TT Biden gia hạn ‘tình trạng khẩn cấp quốc gia’ do ‘mối đe dọa bất thường’ từ hành động của Nga ở Ukraine
Theo một thông báo của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống (TT) Joe Biden đã gia hạn một sắc lệnh tuyên bố “tình trạng khẩn cấp quốc gia” ở Hoa Kỳ vì các hành động của Nga ở Ukraine mâu thuẫn với các lợi ích của Hoa Kỳ.
Được ký hồi tháng 03/2014 bởi Tổng thống đương thời Barack Obama, Sắc lệnh 13660 tuyên bố “một tình trạng khẩn cấp quốc gia” trước “mối đe dọa bất thường và đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, vốn được hình thành bởi các hành động và chính sách của những người phá hoại các tiến trình dân chủ và các thể chế ở Ukraine; đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đó; và góp phần chiếm đoạt các tài sản của nước này,” thông báo hôm 02/03 nêu rõ.
Mặc dù sắc lệnh này được ký sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine, nhưng lệnh này đã được gia hạn trong nhiều năm với các sắc lệnh bổ sung, bao gồm cả việc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt.
Chỉ vài ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022, TT Biden đã ký một sắc lệnh khác “mở rộng hơn nữa phạm vi của tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố trong Sắc lệnh 13660” và “dựa vào các bước bổ sung được thực hiện” trong các sắc lệnh khác.
“Các hành động và chính sách được đề cập trong các Sắc lệnh này tiếp tục gây ra một mối đe dọa bất thường và đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ,” Tòa Bạch Ốc tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng TT Biden sẽ tiếp tục “trong 1 năm tình trạng khẩn cấp quốc gia được tuyên bố trong Sắc lệnh 13660.”
Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng những sắc lệnh này “ứng phó” với những cá nhân “làm suy yếu các quá trình dân chủ của Ukraine” cũng như đe dọa an ninh, hòa bình, và chủ quyền của đất nước này.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine leo thang trong những tuần gần đây ở Bakhmut, nằm ở phía đông Donetsk Oblast.
Các lực lượng Ukraine đã cầm cự ở thành phố Bakhmut phía đông trước những đợt tấn công của quân Nga hôm 02/03, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga đã bị tấn công bởi điều mà ông gọi là một cuộc tấn công khủng bố ở khu vực Bryansk phía nam giáp Ukraine.
TT Putin tuyên bố sẽ tiêu diệt những gì ông nói là một nhóm phá hoại người Ukraine vốn đã bắn vào các thường dân. Lực lượng an ninh FSB của Nga sau đó đã tuyên bố rằng tình hình ở đó “đã được kiểm soát.”
Bakhmut đã trở thành một vùng đất hoang, chỉ có vài ngàn trong số 70,000 cư dân trước chiến tranh vẫn ở đó giữa cuộc giao tranh diễn ra trên từng con phố. Quân đội Nga, được trợ giúp bởi Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, đã tiến về phía bắc và phía nam Bakhmut để chia cắt thành phố này.
Mặc dù thành phố này có ít giá trị chiến lược, nhưng Ukraine cho rằng nơi đây đang làm cạn kiệt lực lượng xâm lược của Nga trong trận chiến vốn đã trở thành đẫm máu nhất của cuộc xung đột này.
“Sớm muộn gì chúng tôi cũng sẽ phải rời Bakhmut. Không có lý do gì để giữ thành phố này bằng bất cứ giá nào”, nhà lập pháp Ukraine Serhiy Rakhmanin cho biết vào cuối hôm 01/03. Mục đích là “gây ra càng nhiều tổn thất cho Nga càng tốt.”
Theo thông báo của Ngũ Giác Đài, cũng trong hôm 02/03, Tướng Lục quân Hoa Kỳ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, cho biết ông đã nói chuyện với người đồng cấp Ukraine.
“Hai quan chức này đã thảo luận về cuộc xâm lược vô cớ và đang diễn ra của Nga đối với Ukraine, đồng thời trao đổi các quan điểm và đánh giá. Vị Chủ tịch đã tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,” phát ngôn viên Bộ Tham mưu Liên quân, Đại tá Dave Butler cho biết trong một tuyên bố về cuộc điện đàm trên.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times