Trường phái kinh tế Biden: Chính phủ toàn trị, chính sách công nghiệp và kiểm soát tập trung
Những người ủng hộ và phê bình tranh luận về những ưu nhược điểm của việc chính phủ điều hướng nền kinh tế Mỹ
Nhắm đến các cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, Tòa Bạch Ốc đã ra mắt một chiến dịch quan hệ công chúng mới tên là “Trường phái kinh tế Biden” (Bidenomics) để xác lập nghị trình kinh tế của Tổng thống Joe Biden.
“Tôi chẳng biết Bidenomics là cái quái gì vậy, nhưng nó đang có hiệu quả,” ông Biden tuyên bố tại một cuộc tập hợp của nghiệp đoàn hôm 17/06 ở Philadelphia, khiến một câu hỏi phát sinh: Trường phái kinh tế Biden là gì, và nó có đang khởi tác dụng không?
Theo một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, Bidenomics dựa trên ba trụ cột: chi tiêu lớn của chính phủ “thông minh” cho năng lượng tái tạo và chất bán dẫn, trợ giúp cho các nghiệp đoàn và sản xuất nội địa, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh. Kết quả là, Tòa Bạch Ốc tuyên bố, “nền kinh tế của chúng ta đã tạo thêm hơn 13 triệu việc làm — bao gồm gần 800,000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất — và chúng ta đã tạo ra một cuộc bùng nổ về sản xuất và năng lượng sạch.”
Đạo luật Tạo ra các Khuyến khích Hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn và Khoa học (CHIPS) năm 2022 phân bổ 280 tỷ USD chi tiêu liên bang để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ. Đạo luật Cơ sở hạ tầng năm 2021 đã phân bổ hơn 65 tỷ USD cho các dự án “năng lượng sạch.” Và Đạo luật Giảm Lạm Phát năm 2022 đã phân bổ thêm 394 tỷ USD cho năng lượng sạch dưới hình thức các khoản ưu đãi thuế, cho vay, và trợ cấp.
“Tôi sẽ định nghĩa Bidenomics là chính phủ toàn trị theo kiểu thấm từ trên xuống,” ông Jonathan Williams, nhà kinh tế trưởng tại Hội đồng Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times. “Chủ đề xuyên suốt của chính phủ này là tăng cường và mở rộng quyền lực của chính phủ, và chắc chắn là chi tiêu lớn của chính phủ.”
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, khi Tổng thống Biden nhậm chức, “Cơ sở công nghiệp của Mỹ đã bị làm cho trống rỗng từ bên trong. Tầm nhìn về đầu tư công từng tiếp sinh lực cho dự án Mỹ trong những năm sau chiến tranh — và thực tế là trong phần lớn lịch sử của chúng ta — đã dần phai nhạt.”
Mặc dù chuyên về các vấn đề an ninh, nhưng ông Sullivan, người đã trở thành phát ngôn viên của Bidenomics, đã chỉ trích rất nhiều cái được gọi là “Trường phái kinh tế Reagan” (Reaganomics), hay một nền tảng chính sách cắt giảm thuế, tự do hóa thương mại, và giảm thiểu quy định.
Ông Sullivan cho biết trong một bài diễn văn hồi tháng Tư tại Viện Brookings: “Có một giả định trong cốt lõi của tất cả chính sách Reaganomics này: rằng các thị trường luôn phân bổ vốn một cách hiệu quả và năng suất.”
“Tổng thống Biden … tin rằng việc xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch của thế kỷ 21 là một trong những cơ hội tăng trưởng quan trọng nhất của thế kỷ 21,” ông nói, “nhưng để khai thác được cơ hội đó, nước Mỹ cần một chiến lược đầu tư thực tế, có chủ đích để thúc đẩy đổi mới, giảm chi phí, và tạo công ăn việc làm tốt.”
Bất chấp lập luận của chính phủ Tổng thống Biden rằng chính phủ ở vị thế tốt nhất để chỉ thị ngành công nghiệp tư nhân, một số nhà phê bình nói rằng chính sách công nghiệp của chính phủ có dấu hiệu lãng phí và thất bại.
Nhà đầu tư chính trị
“Chính phủ không làm việc trong lĩnh vực tạo ra những khoản đầu tư tốt,” nhà kinh tế học Arthur Laffer, cựu cố vấn của Tổng thống Ronald Reagan và Tổng thống Donald Trump cũng như Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, nói với The Epoch Times. “Đó không phải là điều họ nên làm.”
Ông Laffer nói: “Những người trong chính phủ không phải là các nhà đầu tư giỏi; họ là các nhà đầu tư chính trị.” Chính phủ càng tìm cách gây ảnh hưởng đến khu vực tư nhân bao nhiêu thì khu vực tư nhân càng tự định hướng sản xuất những gì chính phủ muốn bấy nhiêu, trái với những gì mà người tiêu dùng muốn.
Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế tại Đại học Johns Hopkins, nói với The Epoch Times: “Bidenomics không gì khác hơn là áp dụng sự can thiệp của chính phủ để hướng dẫn, chỉ thị và tái cấu trúc nền kinh tế theo cách mà Tòa Bạch Ốc cho rằng nền kinh tế nên được cấu trúc.”
“Loại chủ nghĩa can thiệp này được gọi là ‘chính sách công nghiệp’. Đó là chính sách mà chính phủ chọn người thắng kẻ thua bằng cách sử dụng các đòn bẩy trong chính sách của chính phủ, như trợ cấp thuế, quy định, thuế quan, hạn ngạch, và thậm chí là trực tiếp ban hành lệnh cấm.”
Các ví dụ gần đây về các khoản đầu tư mạo hiểm của chính phủ vào ngành công nghiệp tư nhân gồm có Solyndra, một nhà sản xuất tấm quang năng ở California. Công ty này đã nhận được mức bảo lãnh khoản vay liên bang trị giá 535 triệu USD từ chính phủ cựu Tổng thống Obama trước khi phá sản.
Theo Bidenomics, các nhà sản xuất xe hơi đang chịu tác động của một loạt yếu tố kết hợp giữa trợ cấp người tiêu dùng, trợ cấp sản xuất, và các quy định về khí thải ngày càng thắt chặt để chuyển hoạt động sản xuất của họ từ xe hơi và xe tải chạy bằng xăng sang xe điện (EV). Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng là có đủ lượng người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng EV để biện minh cho các khoản đầu tư này, hoặc bằng chứng là các nhà sản xuất xe hơi sẽ có thể cung cấp đủ lithium, cobalt, và các khoáng chất khác để chế tạo pin EV với số lượng lớn, hoặc là lưới điện của Hoa Kỳ có thể xây dựng thêm đủ công suất sản xuất điện mới và kết nối với đủ số lượng trạm sạc để sạc xe điện trên quy mô lớn.
Đồng thời, chính phủ Tổng thống Biden đang nỗ lực giảm sản lượng dầu mỏ, khí đốt, và than trong nước để chuyển sang phong năng và quang năng, với những vấn đề về nguồn cung tương tự mà các nhà sản xuất xe hơi phải đối mặt. Các khoáng chất cần thiết cho tuabin gió và tấm quang năng thường được khai thác ở các quốc gia có thể là không thân thiện với Hoa Kỳ, và điều này đã tạo ra sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, vốn là quốc gia kiểm soát hầu hết việc tinh chế các khoáng sản này.
Theo ông Hanke, người từng làm việc trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Reagan, “Bidenomics không có gì mới. Những người ủng hộ chính sách công nghiệp trong những năm 1980 từng xem Nhật Bản là hình mẫu cho chính sách công nghiệp, lập luận rằng chính sách này đã góp phần giúp Nhật Bản nổi lên như một cường quốc kinh tế sau Đệ nhị Thế chiến.”
“Nhưng kể từ ba thập niên mất mát mới đây nhất ở Nhật Bản, những người ủng hộ chính sách công nghiệp đã hoàn toàn im lặng,” ông Hanke nói. “Thật khó để tưởng tượng một cách đưa ra các quyết định sai lầm hơn là đặt những quyết định này vào tay những người không phải trả giá gì cho việc phạm sai lầm.”
Hàng ngàn tỷ dollar chi tiêu mới
Cho đến nay, chính phủ ông Biden đã quản lý hơn 4 ngàn tỷ USD chi tiêu mới, trong đó 1.6 ngàn tỷ USD đã được Quốc hội thông qua trên cơ sở đảng phái, 1.4 ngàn tỷ USD đã được thông qua trên cơ sở lưỡng đảng, và 1.1 ngàn tỷ USD khác đến từ các hoạt động điều hành của ông Biden. Bất chấp việc chi tiêu này, Tòa Bạch Ốc đã tuyên bố hồi tháng Ba rằng “Ngân sách của Tổng thống cải thiện triển vọng tài khóa bằng cách giảm thâm hụt gần 3 ngàn tỷ USD trong thập niên tới.”
Tuy nhiên, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) lại nhìn nhận vấn đề theo cách khác.
“Theo ngân sách của Tổng thống cho năm tài khóa 2023, nợ công sẽ tăng thêm 16 ngàn tỷ USD trong mười năm, tương đương 50,000 USD nợ trên mỗi công dân Mỹ,” CBO loan báo hồi tháng Ba. “Theo dự đoán hiện tại của CBO, tổng nợ liên bang sẽ tăng từ 31 ngàn tỷ USD hiện nay (123% GDP) lên 52 ngàn tỷ USD (132% GDP) vào năm 2033.”
“Có lẽ phần tồi tệ nhất của Bidenomics là sự gia tăng quá lớn trong chi tiêu,” ông Laffer nói. “Tôi không bao giờ có thể hình dung được có ai lại tiêu xài hoang phí như vậy.”
“Nếu quý vị nhìn vào tỷ lệ nợ quốc gia trên GDP hoặc bất kỳ thước đo nào khác, thì những con số đó đã tăng lên rất nhiều,” ông nói. “Đây là một sự đảo ngược nghiêm trọng đối với những gì là kinh tế học tốt.”
Chính sách thuế dưới thời ông Biden
Ông Biden từng nói, “Bốn mươi năm phân phát các khoản giảm thuế quá mức cho những người giàu có và các tập đoàn lớn đã đổ bể.” Trái lại, Bidenomics “xây dựng một nền kinh tế từ dưới lên và từ trong ra ngoài, chứ không phải từ trên xuống.”
Trong khi hầu hết các đợt tăng thuế mà ông Biden kêu gọi cho đến nay đều không được Quốc hội thông qua, những các nhà phê bình cho rằng dù sao người Mỹ cũng đã trải qua những đợt tăng thuế đáng kể, do một hiện tượng kinh tế khác mang tên tổng thống: “Bidenflation” (Lạm phát Biden).
Ông Laffer nói: “Lạm phát xảy ra dưới thời ông Biden đã đẩy thuế suất lợi tức tăng giá tài sản hoặc đầu tư lên cao, bởi vì chúng ta có những khoản lãi vốn ảo hiện phải chịu thuế lợi tức tăng giá tài sản hoặc đầu tư.” Ông cho hay, do lạm phát, nên giá trị danh nghĩa của tài sản đã tăng lên đáng kể, mặc dù xét về sức mua thì “vẫn là như cũ thôi.”
Thực tế này dẫn đến việc “thuế đánh vào lợi tức ảo về tăng giá tài sản hoặc đầu tư,” ông nói. Lạm phát cũng đẩy người Mỹ vào khung thuế thu nhập cao hơn, mặc dù thực tế là mức tăng lương thường không theo kịp với giá cả tăng, khiến người Mỹ nghèo hơn nhưng phải đối mặt với các nghĩa vụ thuế cao hơn.
“Nếu quý vị nhìn vào thuế suất doanh nghiệp, thì vẫn là như khi ông Trump rời đi; và khi quý vị nhìn vào mức thuế thu nhập cá nhân, thì mức cao nhất vẫn là 37%.” ông Laffer nói. “Nhưng nếu quý vị nhìn vào mọi mức tăng thuế do lạm phát gây ra, thì chúng khá đáng kể.”
Và các loại tiền thuế tăng thêm này bổ sung cho lạm phát (trên thực tế cũng có thể xem như một loại thuế), làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ khi đồng USD mất đi giá trị. Lạm phát được xem là lý do chính khiến 76% người Mỹ được hỏi trong một cuộc khảo sát do The Associated Press và Đại học Chicago thực hiện hồi tháng Năm có quan điểm tiêu cực về các chính sách kinh tế của ông Biden.
Ông Laffer nói: “Không có gì có thể khiến nền kinh tế sụp đổ nhanh hơn, và tổn thất lớn hơn, là tiền giấy mất giá trị một cách không kiểm soát và lạm phát cao.”
Dưới các chính sách Bidenomics, Tòa Bạch Ốc khẳng định, “Nước Mỹ đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh nhất kể từ sau đại dịch của bất kỳ nền kinh tế hàng đầu nào trên thế giới. Lạm phát đã giảm trong 11 tháng liên tiếp và đã giảm hơn một nửa.”
Tuy nhiên, như thường thấy với số liệu thống kê, các số liệu là nổi bật trong khoảng thời gian quý vị xem xét. Mặc dù tỷ lệ lạm phát chính thức, đo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đã giảm từ mức cao 9.1% hồi tháng 06/2022 xuống mức hiện tại là khoảng 4%, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch là dưới 2%.
Mặc dù chính phủ ông Biden đã đổ lỗi cho việc Nga xâm lược Ukraine, nhưng nhiều người cho rằng mức chi tiêu chưa từng có của chính phủ, cùng với các chính sách làm nản lòng việc sản xuất dầu và khí đốt — khiến chi phí xăng và dầu diesel, phân bón, thực phẩm, và vận tải tăng lên — mới là nguyên nhân làm giá cả leo thang.
Câu chuyện diễn ra tương tự với tăng trưởng kinh tế dưới thời ông Biden. Sau khi GDP của Hoa Kỳ giảm 2.8% vào năm 2020 do đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa của chính phủ, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại với mức tăng trưởng GDP dương 5.9% vào năm 2021, sau khi các biện pháp phong tỏa một thời được dỡ bỏ và các doanh nghiệp đổ xô vào việc tái tuyển dụng những người lao động bị sa thải.
Tuy nhiên, sau sự bùng nổ này, Hoa Kỳ đã hoạt động kém hiệu quả so với hầu hết các quốc gia công nghiệp khác. Theo Ngân hàng Thế giới, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu trung bình năm 2022 là 3.1%, thì tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ năm 2022 đã bị chậm lại so với phần còn lại của thế giới, chỉ ở mức 2.1%. Trong số “các nền kinh tế hàng đầu”, GDP của Vương quốc Anh đã tăng 4.1%; GDP của Pháp tăng 2.6%; GDP của Thụy Điển tăng 2.6%; GDP của Tây Ban Nha tăng 5.5%; GDP của Mexico tăng 3.1%; và GDP của Canada tăng 3.4%. Đức, có GDP ở mức 1.8%, là một trong số ít các quốc gia công nghiệp phát triển có hiệu quả kém hơn Hoa Kỳ.
Đáng chú ý là, GDP cũng gồm cả chi tiêu của chính phủ, vốn cũng đã chạm mức kỷ lục dưới thời chính phủ ông Biden.
Việc làm vẫn là một điểm sáng
Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, “dưới các chính sách Bidenomics, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới 4%,” và lượng việc làm dồi dào chắc chắn là một trong những điểm sáng của nền kinh tế hiện tại. Tuy nhiên, tại đây cũng vậy, các nhà bình luận cho rằng vẫn có những góc khuất.
Tỷ lệ tham gia lao động (tỷ lệ phần trăm những người khỏe mạnh tìm kiếm việc làm) đã chạm mức cao trên 67% vào năm 2000. Tỷ lệ này đã giảm xuống mức thấp 62.5% vào năm 2015, trước khi tăng trở lại 63.3% vào năm 2020, dưới thời cựu Tổng thống Trump. Sau đó, tỷ lệ này đã giảm mạnh xuống 60% trong thời kỳ đại dịch và hiện ở mức 62.6% dưới thời ông Biden, bằng với mức dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Obama.
Nhiều người cho rằng việc mở rộng các chương trình xã hội và trợ cấp thất nghiệp là nguyên nhân khiến người Mỹ rời bỏ thị trường lao động. Xu hướng này cũng làm cho tỷ lệ thất nghiệp dường như thấp hơn bởi những người ngay cả việc làm cũng không đi tìm kiếm không được thống kê trong tỷ lệ thất nghiệp.
“Việc khuyến khích mọi người không làm việc đã làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, đó mới là sự thật,” ông Laffer nói. “Chính sách của ông Biden cũng đã làm giảm tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động. Chính sách này làm giảm cả tỷ lệ làm việc và tỷ lệ thất nghiệp, vốn đi ngược lại với những gì chúng ta mong muốn ở một nền kinh tế lành mạnh.”
Món hời cho giới siêu giàu
Ông Biden tuyên bố rằng việc cắt giảm thuế dưới thời ông Reagan chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và “xóa sổ tầng lớp trung lưu”. Trái lại, theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, thì một trụ cột trung tâm của Bidenomics là “trao quyền và giáo dục người lao động để phát triển tầng lớp trung lưu.”
Nhưng một số nhà kinh tế lập luận rằng ông Biden đã làm ngược lại, rằng sự can thiệp của chính phủ khiến nền kinh tế tư nhân thậm chí còn giống một trò chơi nội gián [cho người giàu] hơn với chi phí mà thường dân Mỹ gánh chịu.
Ông Hanke nói: “Một điều chúng tôi biết chắc chắn về chính phủ toàn trị và chi tiêu của chính phủ nhiều hơn là chính phủ này cung cấp một món hời cho tầng lớp siêu giàu, đang tìm kiếm đặc lợi.”
“Sự gia tăng chi tiêu của chính phủ trong 5 năm qua đã dẫn đến sự gia tăng lớn về tài sản của các tỷ phú Mỹ, từ 15 lên 18% GDP,” ông nói. “Quá lố cho các lập luận về bình đẳng được trải ra cho Bidenomics.”
“Ngày nay, cách tốt nhất để kiếm lợi nhuận trong khu vực tư nhân là vận động được chính phủ ký một hợp đồng hoặc một quy định có lợi cho quý vị,” ông Laffer nói. “Nếu quý vị nói với một doanh nghiệp chuyên tìm kiếm lợi nhuận, rằng quý vị có thể kiếm được nhiều lợi nhuận nhất bằng cách vận động hành lang chính phủ, thì tất nhiên, họ sẽ làm điều đó.”
Quy định và quyền lực tập trung
Thành phần chính khác của Bidenomics là sự gia tăng mạnh mẽ quy định của chính phủ. Điều này bao gồm các quy định về khí thải hà khắc mới từ Cục Bảo vệ Môi trường (EPA), các quy định về thiết bị mới từ Bộ Năng lượng (DOE), và các yêu cầu mới của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) về việc lập báo cáo kiểm toán về lượng khí thải CO2 cho tất cả các công ty niêm yết.
Một báo cáo hồi tháng Sáu của Ủy ban Khai mở Thịnh vượng ước tính rằng chi phí gia tăng từ các quy định quản lý mới của ông Biden, “trong đó có chi phí hiện tại và dự kiến trong tương lai, lên tới gần 10,000 USD cho mỗi gia đình.” Ngược lại, nghiên cứu này cho biết, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã giảm chi phí pháp lý 11,000 USD cho mỗi gia đình người Mỹ.
Báo cáo cho biết, theo báo cáo của chính các cơ quan liên bang, chi phí cho các quy định mới mà họ đang thực hiện dưới thời ông Biden lên tới 173 tỷ USD mỗi năm, mặc dù báo cáo này ước tính rằng chi phí thực ra cao hơn nhiều, ở mức 616 tỷ USD mỗi năm.
Ngoài chi phí, các nhà bình luận còn cáo buộc rằng chính phủ ông Biden đặc biệt tích cực trong việc cố gắng tập trung quyền lực vào các cơ quan liên bang trong khi giảm quyền lực của chính phủ địa phương.
Ông Williams nói: “Một trong những lời chỉ trích lớn nhất của chúng tôi đối với nghị trình chính sách này của chính phủ là mọi thứ đều có một điểm chung là cố gắng liên bang hóa các quyết định tại Hoa Thịnh Đốn, và chính phủ trung ương thay vì cho phép các tiểu bang cạnh tranh với nhau.” Chính phủ ông Biden đang “thay đổi cấu trúc động lực cho nhiều tiểu bang nhằm thúc đẩy một nghị trình chính phủ toàn trị.”
Trong lịch sử, các tiểu bang của Mỹ được tự do cạnh tranh với nhau về các chính sách, và điều này đã cho phép thử nghiệm những gì có tác dụng tốt nhất. Doanh nghiệp và người lao động thường phản ứng bằng cách đầu tư và chuyển đến các tiểu bang cung cấp các điều kiện hấp dẫn nhất về chi phí sinh hoạt, thuế suất, quy định, và chất lượng cuộc sống, và trong vài năm qua chúng ta đã chứng kiến cơn lũ rời bỏ các tiểu bang cấp tiến như California, New York, và Illinois, để chuyển sang các tiểu bang theo phái bảo tồn truyền thống như Texas và Florida.
“Nghị trình chính sách [của ông Biden] là làm suy yếu quyền tự chủ của tiểu bang và chủ nghĩa liên bang (chủ quyền của các tiểu bang được pháp luật bảo hộ và không thể bị quản lý bởi một quyết định đơn phương nào của chính phủ trung ương) bất cứ khi nào có thể, cho dù đó là việc liên bang hóa các cuộc bầu cử, cấm các luật của tiểu bang về quyền được không tham gia nghiệp đoàn [hay] nói với các tiểu bang rằng họ không thể cắt giảm thuế nếu nhận tiền cứu trợ của liên bang,” ông William nói. “Chính phủ ông Biden đã bơm ngập ngân sách tiểu bang với số tiền viện trợ liên bang chưa từng có.”