Khả năng chi trả – chứ không phải việc làm – mới là chìa khóa của nền kinh tế
Khi những thách thức đối với nền kinh tế ngày càng thiên biến vạn hóa, các chính trị gia không biết tập trung vào những gì thực sự gây tổn hại cho người dân Mỹ.
Từ xưa đến nay, thất nghiệp và việc làm là những chỉ số chính về sức khỏe nền kinh tế. Trong hầu hết các cuộc bầu cử, các ứng cử viên hoặc là ca ngợi những việc làm đã được tạo ra kể từ khi họ đắc cử hoặc là chỉ trích số lượng người thất nghiệp ngày càng tăng.
Mô hình tương tự đã được áp dụng để phân tích nền kinh tế này cho cuộc bầu cử năm 2024 sắp tới. Tuy nhiên, mô hình đó có thể đặt sai trọng tâm.
Nỗi đau thực sự của nền kinh tế Mỹ năm 2023 không phải là tình trạng thất nghiệp, mà đó là khả năng chi trả.
Chính sách đổ nợ lên người dân Mỹ và tăng chi tiêu thâm hụt của Tổng thống Joe Biden đang tạo ra một cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả. Mọi người ai cũng có việc làm — nhưng họ chỉ đơn giản là không có đủ khả năng chi trả cho bất cứ thứ gì.
Winston Group đã phát triển một phép đo mới để giải thích hiện tượng này: Tỷ lệ Lạm phát Tổng thống (PIR). Hầu hết các nhà phân tích đều nói về lạm phát như một con số phản ánh tỷ lệ theo năm, nhưng điều này làm mờ đi việc giá cả đã tăng theo thời gian là bao nhiêu.
Winston Group theo dõi tỷ lệ lạm phát kể từ ngày một vị Tổng thống lên nhậm chức. Mức độ lạm phát tăng lên trong một nhiệm kỳ tổng thống là kết quả chính của Tỷ lệ Lạm phát Tổng thống.
Theo phân tích của Winston Group, Tổng thống Biden chỉ đứng sau Tổng thống Jimmy Carter về tỷ lệ lạm phát hiện đại từ khi nhậm chức đến tháng Bảy của năm thứ ba ông nắm quyền. Cụ thể, lạm phát đã tăng 16.9% kể từ khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức. Con số này gấp ba lần Tỷ lệ Lạm phát Tổng thống của Tổng thống Donald Trump trong cùng một khung thời gian (5.7%). Tổng thống Carter đã ở mức lạm phát 25% trong ba năm đầu tiên — nhưng mọi tổng thống gần đây khác đều có mức lạm phát thấp hơn ông Biden.
Tỷ lệ lạm phát theo năm không đánh giá được hết mức độ đau khổ mà người dân Mỹ phải trải qua. Nếu nhìn vào phép đo Tỷ lệ Lạm phát Tổng thống của Winston Group, quý vị sẽ thấy giá thực phẩm dưới thời Tổng thống Biden tăng lên 19.4%. Giá điện tăng lên 25.6%. Giá xăng tăng lên 53.4%.
Để chống lại sự gia tăng lạm phát dưới thời ông Biden, Cục Dự trữ Liên bang đã áp dụng chiến lược tăng lãi suất từ phía cầu. Lý thuyết thì đơn giản: Tạo ra nỗi khổ cho người dân Mỹ để chúng ta giảm chi tiêu lại. Cuối cùng, việc này sẽ làm giảm lạm phát.
Dưới thời Tổng thống Biden, chiến lược trọng cầu cổ điển này không còn hiệu quả. Chính phủ đang vay rất nhiều tiền — và chi tiêu số tiền đó quá phung phí — nên nhu cầu vẫn sẽ duy trì ngay cả khi Fed cố gắng bóp nghẹt khu vực tư nhân.
Trường phái kinh tế Biden (Bidenomics) đang thúc đẩy lạm phát kiểu Biden và tạo ra một cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả cho hầu hết người Mỹ.
Quý vị có thể có việc làm — nhưng có thể quý vị không được tăng lương. Trong khi đó, giá thành của mọi thứ quý vị mua đều tăng lên.
Chỉ trong vài tuần vừa qua, giá xăng đã tăng vọt 0.30 USD một gallon lên mức trung bình là 3.87 USD cho xăng thông thường và 4.62 USD cho xăng cao cấp. Mức giá đó tăng so với mức 2.42 USD cho xăng thông thường khi Tổng thống Trump rời nhiệm sở. Đó là mức tăng 60 phần trăm trong giá thành của vật phẩm mà hầu như người Mỹ nào cũng phải mua. Đây thực sự là một khoản tăng thuế khổng lồ đối với hầu hết những người Mỹ đang đi làm. Tuy nhiên, năng lượng không phải là nguyên nhân lớn nhất gây ra đau khổ.
Thông thường, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc tăng lãi suất từ phía cầu là nhà ở. Lãi suất thế chấp hiện nay là trên 7 phần trăm, một con số mà New York Times báo cáo là tỷ lệ cao nhất trong 21 năm (1982). Khi lãi suất thế chấp tăng, thì chi phí mua nhà cũng tăng cao hơn nhiều. Giá trị nhà giảm, bởi vì mọi người không thể trả được mức chi phí thế chấp cao hơn nhiều hiện nay. Khi ông Trump rời nhiệm sở hồi tháng 01/2021, các khoản thế chấp trung bình là 2.65% — mức thấp nhất trong 30 năm. Hiện nay con số đó đã tăng gần gấp ba. Sự khác biệt về giá được đo lường trong 20 hoặc 30 năm trở lại đây là điều đáng kinh ngạc. Điều này thực sự đã ngăn cách hầu hết mọi người với thị trường nhà ở. Họ chỉ đơn giản là không đủ khả năng chi trả.
Ngoài ra, việc trường phái kinh tế Biden cố ý tăng lãi suất thế chấp đã làm giảm giá trị nhà của hàng triệu người Mỹ có nhà là khoản tiết kiệm hưu trí chính. Vì vậy, trường phái kinh tế Biden đang làm suy kiệt những người trẻ không đủ khả năng mua một ngôi nhà mới — và những người cao niên đang chứng kiến khoản tiết kiệm cả đời của họ thu nhỏ lại do chi phí cao hơn và giá trị căn nhà thấp hơn.
Cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả này đang bắt đầu trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với cách mọi người đo lường nền kinh tế dưới thời ông Biden. Một cuộc thăm dò mới của Emerson đối với cử tri New Hampshire cho thấy tầm quan trọng của “khả năng chi trả nhà ở” tăng vọt. Đây là vấn đề lớn thứ hai trong cuộc khảo sát.
Nền kinh tế là yếu tố dẫn đầu danh sách người được khảo sát ở mức 32%. Tuy nhiên, cứ 1 trong 5 (21%) người được khảo sát xác định khả năng chi trả cho nhà ở là mối quan tâm hàng đầu của họ. Đối với cử tri dưới 50 tuổi, khả năng chi trả nhà ở là vấn đề hàng đầu.
Khi cuộc bầu cử năm 2024 đến gần, nhiều người Mỹ có thể đưa ra quyết định là họ thực sự không thể chi trả theo trường phái kinh tế Biden.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times