Fed: Khả năng xảy ra suy thoái tăng lên cao nhất trong 40 năm
Theo một mô hình xác suất từ Cục Dự trữ Liên bang New York, khả năng Hoa Kỳ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái vào một thời điểm nào đó trong 12 tháng tới đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm.
Theo Fed New York, xác suất mà đất nước này sẽ bước vào một cuộc suy thoái trong năm tới đã tăng lên 68.2%, mức cao nhất kể từ năm 1982.
Chỉ báo rủi ro suy thoái của Fed hiện đã lớn hơn so với hồi tháng 11/2007, không lâu trước cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, khi chỉ số này đứng ở mức 40%.
Mô hình suy thoái này dựa trên sự chênh lệch giữa lợi suất Công khố phiếu Hoa Kỳ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm.
Trong nhiều tháng, nền kinh tế Hoa Kỳ đã được dự đoán sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP thực tế đang chậm lại và thị trường việc làm đang suy yếu.
Trong bối cảnh hỗn loạn của ngành ngân hàng do sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank, các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang đã dự báo một cuộc suy thoái nhẹ.
Biên bản từ một cuộc họp tháng Ba của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) nêu rõ: “Dựa trên đánh giá của họ về các tác động kinh tế tiềm tàng của những diễn biến mới đây của ngành ngân hàng, dự đoán của nhân viên tại thời điểm cuộc họp tháng Ba đã bao gồm một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, với sự phục hồi trong hai năm tiếp theo.”
Ngày càng có nhiều chuyên gia tin rằng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái là rất cao.
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers cho biết ông nghĩ những nguy cơ xảy ra “có lẽ là khoảng 70%.”
Ông Summers cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Foreign Policy: “Nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu trong năm nay ở Hoa Kỳ trong 12 tháng tới có lẽ là khoảng 70%.”
“Khi tôi tổng hợp các độ trễ liên quan đến chính sách tiền tệ, rủi ro khủng hoảng tín dụng, nhu cầu tiếp tục hành động đối với lạm phát, rủi ro địa chính trị hoặc các tác động đột ngột khác ảnh hưởng đến hàng hóa, thì 70% sẽ là mức xác suất xảy ra suy thoái mà tôi chọn.”
Các kinh tế gia tại Capital Economics đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế Hoa Kỳ hàng quý mới nhất của họ, cảnh báo rằng “tình trạng căng thẳng ngân hàng gay gắt” sẽ dẫn đến “tình trạng thắt chặt hơn nữa” các điều kiện tín dụng, khiến họ “thậm chí tin chắc hơn rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.”
Các nhà kinh tế của ING cũng “bị thuyết phục hơn bao giờ hết” với dự đoán của họ về một cuộc suy thoái kinh tế, trích dẫn trong một nghiên cứu lưu ý về tình trạng hỗn loạn tài chính và chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed.
Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy hầu hết người Mỹ tin rằng đất nước đang đứng trước một cuộc suy thoái — hoặc đã rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế rồi.
Theo Khảo sát Kinh tế Toàn nước Mỹ mới nhất của CNBC, sự bi quan về nền kinh tế đã đạt một mức cao kỷ lục trong bối cảnh lạm phát giá cả tràn lan, lãi suất tăng, và những lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng tăng.
Cuộc khảo sát này cho thấy 69% người trưởng thành ở Hoa Kỳ có những quan điểm tiêu cực về bối cảnh kinh tế hiện tại. Đây là con số cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu cách đây 17 năm.
Rủi ro suy thoái gia tăng xảy ra trong bối cảnh bế tắc về mức trần nợ ở Hoa Thịnh Đốn.
Bế tắc mức trần nợ
Bộ Ngân khố đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể vỡ nợ ngay sau ngày 01/06 nếu không đạt được thỏa thuận nào.
Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một phân tích cho biết ngay cả một vụ vỡ nợ “ngắn hạn” cũng có thể loại bỏ nửa triệu việc làm và một vụ vỡ nợ “kéo dài” có thể làm mất 8.3 triệu việc làm.
Khi Hoa Kỳ đạt mức hạn nợ 31.4 ngàn tỷ USD hồi tháng Một, Bộ Ngân khố bắt đầu sử dụng “các biện pháp đặc biệt” để tiếp tục thanh toán các nghĩa vụ nợ liên bang còn tồn đọng và giữ cho chính phủ không bị vỡ nợ.
Tuy nhiên, tại một thời điểm nào đó, phạm vi này tiếp tục với các thao tác kế toán đó sẽ hết và chính phủ sẽ phải đối mặt với viễn cảnh không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình — một thời điểm được gọi là ngày X.
Khi ngày X đến và không có thỏa thuận nào trong Quốc hội về việc dỡ bỏ mức hạn nợ này, Bộ Ngân khố sẽ không thể phát hành thêm bất kỳ công khố phiếu ngắn hạn (bill), trung hạn (note), và dài hạn (T-bond) nào và chỉ có thể thực hiện thanh toán các nghĩa vụ nợ của chính phủ từ các khoản thu thuế sắp tới.
Sau ba tháng gián đoạn, các cuộc đàm phán về việc nâng mức trần nợ này đã được nối lại hôm 09/05 giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California), nhưng họ đã kết thúc mà không có bước đột phá nào.