Hoa Kỳ công bố gói viện trợ an ninh mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Kiev được cho là chuẩn bị tấn công Crimea và nỗ lực bảo vệ Bakhmut, hôm 03/03, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố sẽ chuyển giao khí tài quân sự trị giá tới 400 triệu USD cho Ukraine để viện trợ cho quốc phòng của nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga, trong đó có hệ thống hỏa tiễn cơ động cao (HIMARS), súng cối, và đạn chống xe.
“Theo một sự ủy quyền từ Tổng thống [Joe] Biden, tôi đang ủy quyền cho việc rút vũ khí và khí tài của Hoa Kỳ cho Ukraine lần thứ 33 kể từ tháng 08/2021, trị giá 400 triệu USD,” Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố. “Gói viện trợ quân sự này bao gồm nhiều đạn dược hơn cho HIMARS và lựu pháo do Mỹ cung cấp, mà Ukraine đang sử dụng rất hiệu quả để tự vệ.”
HIMARS là bệ phóng hỏa tiễn di động trị giá khoảng 4 triệu USD một chiếc với mỗi hỏa tiễn riêng lẻ có giá khoảng 168,000 USD. Chính phủ Tổng thống Biden đã tặng 20 hệ thống này — do Lockheed Martin sản xuất — cho quân đội Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến tranh.
Ông Biden đã gửi 143 khẩu lựu pháo — những khẩu pháo lớn gợi nhớ đến Đệ nhị Thế chiến — đến Ukraine với giá mỗi lựu pháo khoảng 5 triệu USD.
Đạn phá hủy và thiết bị dọn chướng ngại vật cũng được bao gồm trong gói này, cũng như thiết bị kiểm tra và chẩn đoán để trợ giúp bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện, phụ tùng thay thế, và các thiết bị dã chiến khác để giúp người Ukraine duy trì lực lượng của họ trong chiến đấu.
‘Kêu gọi thế giới’
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục kêu gọi thế giới ủng hộ Ukraine.”
Mặc dù hầu hết cộng đồng quốc tế đều ủng hộ Ukraine, nhưng vẫn có những dấu hiệu thờ ơ. Hai quốc gia — Mali và Nicaragua — đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga hồi tháng trước, mặc dù đã không làm như vậy vào tháng 03/2022.
Hoa Kỳ đã thay đổi hình thức viện trợ mà họ cung cấp khi chiến tranh tiếp diễn, bằng cách cung cấp các loại vũ khí mà họ cho là vượt quá giới hạn khi bắt đầu chiến tranh. Một số nước Âu Châu cũng đã cam kết viện trợ bằng cách cung cấp xe tăng, thiết vận xa, hệ thống pháo, và đạn dược.
Các nhà phê bình cho rằng gói viện trợ đó không đúng thời điểm và cho thấy thái độ bất cẩn của chính phủ ông Biden đối với cuộc chiến này.
‘Vũ khí hạt nhân’
“Gói vũ khí mới nhất được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang thúc đẩy Ukraine tiến hành một cuộc phản công lớn và các quan chức Hoa Kỳ và Ukraine đang thảo luận công khai về các cuộc tấn công vào Crimea, một lằn ranh đỏ rõ ràng đối với ông Putin,” ông Dave DeCamp, biên tập viên tin tức của Antiwar.com cho biết. “Mỗi gói viện trợ mới và mỗi ngày trôi qua mà không có các cuộc đàm phán hòa bình đang làm tăng nguy cơ leo thang lớn có thể dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga, một viễn cảnh sẽ là thảm họa cho toàn bộ thế giới.”
Gói mới nhất này được đưa ra trước lời cam kết của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ chiếm lại Crimea do Nga chiếm đóng, bán đảo phía nam của Ukraine, mà người Nga đã sáp nhập vào năm 2014. Moscow coi khu vực này là một phần của Nga, và hầu hết cư dân Crimea đều có cùng quan điểm này.
Hồi tháng 09/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân “nếu có một mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga.” Các quan chức của Bộ Ngoại giao và các đồng minh Na Uy đã bày tỏ lo ngại rằng Crimea hiện đang nằm trong tầm ngắm của Kiev, họ sợ rằng ông Putin có thể sẽ khai triển một vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đã lặp lại những lo lắng này trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hồi tháng trước và cho biết cuộc chiến này cuối cùng sẽ phải kết thúc trên bàn đàm phán.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times