Truyện ngắn ‘Bên dòng nước Babylon’ của Stephen Vincent Benét: Sự phát triển hướng đến diệt vong
Ngày nay, chúng ta liên tục xây dựng thêm nhiều cao ốc, cập nhật các thiết bị điện tử mới, sáng tạo những nền tảng tốt hơn, phát minh ra các loại xe hơi khác nhau. Chúng ta dường như bị chế ngự bởi cơn sốt của việc phát triển liên tục hướng về phía trước, khiến chúng ta mãi mãi bận rộn. Chúng ta có bao giờ tạm dừng quá trình đi về phía trước một cách điên cuồng này để suy xét xem chúng ta đang đi tới đâu không?
Hai năm trước Đệ nhị Thế chiến và khi bom nguyên tử đang được phát triển, nhà văn Stephen Vincent Benét đã nhắc đến câu hỏi này trong truyện ngắn khoa học viễn tưởng “By the Waters of Babylon” (Bên Dòng Nước Babylon).
Một xã hội diệt vong
Lấy bối cảnh trong tương lai, thời hậu tận thế khi một quả bom nguyên tử khiến một thành phố lớn bị phá hủy (được gọi là “Vụ Nổ Lớn”), câu chuyện của ông Benét kể về một chàng trai trẻ đang trong quá trình đào tạo để trở thành một thầy tế trong một bộ tộc nguyên thủy.
Để học hỏi kiến thức và kinh nghiệm, người hùng trẻ tuổi này dấn thân đến một nơi cấm địa được gọi là Vùng Đất Chết Vĩ Đại Của Các Vị Thần, mà sau này anh biết đó là “newyork.”
Khi anh đến thành phố này, người anh hùng trẻ tuổi đã có một khải tượng về các vị thần và thành phố của họ trước Vụ Nổ Lớn. Có tiếng nổ ầm ầm không ngớt, và các vị thần luôn di chuyển: “Không ngừng nghỉ, không ngừng nghỉ, là các vị thần và họ luôn luôn luôn chuyển động!”
Các vị thần đi bộ, ngồi trong những cỗ xe, hoặc bay trên trời. Họ có thể đi bất cứ đâu và có được bất cứ thứ gì. Sau đó, Vụ Nổ Lớn xảy đến từ bầu trời, và các vị thần và thành phố đã diệt vong.
Trên đường trở về nhà, người anh hùng trẻ tuổi này loan báo với cha mình (vị thầy tế đứng đầu bộ tộc) rằng các vị thần đã không còn là thần, mà là con người: “Họ đã đi trên một con đường tăm tối, nhưng họ là con người.”
Người hùng đó muốn nói cho bộ tộc này biết sự thật về thành phố (newyork) và các vị thần, nhưng cha anh nói: “Sự thật là một chú nai khó săn. Nếu con ‘ăn’ quá nhiều sự thật cùng một lúc, con có thể chết vì sự thật.”
Người anh hùng đó quyết định rằng cách tốt nhất để tiếp nhận sự thật là từng chút, từng chút một. “Có lẽ,” anh nói, “ngày xưa, họ đã ‘ăn’ kiến thức quá nhanh.” Anh nhận ra rằng, người dân của mình phải gây dựng [cơ đồ] một lần nữa nhưng với sự điều độ.
Một cuộc sống đầy ý nghĩa
Nhà văn Benét đặt nghi vấn về nhu cầu có được tốc độ không ngừng, tăng trưởng và phát triển liên tục của chúng ta. Vấn đề này cũng được đề cập tương tự trong bài viết trên trang web Minh Huệ “Cảm hứng từ câu chuyện Trương Quả Lão Cưỡi lừa ngược.” Trương Quả Lão, một trong tám vị tiên (các vị thần) của Đạo gia ở Trung Hoa, cưỡi lừa quay mặt về phía sau đi hàng dặm dài. Mặc dù các hoàng đế đã thỉnh cầu những lời khuyên của ông, những Trương Quả Lão đã từ chối lời mời của họ đến triều đình; ông không truy cầu sự hào nhoáng của thế gian. Thay vào đó, ông tìm kiếm trí huệ, chân lý, và “sự sống có ý nghĩa,” và ông đã lựa chọn quan sát thế gian từ một góc nhìn khác.
Thông qua ví dụ về Trương Quả lão, bài viết này muốn nói rằng “nếu những người bình thường chỉ tập trung vào những gì xảy ra trước mắt họ, mà không tìm kiếm những ý nghĩa thâm sâu hơn của cuộc sống, thì họ sẽ bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời để biết được sự thật.”
Sự thật là điều cốt yếu, nhưng nếu chúng ta quá bận tâm với việc tìm kiếm sự thật kế tiếp, thì chúng ta sẽ không bao giờ học hỏi được gì hay trưởng thành được.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times