TSMC vượt Tencent, các công ty hàng đầu của Trung Quốc tụt hạng khỏi bảng xếp hạng 500 toàn cầu
Trung Quốc có 32 công ty trong danh sách 500 toàn cầu của Hurun trong khi Hoa Kỳ có 260
Các công ty hàng đầu của Trung Quốc đã sụt giảm vốn hóa thị trường, với 12 công ty bị loại khỏi Hurun Global 500 năm 2022 — danh sách 500 công ty không thuộc sở hữu nhà nước, có giá trị cao nhất trên thế giới.
Theo báo cáo năm 2022 do Viện nghiên cứu Hurun có trụ sở tại Thượng Hải công bố hôm 09/12, Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới với tổng số 260 công ty trong danh sách, tăng 17%.
Trung Quốc đứng thứ hai với 32 công ty trong danh sách, ít hơn 12 công ty so với năm 2021, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.
Trong khi đó, ba công ty của Đài Loan — Công ty Sản xuất chế tạo Chất bán dẫn Đài Loan (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.-TSMC), Foxconn, và MediaTek — vẫn có tên trong danh sách này, với TSMC vượt Tencent Holdings của Trung Quốc để trở thành công ty có giá trị cao nhất ở Á Châu.
Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết dựa trên giá đóng cửa hôm 26/10. Định giá của các công ty chưa niêm yết được ước tính dựa trên các công ty niêm yết trong cùng ngành hoặc dựa trên vòng cấp vốn gần nhất của họ.
Ngưỡng giá trị đầu vào cho Hurun Global 500 năm 2022 là 28 tỷ USD, giảm 23.5% so với 36.6 tỷ USD vào năm 2021. Tổng vốn hóa thị trường của các công ty trong danh sách là 47 ngàn tỷ USD, giảm 11.1 ngàn tỷ USD so với năm 2021, tương đương khoảng 19% giá trị.
Bà Lý Tùng Vân (Li Songyun), tiến sĩ kinh tế và chuyên gia về nền kinh tế Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 12/12: “Danh sách top 500 của [Hurun] năm nay cho thấy những khó khăn đối với các công ty tư nhân trên khắp thế giới. Chỉ có 160 công ty tăng giá trị so với năm ngoái, chưa đến 1/3 tổng số, nghĩa là giá trị của hơn 2/3 doanh nghiệp không tăng trưởng, thậm chí thụt lùi.”
“Từ góc độ toàn cầu, Hoa Kỳ có lợi thế rõ ràng so với các khu vực khác. Số lượng công ty trong danh sách của các quốc gia khác đã giảm, nhưng Hoa Kỳ đã thêm 17 công ty vào danh sách này. Mặc dù Trung Quốc vẫn đứng ở vị trí thứ hai, nhưng có một khoảng cách rõ ràng giữa nước này và Hoa Kỳ”.
Tổng cộng có 260 công ty từ Hoa Kỳ lọt vào danh sách này, nhiều hơn 17 công ty so với năm ngoái. Các công ty Mỹ trong danh sách chiếm 65% tổng giá trị vốn hóa thị trường của 500 công ty hàng đầu.
Apple Inc. đứng đầu với vốn hóa thị trường là 2.4 ngàn tỷ USD, giảm 3% so với năm ngoái. Phần còn lại của năm công ty hàng đầu trong danh sách là Microsoft, Alphabet, Amazon, và Tesla.
Tuyên bố sai sự thật của truyền thông Trung Quốc
Mặc dù chỉ có 32 công ty lọt vào top 500 của Hurun vào năm 2022, truyền thông Trung Quốc đã loan báo rộng rãi rằng nước này có 35 công ty lọt vào danh sách này, với tổng vốn hóa thị trường là 2.6 ngàn tỷ USD. Tuyên bố này của Trung Quốc bao gồm ba công ty Đài Loan là TSMC, Foxconn, và MediaTek.
Theo danh sách của Hurun, TSMC, công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, có vốn hóa thị trường là 317 tỷ USD tại thời điểm lập báo cáo, xếp thứ 17, vượt qua Tencent Holdings để trở thành công ty có mức định giá cao nhất Á Châu.
Foxconn, xếp thứ 309 và MediaTek, xếp thứ 495, có vốn hóa thị trường lần lượt là 44 tỷ USD và 29 tỷ USD.
Sau khi trừ đi giá trị vốn hóa thị trường của ba công ty Đài Loan, các công ty Trung Quốc trong danh sách có giá trị vốn hóa thị trường kết hợp lại xấp xỉ 1.95 ngàn tỷ USD, chiếm khoảng 4% trong tổng giá trị vốn hóa thị trường của 500 công ty hàng đầu, nhỏ hơn nhiều so với mức 65% của Hoa Kỳ.
Nhật Bản đứng thứ ba, với 28 công ty trong danh sách này, ít hơn hai công ty so với năm ngoái. Vương quốc Anh và Canada lần lượt xếp thứ tư và thứ năm.
Bà Lý cho biết: “Với 12 công ty không lọt vào danh sách, Trung Quốc có tỷ lệ công ty mất vị trí trên Hurun cao nhất (hơn 1/4) trong năm nay so với các quốc gia khác.”
Chứng khoán Trung Quốc hoạt động kém hiệu quả
Bà Lý nói rằng nhiều công ty Trung Quốc không lọt vào danh sách này chủ yếu là do hoạt động kém hiệu quả của họ trên thị trường chứng khoán nội địa Trung Quốc và Hồng Kông cũng như các cổ phiếu khái niệm (các công ty có tài sản và doanh thu lớn tại đại lục) của Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ.
Bà tin rằng những lý do bao gồm chính sách zero COVID của Trung Quốc; sự bất ổn của các quy định đối với các công ty tư nhân và chính sách bất động sản của họ; Cơ quan quản lý Hoa Kỳ tăng cường kiểm tra các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc; và việc đưa các công ty Trung Quốc vào “danh sách theo dõi hủy niêm yết”.
Bà nói thêm: “[Những lý do này] khiến các nhà đầu tư ngoại quốc lo ngại về triển vọng kinh tế tổng thể của Trung Quốc, đẩy nhanh việc rút lui của họ khỏi thị trường Trung Quốc.”
Trong số các công ty Trung Quốc trong danh sách, công ty đứng đầu là Tencent Holdings, với mức vốn hóa thị trường là 265 tỷ USD, giảm 62% so với mức 697 tỷ USD của năm ngoái, tụt hạng từ vị trí thứ 6 năm 2021 xuống thứ 26 trong năm nay.
Tencent Holdings là công ty thứ ba có giá trị vốn hóa thị trường giảm mạnh nhất trong số 500 công ty hàng đầu, chỉ sau Meta, công ty mẹ của Facebook và Amazon, lần lượt mất 618 tỷ USD và 587 tỷ USD.
Mức giảm vốn hóa thị trường lớn thứ tư là Alibaba, giảm 71% so với năm ngoái, tụt hạng từ vị trí thứ 9 năm 2021 xuống vị trí thứ 48 trong năm nay.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times