Trung Quốc tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ khi người tiêu dùng tiếp tục do dự
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ vào năm 2023 nhằm kích thích tiêu dùng để thúc đẩy nền kinh tế và ổn định thị trường địa ốc, nhưng thị trường địa ốc vẫn suy giảm ở hầu hết các thành phố. Đồng thời, dữ liệu trong tháng Một cho thấy chi tiêu cơ sở hạ tầng của quốc gia này tiếp tục tăng cộng với một xu hướng tiết kiệm tiền của người dân Trung Quốc, mà điều đó có nghĩa là càng ít người sẵn sàng chi tiền vào địa ốc hơn trong môi trường kinh tế hiện tại.
Vào đầu năm 2023, lãi suất vay thế chấp đối với người mua nhà lần đầu ở Trung Quốc đã giảm trở lại ở nhiều vùng của đất nước này, và chênh lệch giữa lãi suất thế chấp hiện tại và lãi suất thế chấp mới tiếp tục gia tăng.
Giá địa ốc tiếp tục giảm ở nhiều thành phố. Hôm 16/02, Cục Thống kê Trung Quốc đã công bố dữ liệu về giá địa ốc trong tháng Một, tiết lộ rằng giá bên ngoài các trung tâm dân số lớn nhất của quốc gia này đang giảm so với năm trước.
Hôm 10/02, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố số liệu thống kê tài chính cho tháng Một, báo cáo rằng cung tiền rộng (M2) đã tăng 12.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi cung tiền hẹp (M1) đã tăng 6.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái, với một khoản tiền ròng được bơm thêm là 997.1 tỷ nhân dân tệ (150 tỷ USD) trong tháng đó.
Hồi cuối tháng Một, tiền gửi bằng nhân dân tệ (RMB) đã tăng 12.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng cao hơn 1.1% và 3.2 % so với cuối tháng 12/2022 và một năm trước đó. Tiền gửi bằng nhân dân tệ đã tăng 6.87 ngàn tỷ nhân dân tệ (1,03 ngàn tỷ USD), tăng 3.05 ngàn tỷ nhân dân tệ (460 tỷ USD) so với một năm trước. Trong số đó, tiền gửi gia đình tăng 6.2 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 930 tỷ USD).
Ông Albert Song, một nhà bình luận thời sự kiêm chuyên gia về hệ thống tài chính Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 17/2: “Cung tiền M2 bao gồm dữ liệu về tiền gửi, vì vậy một lý do khiến cung tiền M2 tăng là do tiền gửi tăng. Hiện tại, các nhà phát triển địa ốc và người mua nhà đang thiếu niềm tin đáng kể.”
Theo ông Song, sự gia tăng tiền gửi của người dân Trung Quốc, cùng với việc thiếu tiêu dùng, đang khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào trạng thái trì trệ.
Hơn nữa, một báo cáo ngày 02/02 của Tập đoàn Thông tin Địa ốc Trung Quốc (CRIC) cho rằng ngay cả với các chính sách kích thích chi tiêu của ĐCSTQ đối với thị trường địa ốc, thì người mua nhà vẫn rất miễn cưỡng. Báo cáo này dự đoán rằng điều này sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc, do ngành địa ốc chiếm từ 20 đến 30% GDP của Trung Quốc.
Tăng trưởng lớn trong các dự án cơ sở hạ tầng
Lượng trái phiếu đặc biệt mới được phê chuẩn cho chính quyền địa phương của Trung Quốc vào năm 2023 đã tăng 50% so với năm trước, lần đầu tiên vượt qua 2 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 300 tỷ USD). Trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương là một nguồn vốn quan trọng cho các dự án cơ sở hạ tầng địa phương lớn ở Trung Quốc.
Các tỉnh trên khắp Trung Quốc đã công bố danh sách các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của họ cho năm 2023. Ở cấp quốc gia, công ty Đường sắt Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đã công bố các mục tiêu xây dựng đường sắt trong năm nay, dự trù khởi công hơn 1,800 dặm (2,897 km) đường ray mới, trong đó có hơn 1,500 dặm (2414 km) đường sắt cao tốc. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc đã chỉ ra tại các cuộc họp công việc hàng năm rằng họ sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các dự án lớn để tăng thị phần của các doanh nghiệp nhà nước.
Chìa khóa chi tiêu để phục hồi kinh tế
Tổng tài chính xã hội (TSF) của Trung Quốc hồi cuối tháng 01/2023 là 350.93 ngàn tỷ nhân dân tệ (52.6 ngàn tỷ USD), tăng 9.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ năm 2017. Ở Trung Quốc, TSF là thước đo rộng về tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế. TSF bao gồm các hình thức tài trợ ngoại bảng tồn tại bên ngoài hệ thống cho vay ngân hàng thông thường, chẳng hạn như phát hành lần đầu ra công chúng, khoản vay từ các công ty ủy thác, và bán trái phiếu.
Sự gia tăng đáng kể về quy mô tài chính xã hội đi kèm với sự gia tăng đáng kể về khối lượng tài sản gần như tiền của Trung Quốc — các tài sản như các tài khoản tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi (CD) và các tài khoản thị trường tiền tệ — cho thấy người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, đặc biệt là trong thời kỳ phong tỏa chống dịch COVID -19, và số tiền đó không được đưa vào lĩnh vực đầu tư.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times