Trưởng nhóm khoa học mới của WHO thực hiện thay đổi quan trọng đối với bài báo tuyên bố COVID-19 không đến từ phòng thí nghiệm
Một thư điện tử được tiết lộ gần đây cho biết trưởng nhóm khoa học mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thực hiện một thay đổi quan trọng đối với một bài báo nghiên cứu có ảnh hưởng năm 2020 vốn tuyên bố rằng giả thuyết COVID-19 đến từ phòng thí nghiệm là “không có khả năng đúng.”
Theo một thư điện tử do Tiểu ban Đặc biệt Hạ viện Hoa Kỳ về Đại dịch Virus Corona công bố hôm 05/03, ông Jeremy Farrar, trưởng nhóm khoa học, được ghi nhận trong một tin nhắn vì đã giúp hướng dẫn bài báo về nguồn gốc của COVID-19 này.
“Cảm ơn vì đã hướng dẫn bài viết này. Những tin đồn về vũ khí sinh học hiện đang lan truyền ở Trung Quốc,” Tiến sĩ Ian Lipkin, giáo sư Đại học Columbia, đã viết cho ông Farrar trong tin nhắn trên.
“Vâng, tôi biết và ở Hoa Kỳ – tại sao lại muốn đưa ra [thông tin này] càng sớm càng tốt. Tôi sẽ thúc đẩy nguồn gốc tự nhiên,” ông Farrar trả lời.
Trong bài báo trước đây vào năm 2020, ông Lipkin và bốn đồng tác giả đã tuyên bố: “Không thể có chuyện SARS-CoV-2 xuất hiện thông qua hoạt động trong phòng thí nghiệm đối với một loại virus corona có liên quan giống SARS-CoV.”
SARS-CoV-2 là một tên của virus gây ra COVID-19.
Tiểu ban Hạ viện phát hiện một bản thảo của bài báo này, do tạp chí Nature công bố, có chứa một từ khác.
“Xin lỗi về việc/chỉnh sửa nhỏ! Nhưng anh có sẵn sàng thay đổi một câu không?” ông Farrar đã viết thư cho ông Kristian Andersen, đồng tác giả của bài báo trên, trong một thư điện tử chỉ một ngày trước khi phát hành.
Thư điện tử này cho biết, ông Farrar đã yêu cầu thay từ “không có khả năng đúng” vào vị trí của từ “không có khả năng xảy ra.”
“Chắc chắn rồi,” ông Andersen phản hồi.
Bài báo này cũng tuyên bố rằng “SARS-CoV-2 không phải là một sản phẩm trong phòng thí nghiệm” và rằng “chúng tôi tin rằng không có bất kỳ loại kịch bản dựa trên phòng thí nghiệm nào là hợp lý.”
Tiểu ban Hạ viện cho biết, “Bằng chứng này cho thấy rằng Tiến sĩ Farrar đã tham gia nhiều hơn vào việc soạn thảo và phát hành tài liệu Nguồn gốc Gần kề (Proximal Origin) hơn những gì được biết trước đây và có thể đáng lẽ phải được ghi nhận hoặc thừa nhận về sự tham gia này.”
Khi một đề nghị bình luận được gửi tới ông Farrar, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng ông vẫn chưa bắt đầu ở vị trí mới của mình.
Vào thời điểm gửi những tin nhắn trên, khoa học gia người Anh này là người đứng đầu Wellcome Trust, một tổ chức kiểm soát hàng triệu dollar tài trợ cho nghiên cứu ở Anh.
Hôm 13/12/2022, WHO đã thông báo ông Farrar sẽ là trưởng nhóm khoa học tiếp theo và ông sẽ bắt đầu làm việc vào quý 2 năm 2023. Tổ chức Wellcome đã không phúc đáp yêu cầu bình luận, họ tuyên bố rằng ông Farrar sẽ rời [khỏi tổ chức này] vào năm 2023.
Hội nghị trực tuyến bí mật
Các thư điện tử được công bố trước đó cho thấy ông Farrar đã giúp sắp xếp một cuộc họp bí mật trực tuyến vào ngày 01/02/2020 với Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, để thảo luận về nguồn gốc của COVID-19.
Một số người tham gia cho biết các chi tiết về SARS-CoV-2 cho thấy virus này không có nguồn gốc từ tự nhiên, mặc dù những người khác ủng hộ thuyết nguồn gốc tự nhiên.
Ông Anderson là một trong số những người đi đầu ủng hộ thuyết này, viết rằng “một số tính năng (có khả năng) trông có vẻ như đã được [con người] tạo ra.”
Lời kêu gọi được đưa ra sau một báo cáo nêu rõ khả năng rằng virus này đã rò rỉ hoặc được thả ra từ một phòng thí nghiệm hàng đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi các trường hợp COVID-19 đầu tiên được phát hiện vào năm 2019.
Các nhà khoa học tham gia lời kêu gọi trên sau đó đã viết bài báo về Nguồn Gốc Gần kề và một bức thư đăng trên The Lancet có nội dung: “Chúng tôi đồng lòng lên án mạnh mẽ các thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 không có một nguồn gốc tự nhiên.”
Ông Farrar được liệt kê là một đồng tác giả của bức thư trên nhưng không được liệt kê là một đồng tác giả hoặc người đóng góp cho bài báo. Ông Fauci cũng vậy, mặc dù ông Andersen đã tuyên bố trong một thư điện tử mới được công bố khác rằng bài báo này đã được ông Farrar, ông Fauci, và những người khác “thúc đẩy,” trong đó có cả Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đương thời, Tiến sĩ Francis Collins, và ông Lipkin. Bằng chứng trước đây cũng cho thấy hai ông Fauci và Collins nhận được một bản thảo của bài báo và đặt câu hỏi về một đoạn quan trọng, với các đề nghị của họ về việc đưa câu hỏi đó vào bài báo đã được phát hành này.
Ngay sau khi những bài báo này được phát hành, từ bục Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, ông Fauci cho biết “một nhà virus học về tiến hóa có trình độ cao” đã nghiên cứu virus này và kết luận bằng chứng “hoàn toàn phù hợp với một sự lây truyền của một loài từ động vật sang người.” Ông cũng cho biết thêm ông không thể nhớ tên của bất kỳ tác giả nào, nhưng nói với các phóng viên rằng “chúng tôi có thể cung cấp [bài báo] đó cho quý vị.”
Cơ quan của ông Fauci đã gửi tiền đến phòng thí nghiệm Vũ Hán thông qua một bên trung gian. Một số thí nghiệm được tài trợ bằng khoản tiền này đã làm tăng độc lực của một loại virus dơi đã biến đổi.
Lập trường mềm mỏng
Kể từ đó, một số nhà khoa học đã có quan điểm mềm mỏng hơn đối với thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, khi thời gian trôi qua mà không có bất kỳ xác định nào về một động vật chủ cho lý thuyết nguồn gốc tự nhiên.
Ông Farrar nói với The Epoch Times hồi năm 2021 rằng “bằng chứng khoa học tốt nhất hiện có” ủng hộ một nguồn gốc tự nhiên, nhưng thừa nhận “có những khả năng khác vốn không thể loại trừ hoàn toàn và giữ một tư duy cởi mở là rất quan trọng.”
Tiến sĩ Peter Palese, một nhà vi trùng học Hoa Kỳ, người đã ký vào lá thư trên tạp chí Lancet, cho biết ông ủng hộ một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus này.
Tiểu ban mới của Hạ viện đã tuyên bố sẽ điều tra vấn đề này, sau khi vấn đề này bị Đảng Dân Chủ gần như hoàn toàn phớt lờ trong Quốc hội nhiệm kỳ trước.
Tương tự như cộng đồng khoa học, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ bị chia rẽ về chủ đề này, nhưng nhiều người cho rằng bằng chứng ủng hộ lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm.
Trong đó bao gồm cả FBI.
Giám đốc Christopher Wray, một người được ông Trump bổ nhiệm, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “FBI đã đánh giá từ khá lâu rằng nguồn gốc của đại dịch [nguyên văn] rất có khả năng là một sự cố phòng thí nghiệm tiềm ẩn ở Vũ Hán.”
Bộ Năng lượng cũng đã thay đổi quan điểm và cho rằng nhiều khả năng nguồn gốc của virus này là từ phòng thí nghiệm.
Hôm 03/03, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia có thông tin về nguồn gốc này hãy chia sẻ với cả WHO và cộng đồng khoa học quốc tế.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times