TT Biden ký dự luật chi tiêu 460 tỷ USD thành luật, ngăn chính phủ đóng cửa
Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật một gói chi tiêu gồm sáu dự luật phân bổ ngân sách trị giá khoảng 460 tỷ USD.
Hôm thứ Bảy (09/03), Tổng thống Joe Biden đã ký một bộ gồm sáu dự luật chi tiêu chính phủ, vừa kịp thời ngăn chính phủ đóng cửa một phần, mặc dù đợt dự luật thứ hai vẫn chưa được hoàn thiện trước thời hạn vào ngày 22/03 đang cận kề.
Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố hôm 09/03 rằng Tổng thống Biden đã ký thành luật dự luật HR 4366, hay còn được gọi là “Đạo luật Phân bổ Hợp nhất 2024,” cung cấp 460 tỷ USD phân bổ cho một số bộ và cơ quan liên bang.
Bộ dự luật chi tiêu dài 1,021 trang này bao gồm các dự luật chi tiêu thường niên tài trợ cho sáu lĩnh vực chính của chính phủ liên bang: nông nghiệp và phát triển nông thôn; thương mại, tư pháp, và khoa học; phát triển năng lượng và nước; nội thất và môi trường; xây dựng quân đội và các sự vụ liên quan đến cựu chiến binh; giao thông, nhà ở, và phát triển đô thị.
Bộ dự luật này được các thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ hàng đầu ở cả hai viện ủng hộ, với lời cảm ơn của Tòa Bạch Ốc “vì sự lãnh đạo của họ” trong việc đưa dự luật này đến bàn tổng thống để ký thành luật.
Thượng viện thông qua dự luật
Sau nhiều giờ tranh luận, Thượng viện đã thông qua dự luật này trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 75 phiếu thuận – 22 phiếu chống vào cuối ngày thứ Sáu (08/03). Đảng Dân Chủ đã thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu nhanh hơn, trong khi Đảng Cộng Hòa đề xướng một số sửa đổi trong bộ dự luật chi tiêu này, nhưng cuối cùng tất cả đều thất bại.
Trong một tuyên bố tại sàn Thượng viện hôm 08/03, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) ca ngợi việc thông qua dự luật.
“Đây là một kết quả mà cả hai đảng có thể lấy làm tự hào vì chúng ta đã tìm được cách để đặt nhu cầu của đất nước chúng ta lên trước tiên,” ông Schumer nói.
Ông nói thêm: “Đối với những ai lo lắng rằng chính phủ bị chia rẽ có nghĩa là không bao giờ có thể làm được gì, thì bộ dự luật lưỡng đảng này cho thấy điều ngược lại.”
Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) cũng đã ca ngợi bộ dự luật này qua một tuyên bố chú trọng đến lợi ích của dự luật đối với người dân Kentucky.
“Luật chi tiêu chính phủ hôm nay thúc đẩy một loạt ưu tiên đặc biệt dành cho những người đồng hương Kentucky yêu quý của tôi — từ giao thông nông thôn đến sự sẵn sàng của quân đội cho đến ngăn chặn dòng ma túy bất hợp pháp,” ông McConnell nói.
Mặc dù cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều ca ngợi dự luật này, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước khi sáu dự luật phân bổ ngân sách còn lại phải đối mặt với thời hạn vào ngày 22/03.
Ông Schumer nói rằng thỏa thuận hôm thứ Sáu mang lại cho các nhà lập pháp “động lực và thời gian” để hoàn thiện các dự luật còn lại trong vài tuần tới.
Ông Schumer nói tại sàn Thượng viện: “Tất nhiên, cả hai bên sẽ phải hợp tác cùng nhau để duy trì động lực đó.”
Sau khi tất cả 12 dự luật được hoàn tất, tổng chi tiêu tùy ý do Quốc hội đặt ra dự kiến sẽ ở mức khoảng 1.65 ngàn tỷ USD cho cả năm tài khóa 2024.
Ủng hộ và phản đối
Hôm 05/03, Nhóm họp kín Tự do Hạ viện (House Freedom Caucus) theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống cho biết rằng họ “phản đối dự luật chi tiêu tổng hợp (omnibus) trị giá 1.65 ngàn tỷ USD này,” vốn sẽ “phá vỡ các hạn ngạch chi tiêu của lưỡng đảng đã được ký thành luật chưa đầy một năm trước và chứa các điều khoản chi tiêu dài cả trăm trang cho các mục đích cụ thể với trị giá hàng tỷ dollar.”
Nhóm đã kêu gọi Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu phản đối cả hai phần của bộ dự luật phân bổ này, lập luận rằng bộ dự luật này “không giải quyết được hầu hết mọi ưu tiên chính sách của Đảng Cộng Hòa” và tạo đòn bẩy cho Đảng Dân Chủ bằng cách không “thực sự bảo vệ biên giới phía nam hay chấm dứt việc thả một cách có chủ ý và nguy hiểm số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.”
Đảng Cộng Hòa đã đổ lỗi cho chính phủ Tổng thống Biden về số lượng cao kỷ lục người nhập cư bất hợp pháp đã tràn vào đất nước kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức.
Họ đã kêu gọi chấm dứt chính sách “bắt và thả” gây tranh cãi của chính phủ Tổng thống Biden, đồng thời thúc giục mở rộng việc trục xuất nhanh chóng, nối lại việc xây dựng bức tường biên giới, và khôi phục chính sách “Ở lại Mexico” dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Ngược lại, trong một tuyên bố hôm 03/03 trước cuộc bỏ phiếu của Hạ viện về bộ dự luật này, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) nói rằng các nhà đàm phán của Đảng Cộng Hòa đã nỗ lực để đạt được một số chiến thắng.
“Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã đạt được những chiến thắng về chính sách quan trọng theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, bác bỏ các đề xướng tả khuynh, và áp đặt những khoản cắt giảm mạnh cho các cơ quan và chương trình vốn quan trọng đối với nghị trình của Tổng thống Biden,” ông viết.
Ông nói tiếp: “Luật này cấm Bộ Tư pháp nhắm mục tiêu vào các bậc cha mẹ thực hiện tự do ngôn luận của họ trước hội đồng nhà trường, đồng thời ngăn cản Chính phủ Tổng thống Biden tước bỏ các quyền theo Tu chính án thứ Hai của các cựu chiến binh.”
Ông Johnson nói thêm: “Luật này áp đặt những cắt giảm mạnh đối với EPA, ATF, và FBI, những tổ chức dưới thời Chính phủ Tổng thống Biden đang đe dọa đến các quyền tự do của chúng ta và nền kinh tế của chúng ta, đồng thời tài trợ toàn bộ cho việc chăm sóc sức khỏe cho các cựu chiến binh.”
Bộ dự luật phân bổ ngân sách này cắt giảm 10% khoản tài trợ cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), 6% khoản tài trợ cho FBI, và 7% khoản tài trợ cho Cục Rượu, Thuốc lá, Súng, và Chất nổ (ATF).
Bộ dự luật này còn bao gồm các điều khoản chính sách nhằm kiềm chế các cơ quan mà Đảng Cộng Hòa cho rằng đã bị vũ khí hóa để chống lại những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống.
Bản tin có sự đóng góp của Samantha Flom
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times