Truyền thống thế kỷ: Những ‘chiếc nón khai giảng’ đầy màu sắc của học sinh tiểu học Đức
Theo truyền thống hàng thế kỷ nay, học sinh lớp 1 ở các trường tiểu học của Đức sẽ mang theo một chiếc túi hình nón bằng giấy đầy màu sắc vào ngày đầu tiên đến trường. Chiếc túi kỳ lạ này có tên là “Schultüte”, trông giống như một chiếc nón quá khổ. Bí ẩn bên trong chiếc “nón khai giảng” này là gì? Truyền thống này bắt nguồn từ đâu?
Bí ẩn của “nón khai giảng” là gì?
Theo tờ The Huffington Post, bà Amrei Gold, Giám đốc PR khu vực Bắc Mỹ của Ủy ban Du lịch Quốc gia Đức, cho biết những chiếc nón giấy này có tên “Schultüte”, học sinh năm nhất (lớp 1) của trường tiểu học phải mang nó đến trường vào ngày khai giảng.
Bà Gold cho biết trẻ em ở Đức thường bắt đầu học lớp một khi 6 tuổi. Cha mẹ của các cháu sẽ chuẩn bị một “chiếc nón khai giảng” cho con mình và tận dụng cơ hội để chụp ảnh làm kỷ niệm.
Bà cho biết “nón khai giảng” thường chứa đầy kẹo và những món quà nhỏ, hoặc văn phòng phẩm cần thiết cho lớp học. Bởi vì “nón khai giảng” có chứa kẹo, ở một số vùng nó còn được gọi là “nón đường”.
Cô Kirsten Bencker, người làm việc tại khoa ngôn ngữ tại Viện Goethe ở Munich, Đức, cho biết: “Schultüte là một truyền thống từ lâu đời và là một phần quan trọng trong ngày đầu tiên đến trường của trẻ em Đức”.
Phần chóp của chiếc túi hình nón này làm nổi bật sự chuyển đổi của vị thế, cô Benker giải thích. Đối với trẻ em, sự thay đổi vị thế như vậy có thể mang lại rất nhiều thay đổi; đối với các gia đình, họ sử dụng truyền thống này để nhấn mạnh sự chuyển đổi vị thế của trẻ em.
Truyền thống “nón khai giảng” bắt nguồn từ đâu?
Bà Gold đề cập rằng, vào thế kỷ 19, người Đức bắt đầu cho trẻ em sử dụng Schultüte trong ngày đầu tiên đến trường, nhưng truyền thống này đã có từ thế kỷ 18. Về lịch sử, nó có nguồn gốc từ các bang tự do của Sachsen và Thuringia, nhưng hiện nay đã được biết đến nhiều ở Đức.
Bà Gold nói rằng mặc dù “nón khai giảng” bắt đầu như một truyền thống ở phần lớn miền trung nước Đức, các khu vực khác kể từ đó đã theo truyền thống này. Và Berlin là thành phố lớn đầu tiên nằm ngoài cái nôi của Schultüte cũng đã áp dụng truyền thống này. Dần dần, nó cũng xuất hiện ở miền tây và miền nam nước Đức.
Sau khi nước Đức bị chia cắt thành Đông và Tây Đức vào cuối Đệ nhị Thế chiến, chiều dài của “nón khai giảng” cũng được chia đôi. Trong số đó, Đông Đức là khoảng 33 inch (83.8 cm), còn Tây Đức là khoảng 28 inch (71.1 cm).
Cô Bencker nói, truyền thống này hiện lan rộng khắp Đức và Áo, cũng như ở các vùng nói tiếng Đức của Thụy Sĩ.
Cách làm “nón khai giảng”
Cô Bencker cho biết: Schultüte bán sẵn có ở các cửa hàng, nhưng nhiều bậc cha mẹ tự làm, có thể làm cùng với con cái của họ.
“Nói chung, trẻ em có thể sáng tạo với việc trang trí ‘nón đường’ của các con,” cô nói.
Bà Gold cho biết, nếu phụ huynh không tự làm được Schultüte, họ có thể mua loại làm sẵn hoặc để con mình tự làm khi còn học mẫu giáo. Nhà sản xuất Schultüte lớn nhất của Đức có thể sản xuất hơn 2 triệu chiếc mỗi năm.
Ngoài các loại bánh kẹo truyền thống, Schultüte ngày nay cũng có thể đựng văn phòng phẩm, sách hoặc đồ chơi.