TT Biden cấm một số khoản đầu tư vào Trung Quốc, tuyên bố ‘tình trạng khẩn cấp quốc gia’
Hôm 09/08, Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký một sắc lệnh để bắt đầu quá trình hạn chế các khoản đầu tư công nghệ cao của Hoa Kỳ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, và vi mạch bán dẫn.
Theo các quan chức chính phủ cao cấp, sắc lệnh này có khả năng sẽ có hiệu lực vào năm tới sau giai đoạn thảo luận, và sẽ trao quyền cho Bộ trưởng Ngân khố đặt ra quy định cho các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công nghệ Trung Quốc được xem là có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Theo sắc lệnh này, Tổng thống đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến “mối đe dọa bất thường và đặc biệt” từ “các quốc gia đáng lo ngại” đang sử dụng các công nghệ nhạy cảm để nâng cao năng lực quân sự và tình báo của họ. Sắc lệnh nói thêm rằng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ “có nguy cơ khiến mối đe dọa này thêm nghiêm trọng.”
“Chính phủ Tổng thống Biden cam kết giữ an toàn và bảo vệ an ninh quốc gia cho Mỹ quốc,” một quan chức cho biết trong cuộc họp báo hôm 09/08. “Điều đó bao gồm việc bảo vệ thích hợp các công nghệ quan trọng đối với việc đổi mới quân sự thế hệ tiếp theo.”
“[Trung Quốc] có một mục tiêu được nêu rõ, là mua lại và sản xuất các công nghệ nhạy cảm quan trọng, để trực tiếp trợ giúp cho các hoạt động liên quan đến hiện đại hóa quân sự như phát triển vũ khí, và luôn khai thác các khoản đầu tư của Hoa Kỳ để phát triển năng lực tình báo và quân sự trong nước.”
Quan chức này nói rằng sắc lệnh mới sẽ nhắm vào một “phạm vi hẹp” các khoản đầu tư vào AI, công nghệ thông tin lượng tử, chất bán dẫn và vi điện tử để lấp đầy một “khoảng trống quan trọng” trong an ninh quốc gia.
“Đây là một hành động an ninh quốc gia, chứ không phải là một hành động kinh tế,” quan chức này cho biết.
“Sắc lệnh này bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta theo cách nhắm mục tiêu trong một phạm vi hẹp, đồng thời duy trì cam kết lâu dài của chúng ta đối với việc đầu tư mở.”
Bộ Ngân khố thiết lập quy định
Quan chức này cho biết, để phối hợp với sắc lệnh của tổng thống, Bộ Ngân khố sẽ đồng thời hành động để đưa ra một thông báo trước về các quy định mới được đề nghị, đó là cấm đầu tư vào các tổ chức tham gia vào các hoạt động liên quan đến ba lĩnh vực kể trên và yêu cầu thông báo đầu tư vào các công nghệ liên quan.
Mặc dù Bộ Ngân khố vẫn phải trải qua một quá trình xây dựng quy định có khả năng sẽ mất nhiều thời gian, nhằm để đưa ra thông báo và nhận ý kiến về các quy định mà bộ đề xướng, nhưng các quan chức chính phủ hy vọng rằng mong muốn mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội nhằm “quản lý một cách có ý nghĩa các khoản đầu tư ra ngoại quốc” sẽ giúp tạo ra các quy chế mạnh mẽ nhất có thể.
Dù là nói như vậy, nhưng quan chức này lưu ý rằng Hoa Kỳ sẽ không theo đuổi bất kỳ hình thức nào để tách khỏi Trung Quốc, thay vào đó mô tả các hành động của họ là “giảm thiểu rủi ro.”
“Chúng ta đang theo đuổi chính sách giảm thiểu rủi ro liên quan đến [Trung Quốc] bằng cách thực hiện các hành động an ninh quốc gia có mục tiêu,” quan chức này nói. “[Chúng ta] không tách rời các nền kinh tế của mình và chính sách này phản ánh cách tiếp cận đó.”
Quan chức này nói thêm rằng các quy định được đề xướng của Bộ Ngân khố đã được thực hiện với sự phối hợp của các đồng minh và đối tác của đất nước thông qua hàng chục cuộc họp và sẽ giúp thể hiện “sự thống nhất về mục đích” trên trường quốc tế.
Ngăn chặn dòng chảy vào quân đội của ĐCSTQ
Các quy định này sẽ tập trung một phần vào việc cung cấp cho chính phủ các công cụ tốt hơn để ngăn chặn vốn đầu tư của tư nhân và vốn mạo hiểm của Hoa Kỳ chảy vào các tổ chức Trung Quốc, có thể mang lại “lợi thế” cho quân đội của chính quyền này.
Các công ty công nghệ và công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ từ lâu đã đầu tư vào các tổ chức có liên quan đến cánh quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với rất ít sự can thiệp từ chính phủ liên bang.
Do đó, Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về ĐCSTQ của lưỡng đảng đang mở các cuộc điều tra đối với một số công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ, mà họ tuyên bố là đang tài trợ cho sự phát triển AI của Trung Quốc và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân đội của nước này.
Trong một bức thư thông báo về các cuộc điều tra, chủ tịch ủy ban Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) và thành viên cao cấp của Đảng Dân Chủ Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois) cho biết, ĐCSTQ đang tích cực làm việc để trau dồi lợi thế quân sự của mình thông qua nghiên cứu và đầu tư từ Hoa Kỳ.
“[Trung Quốc] đang tích cực theo đuổi và sử dụng những tiến bộ trong AI để thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền và tăng cường năng lực quân sự của mình,” bức thư cho hay. “Tương tự như vậy, họ đang sử dụng những tiến bộ trong điện toán lượng tử và sản xuất chất bán dẫn để trợ lực cho Quân Giải phóng Nhân dân (PLA).”
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns, Bắc Kinh cũng đang đánh cắp các công nghệ quan trọng gồm AI và hệ thống mật mã lượng tử, những công nghệ có tầm quan trọng cơ yếu trong lĩnh vực quân sự cho những năm sắp tới.
“[Công nghệ] theo nhiều cách là trọng tâm của cuộc cạnh tranh này,” ông Burns cho biết tại cuộc họp hồi tháng Sáu của Liên minh Lãnh đạo Toàn cầu.
“Tất cả những công nghệ đó sẽ bị quân sự hóa.”
Ông Burns nói thêm rằng ĐCSTQ, vốn kiểm soát Trung Quốc với tư cách là một nhà nước độc đảng, đang tiến hành “việc đánh cắp tài sản trí tuệ một cách nhất quán và liên tục” để đẩy nhanh “quá trình chuyển giao công nghệ cưỡng bức” từ Hoa Kỳ.
Ông nói, ảnh hưởng ác ý đó đang gây khó khăn cho Hoa Kỳ và ĐCSTQ trong việc cạnh tranh một cách hòa bình, và sẽ gây ra những hậu họa đối với an ninh của Hoa Kỳ trong khu vực trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Hoa Kỳ theo đuổi sự răn đe phi quân sự
Sắc lệnh được công bố khi ngày càng nhiều nhà phân tích và chuyên gia thúc giục Quốc hội cũng như nhánh hành pháp tăng cường tốt hơn khả năng của quốc gia trong việc ngăn chặn xung đột với Trung Quốc thông qua các biện pháp phi quân sự.
Để ngăn chặn một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc, theo Chuẩn đô đốc đã về hưu Mike Studeman, Hoa Kỳ sẽ cần phải vượt ra ngoài việc đầu tư vào các thiết bị quân sự và tận dụng mọi phương tiện của sức mạnh quốc gia.
“Chúng ta cần xem xét tất cả các hình thức ảnh hưởng để ngăn chặn một môi trường chiến đấu hoặc một cuộc khủng hoảng mà trên thực tế sẽ tàn phá toàn cầu,” ông Studeman nói trong bài trình bày hôm 08/08 tại Viện Hudson, một tổ chức cố vấn thuộc phái bảo tồn truyền thống.
Sắc lệnh này cũng được đưa ra sau một tuần đầy thử thách khác đối với mối bang giao Mỹ-Trung vốn dĩ đã căng thẳng, khi các chiến hạm Trung Quốc và Nga tiến hành hoạt động hải quân lớn nhất từ trước đến nay gần bờ biển Alaska.
Mười một tàu của Trung Quốc và Nga đã đi qua vùng biển quốc tế gần bờ biển Alaska, khiến bốn khu trục hạm của Hoa Kỳ phải đi theo tháp tùng để bảo đảm rằng các lực lượng này không đi vào lãnh hải của Hoa Kỳ.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times