Trung Quốc, UAE sẽ tổ chức cuộc tập trận không quân chung đầu tiên trong bối cảnh tăng cường bang giao
Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ tổ chức cuộc tập trận không quân chung đầu tiên vào tháng Tám để tăng cường hợp tác quân sự, một nước đi mà các nhà phân tích cho là gửi một thông điệp tới Hoa Kỳ về các lựa chọn an ninh của UAE.
Hôm thứ Hai (30/07), Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc tập trận chung Falcon Shield-2023 sẽ diễn ra ở tỉnh Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc, nhưng không nêu rõ thời gian diễn ra và phạm vi của cuộc tập trận.
“Đây là cuộc huấn luyện chung đầu tiên giữa cả hai lực lượng không quân, nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác thực tế giữa quân đội hai nước và tăng cường sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau,” bộ này cho biết trong một thông cáo báo chí.
Cuộc tập trận chung được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi là “một khởi đầu tốt” để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “tăng cường trao đổi quân sự và hợp tác với các nước ở Trung Đông.”
Các nhà phân tích cho rằng UAE có thể sử dụng cuộc tập trận chung với Trung Quốc để gửi “một thông điệp” tới Hoa Kỳ. Nhà phân tích quốc phòng Zafer Al Ajami nói với Breaking Defense rằng điều đó chứng tỏ rằng UAE “vẫn có các lựa chọn để quản lý an ninh [của họ] theo cách tốt nhất mà họ có thể nghĩ ra.”
Ông David Des Roches, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Cận Nam Á, nói rằng địa điểm được chọn cho cuộc tập trận cũng là một nguyên nhân gây lo ngại.
“Đây là một diễn biến khá đáng tiếc vì UAE dường như cố gắng chứng minh với Hoa Kỳ [rằng] họ có các lựa chọn. Nhưng rất có khả năng là ở đây có ít hơn những gì có thể thấy được,” ông Roches nói với hãng thông tấn này.
Ông Des Roches nhấn mạnh rằng UAE, một quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, đã chọn tham gia cuộc tập trận bất chấp việc Hoa Thịnh Đốn xác định rằng Bắc Kinh đã phạm tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở khu vực Tân Cương.
Ông nói: “Việc giới lãnh đạo của một quốc gia Hồi giáo tham gia các cuộc tập trận quân sự ở đất nước này trong hoàn cảnh như thế giúp Trung Quốc bình thường hóa hành vi như vậy, ngay cả khi họ xóa sổ một nền văn hóa Hồi giáo cổ xưa.”
Hồi tháng Năm, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tuyên bố rút khỏi liên minh hàng hải Lực lượng Hàng hải Liên hợp do Hoa Kỳ lãnh đạo nhưng khẳng định cam kết đối thoại và tham gia ngoại giao để bảo đảm an ninh khu vực.
Bộ Ngoại giao UAE tuyên bố: “Do chúng tôi liên tục đánh giá sự hợp tác an ninh hiệu quả với tất cả các đối tác, hai tháng trước, UAE đã rút không tham gia Lực lượng Hàng hải Liên hợp.”
Hồi tháng Hai, UAE cũng đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để mua phi cơ quân sự đa năng L-15 do Trung Quốc chế tạo, đánh dấu một sự thay đổi lớn so với thông lệ truyền thống của nước này là chỉ mua phi cơ quân sự phương Tây.
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông
Thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng Hòa-Oklahoma) cho biết sự gia tăng ngoại giao của ĐCSTQ ở Trung Đông, và quyết định của các cường quốc trong khu vực này thể hiện sự bất bình của họ với Hoa Kỳ thông qua chính sách ngoại giao như vậy, một phần xuất phát từ quyết định của chính phủ Tổng thống Biden khi rút các nguồn lực ra khỏi khu vực này để xoay trục theo hướng ưu tiên cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông nói thêm rằng sự thay đổi này khiến các nhà lãnh đạo ở Trung Đông không chắc chắn về cam kết của Hoa Kỳ và hoang mang về những gì quốc gia này thực sự sẽ sẵn sàng làm để ổn định và gắn kết với khu vực này.
“Không ai trong khu vực biết Mỹ đứng ở đâu với Iran,” ông Lankford nói trong một cuộc thảo luận hôm 23/03 với Viện Chính sách Nước Mỹ Trước tiên, một tổ chức tư vấn có khuynh hướng bảo tồn truyền thống.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times