Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế
Nhu cầu của người tiêu dùng tiếp tục giảm, với doanh số bán xe hơi giảm hơn 30%
Cùng ngày Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tháng Một và tháng Hai, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thông báo cắt giảm 0.25% tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với hầu hết các ngân hàng. Quyết định này dự kiến sẽ bơm khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 75 tỷ USD) trong các quỹ dài hạn ra thị trường.
Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng việc bơm tiền ồ ạt như vậy chỉ có thể làm cho số liệu kinh tế trông tốt đẹp, nhưng lại gây bất lợi cho sự phát triển kinh tế.
Hôm 17/03, Bộ Tài chính Trung Quốc công bố số liệu cho thấy nhu cầu nội địa ở Trung Quốc tiếp tục giảm trong hai tháng đầu năm 2023, với thu nhập gia đình giảm và thị trường địa ốc trì trệ. Ngoài ra, quy mô nợ chính phủ tiếp tục tăng, do doanh thu thuế ở một số mục chính đã giảm đáng kể so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Cụ thể, thuế tiêu thụ đã giảm 18.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước đã giảm 29% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trong tổng chi ngân sách công của chính phủ, chi trả lãi nợ đã tăng 27.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Dữ liệu về thuế tiêu dùng tiết lộ rằng thuế mua xe cộ là 39.7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6 tỷ USD), giảm 32.8% so với cùng thời kỳ năm ngoái — mức giảm tương tự đã thấy trong đợt bùng phát COVID-19 ban đầu ở Trung Quốc hồi tháng Một và tháng Hai năm 2020.
Bơm thanh khoản
Hôm 17/03, PBOC đã thông báo cắt giảm RRR lần đầu tiên cho năm 2023. Ngoại trừ những ngân hàng đã thực hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 5%, RRR đối với tất cả các ngân hàng khác sẽ giảm 25 điểm căn bản, có hiệu lực từ ngày 27/03.
Ông Tống Duy Tuấn (Albert Song), một nhà nghiên cứu tại Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Thiên Quân, nói với The Epoch Times hôm 20/03: “Vào tháng Một và tháng Hai, tốc độ tăng trưởng hàng năm của cung tiền rộng [M2] đã vượt quá 12% trong hai tháng liên tiếp. Với sự tăng trưởng cung tiền nhanh chóng như vậy, việc tiếp tục giảm yêu cầu dự trữ để tăng thêm thanh khoản giống như ‘tháo dòng lũ tiền mặt vào thị trường.’”
Theo ông Tống, đợt cắt giảm dự trữ bắt buộc này là đợt cắt giảm toàn diện, sẽ giải thoát khoảng 500 tỷ nhân dân tệ (khoảng 75 tỷ USD) cơ sở tiền tệ. Ông nói rằng nếu tính đến hệ số nhân tiền, thì cung tiền rộng có thể lên tới 40 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 6 ngàn tỷ USD).
Doanh số xe hơi sụt giảm
Để kích thích doanh số bán xe hơi, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã tiếp tục hoặc tăng trợ cấp cho người mua xe hơi vào năm 2023. Ví dụ: thành phố Vận Thành của tỉnh Sơn Tây bắt đầu trợ cấp hôm 01/01, trong khi thành phố Giang Sơn của tỉnh Chiết Giang bắt đầu cấp tổng cộng 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.5 triệu USD) trong phiếu mua xe hôm 06/03, trong đó người mua nhận được tới 8,000 nhân dân tệ (khoảng 1,200 USD) tiền trợ cấp.
Bắc Kinh tiếp tục [thực hiện] các trợ cấp thay thế xe hơi đã đưa ra vào năm 2022, cung cấp khoản trợ cấp 8,000 hoặc 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1,500 USD) cho những người đủ điều kiện. Hôm 28/02, thành phố này đã khởi động chiến dịch “Mùa Tiêu dùng Bắc Kinh 2023”, bao gồm các hoạt động quảng cáo từ hơn 1,000 công ty, bao gồm cả các chương trình khuyến mãi nhằm thúc đẩy doanh số bán xe hơi.
Cùng lúc đó, các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc đã bắt đầu cuộc chiến giá cả kể từ đầu năm 2023. Tesla tuyên bố giảm giá hôm 06/01, tiếp theo là Xpeng Motors hôm 17/01. Nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc Seres và Huawei cũng tuyên bố giảm giá cho các sản phẩm xe Aito M5 đồng thiết kế của họ. Thông báo của NIO được đưa ra hôm 01/02, với mức chiết khấu tối đa lên đến hơn 100,000 nhân dân tệ (khoảng 15,000 USD).
Theo dữ liệu bán hàng do Chi nhánh Nghiên cứu Thị trường của Hiệp hội Đại lý Xe hơi Trung Quốc (CADA) công bố cho tháng Hai, BYD Auto và Trường An Automobile đã lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai về số lượng bán sỉ. Về doanh số bán lẻ, BYD Auto duy trì vị trí đầu bảng và Trường An Automobile xếp thứ ba. Tuy nhiên, ngay cả BYD lẫn Trường An – hai công ty lần lượt đứng nhất và nhì này cũng đã phải tham gia cuộc chiến giảm giá trong tháng Ba cùng những hãng khác.
Ngành công nghiệp xe hơi là một trong những trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, với một chuỗi công nghiệp rộng lớn. Tăng trưởng mức tiêu thụ xe hơi được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực thúc đẩy doanh số bán hàng trong năm nay, doanh thu từ thuế mua xe cộ đã giảm hơn 30% trong tháng Một và tháng Hai.
Ông Tống Duy Tuấn tin rằng nếu dựa vào việc ‘xả lũ tiền tệ’ và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng thì chỉ có thể thúc đẩy được dữ liệu kinh tế của Trung Quốc, nhưng lại gây bất lợi cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Tống nói, “Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như tiền lưu thông ở nội trong hệ thống tài chính thôi mà không đi vào nền kinh tế thực và do đó, dẫn đến sự thu hẹp nền kinh tế thực và mở rộng nền kinh tế ảo. Vấn đề chính của tình hình kinh tế hiện nay là sự thiếu tự tin trong kinh doanh, đầu tư, và tiêu dùng, là những vấn đề cần được giải quyết khẩn cấp.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times