TT Biden ký dự luật áp đặt thỏa thuận đối với các nghiệp đoàn đường sắt, ngăn chặn đình công
Hôm thứ Sáu (02/12), Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký luật buộc các nghiệp đoàn đường sắt phải thông qua một thỏa thuận, ngăn chặn cuộc đình công của công nhân đường sắt.
“Tôi biết đây là một cuộc bỏ phiếu khó khăn đối với các thành viên của lưỡng đảng, điều đó cũng thật khó khăn đối với tôi,” ông Biden nói trước khi ký vào dự luật. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, ông tin đó là điều đúng đắn cần làm vào lúc này.
Đa số lưỡng đảng ở cả hai viện đã thông qua dự luật trong tuần này.
Luật này yêu cầu các nghiệp đoàn đại diện cho công nhân đường sắt chấp nhận các thỏa thuận dự kiến đã đạt được vào mùa thu nhưng sau đó đã bị các công nhân thuộc nhiều nghiệp đoàn từ chối.
Nếu không có dự luật hoặc thỏa thuận mới, công nhân có thể đã bắt đầu đình công vào ngày 09/12, với một số tác động bắt đầu được cảm nhận trước đó khi các công ty chuẩn bị cho sự gián đoạn.
Một cuộc đình công sẽ “tàn phá nền kinh tế của chúng ta,” ông Biden nói.
Quốc hội được trao quyền thông qua Đạo luật Lao động Đường sắt để điều tra các tranh chấp giữa các nhà điều hành và người lao động và giải quyết các tranh chấp đó. Các lựa chọn bao gồm buộc các bên phải chấp nhận một thỏa thuận chưa được phê chuẩn và kéo dài “thời kỳ hòa hoãn,” hiện đã hết hiệu lực.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska) đã cố gắng sửa đổi luật để kéo dài thời kỳ hòa hoãn này và không áp đặt thỏa thuận đối với người lao động, nhưng sửa đổi đó đã bị bác bỏ.
Các thượng nghị sĩ cũng bác bỏ đề nghị của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) về việc thêm bảy ngày nghỉ ốm được hưởng lương vào thỏa thuận. Hạ viện đã thông qua điều khoản này.
Ông Biden cho hay ông biết dự luật này không bao gồm thời gian nghỉ ốm hưởng lương “nhưng cuộc chiến đó vẫn chưa kết thúc.” Khi được hỏi khi nào người lao động nên được nghỉ ốm hưởng lương, ông nói rằng, “ngay khi tôi có thể thuyết phục Đảng Cộng Hòa chấp thuận điều này.”
Các thành viên Đảng Cộng Hòa đã giúp thông qua điều khoản nghỉ ốm có hưởng lương tại Hạ viện và sáu người đã bỏ phiếu cho điều khoản này tại Thượng viện, nhưng điều đó không đủ để đáp ứng ngưỡng 60 phiếu bầu. Năm thượng nghị sĩ đã bỏ lỡ cuộc bỏ phiếu này, trong đó có Thượng nghị sĩ Raphael Warnock (Dân Chủ-Georgia) và Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut).
Thỏa thuận
Thỏa thuận này đạt được sau khi một hội đồng trọng tài do ông Biden chỉ định khuyến nghị tăng lương, thanh toán bằng tiền mặt, và cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế.
Cả hai bên đã đàm phán từ những đề nghị nói trên và đi đến mức tăng lương 14.1% ngay lập tức, với mức tăng 24% vào năm 2024. Điều đó sẽ đưa tổng mức bồi thường trung bình của người lao động lên khoảng 160,000 USD hàng năm, từ mức 126,000 USD vào năm 2020. Thỏa thuận cũng bao gồm năm khoản thanh toán 1,000 USD hàng năm.
Thỏa thuận duy trì dịch vụ chăm sóc y tế ở mức hiện tại, đáp ứng định nghĩa về mức bảo hiểm bạch kim được nêu trong Đạo luật Chăm sóc Giá cả Phải chăng, còn được gọi là Obamacare. Người lao động phải đóng góp 15% phí bảo hiểm.
Người lao động trung bình hiện có ba tuần nghỉ phép có lương và thêm tối đa 14 ngày nghỉ phép cá nhân, trong khi một số người được nghỉ ốm có lương. Thỏa thuận này sẽ thêm một ngày nghỉ phép cá nhân và thêm các tùy chọn hoàn trả cho việc đi lại.
Thỏa thuận đã được chín nghiệp đoàn phê chuẩn và bị bốn nghiệp đoàn khác từ chối, trong đó có Hiệp hội Công nhân Kim loại Tấm, Hàng không, Đường sắt và Vận tải Quốc tế, vốn là nghiệp đoàn lớn nhất.
Ông Ian Jefferies, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Đường sắt Mỹ (Association American Railroads), cho biết trong một tuyên bố: “Những lợi ích đạt được trong thỏa thuận này là rất đáng kể, bao gồm mức tăng lương lịch sử, dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất và tiến triển đáng kể trong việc tạo ra các ca làm việc theo lịch trình, dễ dự đoán hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, còn nhiều việc phải làm để giải quyết thêm các mối quan tâm về cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên chúng tôi, nhưng rõ ràng là thỏa thuận này đã duy trì vị trí của ngành đường sắt trong số những công việc tốt nhất ở quốc gia chúng ta.”
Các nghiệp đoàn không phê chuẩn cho biết thỏa thuận này là không đủ.
Theo Brotherhood of Maintenance of Way Employees Division-International Brotherhood of Teamsters (BMWED-IBT), điểm vướng mắc phổ biến nhất là thiếu chế độ nghỉ ốm có lương.
“Trong năm qua, nhiều nhà tuyển dụng trên khắp thế giới đã phân tích những gì họ có thể làm để thu hút và giữ chân những nhân viên tài năng. Ngành đường sắt đã làm điều hoàn toàn ngược lại. Họ đã phớt lờ các cơ quan quản lý ngành và mối quan tâm của khách hàng về việc duy trì một lực lượng lao động đầy đủ, và họ đã phớt lờ những lời kêu gọi của công nhân về việc cải thiện điều kiện làm việc và chất lượng cuộc sống của họ. Điều này đã diễn ra đủ lâu. Đã đến lúc ngành đường sắt phải cải thiện chất lượng cuộc sống cho lực lượng lao động của họ,” ông Tony Cardwell, chủ tịch nghiệp đoàn, cho biết trong một tuyên bố.
Công nhân, nhà điều hành phản ứng
Các nhà điều hành ủng hộ sự can thiệp của Quốc hội.
“Chúng tôi muốn cảm ơn TT Biden và các thành viên trong chính phủ của ông ấy… vì đã trợ giúp quá trình đàm phán Đạo luật Lao động Đường sắt và các kết quả đàm phán tập thể,” Ủy ban Hội nghị các Nhà vận chuyển Quốc gia, đại diện cho ngành đường sắt, cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi cũng muốn cảm ơn các nhà lãnh đạo và thành viên Quốc hội đã nhận ra tầm quan trọng của dịch vụ đường sắt vận chuyển hàng hóa đối với chuỗi cung ứng và nền kinh tế của quốc gia và đã hành động nhanh chóng để ngăn chặn tình trạng ngừng hoạt động.”
Các nghiệp đoàn đã có những phản ứng trái chiều, với một số ủng hộ sự can thiệp này và một số khác phản đối.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times