Trung Quốc và Hồng Kông có phản ứng trái ngược trước việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ
Trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, các ngân hàng trung ương của Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã chọn phản ứng theo các cách đối nghịch nhau, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ, trong đó Trung Quốc thì nới lỏng chính sách tiền tệ, còn Hồng Kông thì tăng lãi suất.
Hôm 15/06, Fed đã nâng mức lãi suất tín dụng chính lên 75 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất trong 28 năm. Ngày hôm sau, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất chuẩn lên 25 điểm cơ bản, lần thứ năm trong năm 2022.
Sau hành động này của Fed, Cục Quản lý Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), ngân hàng trung ương của thành phố, cũng đã điều chỉnh mức lãi suất cơ bản lên 75 điểm cơ bản.
Giám đốc điều hành HKMA, ông Dư Vỹ Văn (Eddie Yue), nhận xét hôm 16/06 sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang của Fed: “Khi Hoa Kỳ tăng lãi suất một lần nữa, những người tham gia thị trường sẽ có động lực để thực hiện các giao dịch chuyển nhượng khi chênh lệch lãi suất HKD và USD đủ rộng, thúc đẩy nguồn tiền dần dần chảy từ dollar Hồng Kông sang dollar Mỹ.”
Ông Dư nói thêm: “Mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản của Fed cao hơn mức dự kiến mà Fed đưa ra sau cuộc họp cuối cùng của mình, chủ yếu do dữ liệu lạm phát mới nhất của Hoa Kỳ chạm mức cao nhất trong 40 năm qua, nhưng vẫn phù hợp với kỳ vọng gần đây của thị trường.”
Không giống như HKMA, ngân hàng trung ương Trung Quốc quyết định tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, theo tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc.
Trong một môi trường chính sách nới lỏng, ngân hàng trung ương hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tỷ giá thấp hơn dẫn đến người tiêu dùng đi vay nhiều hơn, làm tăng nguồn cung tiền. Mặt khác, môi trường thắt chặt chính sách tiền tệ, chẳng hạn như lãi suất tăng, nhằm mục đích giảm cung tiền để làm chậm hoặc giữ cho đồng nội tệ không bị lạm phát.
Ông Albert Song, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự và chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo chính sách tiền tệ nới lỏng do kinh tế nước này suy thoái nghiêm trọng vào tháng Tư và tháng Năm. Hành động này nhằm kích thích nền kinh tế đang suy yếu của nước này.
Ông Song nói thêm: “Tuy nhiên, chính sách kích thích phục hồi kinh tế đã được bù đắp bằng chính sách zero COVID của đất nước. Do đó, chúng tôi không thấy bất kỳ hiệu quả có ý nghĩa nào mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp kích thích kinh tế. Điều đó có nghĩa là cả công chúng và doanh nghiệp Trung Quốc đều thiếu tự tin.”
Địa ốc là yếu tố then chốt
Ngành địa ốc là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc nhờ vào những đóng góp gián tiếp và trực tiếp của ngành này, nhưng nó đã có xu hướng suy giảm kể từ năm 2021.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số thịnh vượng về nhà ở quốc gia đã giảm từ 101.18 điểm vào tháng Năm năm 2021 xuống 95.60 điểm vào tháng Năm năm 2022, một mức giảm đáng kể so với các năm trước.
Trong khi đó, hoạt động mua bán bất động sản, đầu tư và xây dựng mới giảm đáng kể trong năm tháng đầu năm 2022.
Doanh số bán bất động sản giảm 31.5% trong năm tháng đầu năm so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi hoạt động đầu tư và xây dựng mới lần lượt giảm 4% và 30.6%.
Với doanh số bán hàng sụt giảm, các khoản nợ ngắn hạn và thiếu nguồn tái cấp vốn ở hải ngoại, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản.
Theo Securities Daily, một hãng thông tấn do nhà nước Trung Quốc điều hành, trong khoảng thời gian từ ngày 01/06 đến 15/06, ít nhất 11 nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã thông báo bán các tài sản của họ, với tổng trị giá hơn 4.5 tỷ USD.
Quyết định bán tài sản này diễn ra khi nhiều thành phố đưa ra các biện pháp kích thích để “ổn định thị trường bất động sản.” Theo báo cáo, ít nhất 41 thành phố của Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn như vậy trong khoảng thời gian chín ngày hồi đầu tháng Sáu, một nỗ lực kích thích mạnh mẽ hơn so với tháng Tư và tháng Năm.
Tác động tiêu cực
Bà Lôi Chí Nhan (Adrienne Lui Chi-Ngan), một nhà kinh tế học của Citibank ở Hồng Kông, tin rằng thị trường bất động sản Hồng Kông có thể mất từ sáu đến chín tháng để tiêu hóa hết tác động tiêu cực từ việc thành phố này tăng lãi suất, được thúc đẩy bởi quyết định tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed. Theo The Standard, một tờ báo Anh ngữ của Hồng Kông, bà dự kiến giá bất động sản ở Hồng Kông sẽ giảm tới 10%.
Đối với Trung Quốc đại lục, ông Song cho biết thị trường bất động sản đã bão hòa so với Hồng Kông. Ông giải thích rằng thị trường bất động sản ngắn hạn phụ thuộc vào nền kinh tế hiện tại của đất nước, trong khi trung hạn phụ thuộc vào nguồn cung cấp đất đai.
Ông nói, “Thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể cải thiện trong quý ba do hiệu ứng chậm trễ của chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại nhằm kích thích nền kinh tế. Nhưng nếu không có cải thiện nào trong quý ba, thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể sẽ không tiến triển tốt hơn trong năm nay.”
Ông Song cũng đề cập đến sự khác biệt giữa các hệ thống tài chính của Hồng Kông và Trung Quốc, chẳng hạn như Hệ thống Tỷ giá Hối đoái Liên kết (LERS), được Hồng Kông thông qua vào ngày 17/10/1983.
Theo LERS, tỷ giá hối đoái từ USD sang HKD được HKMA quản lý trong khoảng từ 7.75 đến 7.85, mà ông Song tin rằng có thể khiến Hồng Kông gặp rủi ro tài chính cao hơn sau các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ và liên tục gần đây của Fed.
Đối với các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của Bắc Kinh, ông Song cho là nó có thể giảm thiểu rủi ro tài chính ở một mức độ nào đó, nhưng không có cách nào để ngăn dòng vốn ngoại quốc chảy ra khỏi đất nước.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Cô Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư, được điều hành trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.