Tổng Giám đốc WHO: Việc truy tìm nguồn gốc COVID vẫn là một ‘sự thôi thúc về đạo đức’
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc tìm ra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 là một “sự thôi thúc về đạo đức.” Đại dịch này đã gây ra hàng triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong khi Bắc Kinh tiếp tục gây khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu quan trọng với thế giới.
Đánh dấu ba năm xảy ra đại dịch, hôm 11/03, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố “tất cả các giả thuyết” về COVID-19 phải được khám phá để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.
Ông viết trên Twitter, “Hiểu nguồn gốc của #COVID19 và khám phá tất cả các giả thuyết vẫn là: một sự thôi thúc về khoa học, để giúp chúng ta ngăn chặn những đợt bùng phát trong tương lai [và] một sự thôi thúc về đạo đức, vì lợi ích của hàng triệu người đã tử vong và những người sống chung với #LongCOVID.”
Ông Tedros cho biết WHO sẽ tiếp tục thúc đẩy quyền tiếp cận công bằng đối với các công cụ cứu sinh cho tất cả các quốc gia.
Hôm 11/03, Liên minh Vaccine của Người dân, một liên minh gồm hơn 100 tổ chức, đã đưa ra một lá thư chung kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới suy ngẫm về những sai lầm đã mắc phải trong việc ứng phó với đại dịch này và có hành động khắc phục ngay lập tức.
Liên minh này tuyên bố rằng thay vì cung cấp vaccine dựa trên nhu cầu, các công ty dược phẩm đã tối đa hóa lợi nhuận của họ bằng cách bán các liều vaccine cho các quốc gia giàu nhất trước, bỏ lại đằng sau hàng tỷ người ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Theo tuyên bố trên, “Nếu các chính phủ lắng nghe khoa học và chia sẻ vaccine một cách công bằng với thế giới, thì người ta ước tính rằng ít nhất 1.3 triệu người có thể đã được cứu sống chỉ riêng trong năm đầu tiên khai triển vaccine, hoặc cứ sau 24 giây lại có một ca tử vong có thể ngăn ngừa được.”
“Chúng ta đã ở giai đoạn này trước đây. Vào lúc đỉnh điểm của đại dịch HIVAIDS, hàng triệu người đã tử vong vì các phương pháp điều trị đắt tiền, được cấp bằng sáng chế mà hầu hết mọi người trên thế giới đều không có khả năng chi trả.”
Ba năm đã trôi qua kể từ khi WHO tuyên bố đợt bùng phát COVID-19 là đại dịch toàn cầu hồi tháng 03/2020, thì vẫn còn đó các câu hỏi về nguồn gốc của virus này khi Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ dữ liệu liên quan với các nhà điều tra độc lập.
Các cuộc điều tra của Hoa Kỳ
Ông Tedros trước đó đã kêu gọi bất kỳ quốc gia nào có thông tin về nguồn gốc của COVID-19 thì hãy công bố [thông tin đó] sau khi một số quan chức Hoa Kỳ cho biết rất có thể virus này đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Hồi cuối tháng Hai, Giám đốc FBI Christopher Wray nói với Fox News rằng cơ quan này đã xác định rằng nguồn gốc của đại dịch COVID-19 “rất có khả năng là một tai nạn phòng thí nghiệm ở Vũ Hán,” Trung Quốc.
Ông Wray lưu ý rằng cuộc điều tra của cơ quan này vẫn là bảo mật và ông không thể chia sẻ nhiều chi tiết. Ông cũng cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không hợp tác với các nỗ lực của Hoa Kỳ.
“Tôi sẽ chỉ đưa ra quan sát rằng chính quyền Trung Quốc, đối với tôi, dường như đã cố gắng hết sức để cố gắng cản trở và gây khó khăn cho công việc ở đây,” ông Wray cho hay. “Công việc mà chính phủ Hoa Kỳ và các đồng minh ngoại quốc thân thiết của chúng tôi đang thực hiện. Và đó là điều không may cho tất cả mọi người.”
Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận hồi cuối năm 2019 tại Vũ Hán. ĐCSTQ đã không thừa nhận virus này có thể lây truyền từ người sang người cho đến tháng 01/2020, khi các quan chức tuyên bố rằng virus này lần đầu tiên được lây truyền ở một chợ hải sản tại thành phố trên — một giả thuyết mà không tìm được bằng chứng nào để chứng minh.
Một nhóm điều tra viên của WHO đã bị ĐCSTQ cản trở không cho điều tra nguồn gốc của virus hồi năm 2021.
WHO kêu gọi sự minh bạch từ Trung Quốc
Hồi tháng Hai, ông Tedros cho biết WHO không muốn đổ lỗi cho bất kỳ chính phủ hay tổ chức nào mà đúng hơn là để “nâng cao hiểu biết của chúng ta về cách đại dịch này bắt đầu để chúng ta có thể ngăn chặn, chuẩn bị, và ứng phó với các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai.”
“WHO tiếp tục kêu gọi Trung Quốc minh bạch trong việc chia sẻ dữ liệu và tiến hành các cuộc điều tra cần thiết cũng như chia sẻ các kết quả,” ông Tedros, người đã bị chỉ trích vì có các mối liên hệ với ĐCSTQ, cho biết. “Cho đến lúc đó, tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của virus này vẫn còn cần xem xét.”
Trước đó trong đại dịch, WHO đã bị chỉ trích sau khi ông Tedros và các quan chức khác ca ngợi ĐCSTQ vì “sự minh bạch” trong việc ứng phó với COVID-19.
Bản tin có sự đóng góp của Jack Phillips
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times