Bộ trưởng Đức chính thức thăm Đài Loan lần đầu tiên sau nhiều thập niên
Hôm thứ Sáu (17/03), một quan chức cho biết Đức sẽ cử bộ trưởng liên bang của nước này đến thăm Đài Loan vào tuần tới (20-26/03) để đàm phán về hợp tác nghiên cứu, đánh dấu chuyến thăm cao cấp đầu tiên của một bộ trưởng Đức tới Đài Loan trong hơn hai thập niên.
Một phát ngôn viên của bộ này cho biết Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Bettina Stark-Watzinger sẽ gặp các quan chức Đài Loan trong chuyến công du hai ngày của bà tới Đài Loan để thảo luận về việc mở rộng hợp tác nghiên cứu vi mạch bán dẫn, hydro xanh, và pin.
Phát ngôn viên chính phủ Steffen Hebestreit nói rõ rằng chuyến thăm của bộ trưởng này tới Đài Loan không liên quan đến chủ quyền của hòn đảo tự trị này và Đức duy trì lập trường của họ về chính sách “Một Trung Quốc.”
“Chúng tôi cũng liên lạc thường xuyên và chặt chẽ với Trung Quốc và giới lãnh đạo Trung Quốc,” ông nói với các phóng viên. “Chuyến thăm của bộ trưởng giáo dục và nghiên cứu sắp được thực hiện đến Đài Loan hiện nay không đặt ra nghi vấn về lập trường của chúng tôi theo bất kỳ cách nào.”
Hiện vẫn chưa rõ liệu bà Stark-Watzinger sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trong chuyến viếng thăm của bà vào tuần tới hay không.
Chuyến thăm sắp tới của bà Stark-Watzinger sẽ là chuyến thăm đầu tiên mà một quan chức cấp bộ trưởng của Đức đến thăm Đài Loan kể từ năm 1997 khi bộ trưởng kinh tế đương thời Guenter Rexrodt thực hiện một chuyến thăm đến hòn đảo tự trị này.
Các kế hoạch mở rộng toàn cầu của TSMC
Chuyến thăm của bà Stark-Watzinger diễn ra trong bối cảnh hôm 12/01, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất vi mạch bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết họ đang xem xét mở nhà máy đầu tiên của họ ở châu Âu và nhà máy thứ hai ở Nhật Bản.
Tổng giám đốc TSMC C.C. Ngụy nói, “Tại châu Âu, chúng tôi đang hợp tác với các khách hàng và đối tác để đánh giá khả năng xây dựng một nhà máy chế tạo (fab) đặc biệt, tập trung vào các công nghệ dành riêng cho xe hơi, dựa trên nhu cầu của các khách hàng và mức độ trợ giúp của chính phủ.”
Hồi năm ngoái, TSMC được cho là sẽ “tiến hành các cuộc thảo luận cao cấp” với các nhà cung cấp về việc thành lập một nhà máy ở Dresden, Đức, nơi sẽ tập trung vào việc sản xuất các công nghệ vi mạch bán dẫn 22 nanomet và 28 nanomet.
Chuyến thăm của phái đoàn Đức trước đây
Hôm 09/01, Đức đã cử một phái đoàn do chủ tịch ủy ban quốc phòng Marie-Agnes Strack-Zimmermann dẫn đầu đến Đài Loan. Tại đây, họ đã gặp gỡ bà Thái Anh Văn và các quan chức quốc phòng để thảo luận về sự ổn định trên eo biển Đài Loan.
Một ngày trước khi phái đoàn này đến, quân đội Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận chiến đấu với sự tham gia của 57 phi cơ và bốn chiến hạm hải quân quanh hòn đảo này.
Đài Loan đã điều động các phi cơ, chiến hạm hải quân, và hệ thống hỏa tiễn trên đất liền sau khi phát hiện 28 chiến đấu cơ Trung Quốc tiến vào khu vực nhận dạng phòng không của nước này.
Bắc Kinh cho biết mục tiêu của các cuộc tập trận chiến đấu là chống lại “các hành động khiêu khích” của Đài Loan và các thế lực ngoại quốc.
Đài Loan đã bác bỏ các tuyên bố của Bắc Kinh và cho rằng chính “sự khiêu khích vô lý” của Quân Giải phóng Nhân dân đã gây bất ổn nghiêm trọng cho an ninh khu vực.
“Chúng tôi không muốn sự leo thang hay xung đột,” Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một tuyên bố. “Lực lượng vũ trang [của Đài Loan] liên tục giám sát khu vực xung quanh của chúng tôi và phản ứng với các hoạt động một cách phù hợp.”
Đài Loan là một chế độ dân chủ tự trị kể từ khi cuộc nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem Đài Loan là lãnh thổ của mình. Họ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai phải được sáp nhập với Hoa lục bằng mọi cách cần thiết.
Năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn xung quanh Đài Loan để trả đũa việc Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đương thời Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo này.
Trước đó, ông Anders Fogh Rasmussen, nguyên lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cựu thủ tướng Đan Mạch, đã cho rằng các cường quốc Âu Châu và NATO “quá ngây thơ” trước việc Nga xâm lược Ukraine và đang có nguy cơ lặp lại những sai lầm tương tự với Trung Quốc.
Ông tin rằng nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc chiến ở Ukraine trước khi ra quyết định về bất kỳ cuộc tấn công nào vào Đài Loan.
Ông nói: “Cho đến nay, thế giới vẫn chưa chú ý đầy đủ đến những căng thẳng ở Eo biển Đài Loan.”
Bản tin có sự đóng góp của ông Bryan Jung và Associated Press
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times