bộ Ngân khố sẽ không thể duy trì dưới mức giới hạn sau khoảng ngày 01/06, nghĩa là chính phủ sẽ không còn khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình nếu giới hạn nợ không được nâng lên.
Ông Biden đã nhấn mạnh rằng mức trần nợ phải được nâng lên mà không cần điều kiện tiên quyết để duy trì niềm tin và sự tín nhiệm hoàn toàn của Hoa Kỳ, một quan điểm mà ông vẫn cố gắng duy trì bất chấp các cuộc thảo luận về hai chủ đề này.
Ông Biden nói, “Rõ ràng, cuộc đàm phán này là về những phác thảo ngân sách sẽ như thế nào, chứ không phải về việc liệu chúng tôi có thực sự trả các khoản nợ của mình hay không.”
Đảng Cộng Hòa đã liên tục nhấn mạnh rằng hai điều này phải được liên kết với nhau. Ông McCarthy đã nói rằng sẽ không có “giới hạn nợ vô điều kiện,” nghĩa là tăng mức trần nợ mà không có một số thỏa thuận về giới hạn chi tiêu.
Hồi tháng Tư, Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thông qua Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng, vốn sẽ nâng mức trần nợ lên 1.5 ngàn tỷ USD, mà các chuyên gia cho rằng sẽ trợ giúp chính phủ cho đến tháng 03/2024.
Dự luật này cũng sẽ giảm chi tiêu tùy ý xuống mức năm 2022, giới hạn mức tăng trưởng chi tiêu ở mức 1% hàng năm trong một thập niên, tăng cường yêu cầu công việc đối với một số người nhận trợ cấp liên bang, thu hồi quỹ cứu trợ COVID-19 chưa sử dụng từ các tiểu bang, và nới lỏng các quy định về khoan lấy dầu và khí đốt.
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện đã công khai ủng hộ Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng tại một cuộc họp báo lưỡng viện ở Điện Capitol Hoa Kỳ vài phút sau khi tổng thống hoàn thành bài diễn văn.
Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) cho biết, bên cạnh 40 thành viên Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội, “Chúng tôi sẽ không ủng hộ việc kết thúc cuộc tranh luận về bất kỳ khoản tăng mức trần nợ nào mà không bao gồm chi tiêu thực chất và cải cách ngân sách.”
Các cuộc họp sắp diễn ra
Ông Lee và những người khác cũng chỉ trích quyết định của tổng thống về việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-7 trong khi các cuộc đàm phán mức trần nợ đang diễn ra, bất chấp sự lo ngại của các thành viên của lưỡng đảng về ảnh hưởng ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Đông Á.
“Thưa Tổng thống, hãy hủy bỏ chuyến công du của ông đến Nhật Bản. Hãy ở lại bàn [đàm phán],” Dân biểu Dustin Johnson (Cộng Hòa-South Dakota) cho biết.
“Tôi nghĩ chúng ta đã nhìn thấy những chiếc trực thăng bay ngang qua đây. Tôi nói, ‘Tôi nghĩ bây giờ ông ấy sẽ rời đi để đến Nhật Bản. Kiểu như tôi muốn nói: Hãy dừng lại, hãy dừng lại!’” Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia) nói.
Ông Biden đã bảo vệ quyết định tham dự hội nghị thượng đỉnh này dựa trên tầm quan trọng chiến lược của hội nghị này và niềm tin của ông rằng các cuộc đàm phán có thể tiến hành khi ông vắng mặt.
Ông Biden nói, “Vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới là rất quan trọng, đặc biệt là ngay bây giờ khi chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác để giúp đỡ Ukraine và đương đầu với những thách thức đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, từ giải quyết khủng hoảng khí hậu đến củng cố nền kinh tế toàn cầu.”
Hôm 16/05, tổng thống đã chỉ định ông Steve Ricchetti, cố vấn của tổng thống, và bà Shalanda Young, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân khố, thay mặt ông dẫn đầu các cuộc đàm phán, một quyết định mà ông McCarthy nói đã khiến ông “lạc quan hơn” rằng một thỏa thuận có thể đạt được.
Tổng thống cho biết cả hai bên đã bắt đầu các cuộc họp, với Dân biểu Garret Graves (Cộng Hòa-Louisiana) được ông McCarthy chọn làm nhà đàm phán chính, cùng với các thành viên trong ban tham mưu của ông McCarthy.
Ông Biden nói, “Tôi sẽ liên lạc thường xuyên với nhóm của mình khi tôi ở hội nghị G-7. Và tôi sẽ liên lạc chặt chẽ với Chủ tịch Hạ viện McCarthy cũng như các nhà lãnh đạo khác.”
Chủ tịch Hạ viện cho biết ông tin rằng các cuộc đàm phán có thể tiến hành cho dù tổng thống không có mặt ở văn phòng. Ông McCarthy nói: “Tôi nghĩ nếu chính phủ có thể đưa ra quyết định khi tổng thống không ở đó, thì chúng tôi sẽ ổn thôi.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times