Trung Quốc tích trữ ngũ cốc góp phần làm tăng chi phí lương thực
“Bát cơm của người Trung Quốc lúc nào cũng phải nắm chắc trong tay mình.” — Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các chiến lược kinh doanh ngũ cốc toàn cầu hiện đang được tiến hành, từ đó làm tăng chi phí lương thực, trong khi nhiều người thu lợi trước sự mất mát của người khác.
Một lý do khiến chi phí lương thực tăng là Trung Quốc. Trung Quốc đang dự trữ các mặt hàng lương thực. Trên thực tế, khi Nga chặn các tuyến thương mại, Trung Quốc đã nhập cảng hàng hóa xuất cảng từ các tuyến thương mại đó. Có tin đồn rằng 40% lượng ngũ cốc xuất cảng trong tháng Tư từ Ukraine đã đến Trung Quốc.
Như Bloomberg gần đây đã đưa tin: “Vào giữa năm 2022, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ước tính rằng Trung Quốc sẽ nắm giữ 69% dự trữ ngô của thế giới, 60% gạo, và 51% lúa mì.”
Đó là những con số đáng kinh ngạc. Đây là một nỗ lực táo bạo của Trung Quốc nhằm tăng cường an ninh lương thực trong nước và giảm sự phụ thuộc lương thực vào Hoa Kỳ và Úc, nhưng nỗ lực này cũng là một mối đe dọa toàn cầu và trực tiếp đối với mọi người tiêu dùng. Bởi vì Trung Quốc đang tích trữ ngũ cốc, giá lương thực sẽ chỉ tiếp tục tăng.
Bằng chứng hiện đã áp đảo và hiệu ứng dây chuyền đã có thể được cảm nhận trên toàn thế giới. Tôi đã đính kèm một biểu đồ bên trên để thể hiện chi phí thực phẩm tăng cao kể từ năm 1913. Như quý vị có thể thấy, giá đã tăng theo cấp số nhân trong nhiều thập niên — điều cuối cùng chúng ta cần là hành động dự trữ này từ phía Trung Quốc.
Việc tích trữ đã diễn ra từ năm ngoái (2021), nhưng vào thời điểm đó, nhiều người đã phủ nhận rằng nó đang xảy ra. Nhưng các nước láng giềng của Trung Quốc, chẳng hạn như Nhật Bản, không đồng tình với ý kiến phủ nhận đó. Như Nikkei Asia đã đưa tin hồi năm ngoái: “Ít hơn 20% dân số thế giới đã tích trữ thành công hơn một nửa lượng ngô và các loại ngũ cốc khác trên toàn cầu, dẫn đến việc tăng giá mạnh trên khắp hành tinh và đẩy nhiều quốc gia hơn rơi vào tình cảnh đói kém.”
Hơn nữa, như AgWeb đã đưa tin trong tháng Tư năm nay (2022): “Trung Quốc đã mua thêm một lượng lớn ngô của Hoa Kỳ hồi đầu tuần và các nhà phân tích thị trường cho rằng những lo ngại về an ninh lương thực đang thúc đẩy nhu cầu gia tăng của nước này về hàng hóa. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã xác nhận một đợt bán hàng chớp nhoáng hôm thứ Hai (01/08) với tổng cộng 1.020 triệu tấn ngô mua vào từ phía Trung Quốc: 680,000 tấn mua từ vụ cũ, 340,000 tấn còn lại mua để được giao trong năm tiếp thị 2022/2023. Việc mua này diễn ra sau đợt mua ngô lớn nhất của Trung Quốc kể từ tháng 05/2021 vào tuần trước, với tổng lượng mua là 1.084 triệu tấn.”
Ông James O’Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các Biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng có nhiều điều để nói về Trung Quốc. Ông công khai tuyên bố: “Trung Quốc là một nhà mua ngũ cốc rất tích cực và họ đang tích trữ ngũ cốc… tại một thời điểm mà hàng trăm triệu người đang bước vào giai đoạn thảm khốc của tình trạng mất an ninh lương thực… Sẽ tốt hơn nhiều nếu thấy lượng ngũ cốc đó được chuyển đến Ai Cập, ở vùng Sừng Phi Châu và những nơi khác.”
Ông O’Brien nói đúng. Ở đây trong thế giới giàu có, chúng ta đang phàn nàn về giá cả, nhưng người nghèo toàn cầu đứng trước nguy cơ đói kém.
Còn về chuỗi cung ứng thì sao? Mặc dù vẫn còn các vấn đề về chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, nhưng phần lớn sự tàn phá từ năm 2020 đến năm 2021 đã được giải quyết. Hiện tại, chúng ta đa phần đang giải quyết tình trạng lạm phát phi mã đối với các sản phẩm hàng ngày như bánh quy giòn và vận tải đường sắt. Dường như trước mắt tình trạng này không có điểm dừng.
Một báo cáo gần đây từ ông Dan Kowalski, phó chủ tịch Sàn Giao dịch Tri thức của CoBank, đã chia sẻ hiểu biết có giá trị sâu sắc về chuỗi cung ứng: “Chi phí kho bãi và hàng tồn kho vẫn đang tăng ở mức gần đỉnh điểm, và chi phí vận chuyển đang tăng với tốc độ cao hơn nhiều so với trước đại dịch… tình trạng sẵn có và giá của toa xe lửa lần lượt ở mức thấp và cao trong nhiều năm trong quý hai, mặc dù khi hoạt động mua hàng của người tiêu dùng tiếp tục suy giảm, các chuỗi cung ứng sẽ từ từ phục hồi.”
Trong khi đó tại Trung Quốc, giá lương thực cũng đang chịu sức ép tương tự. Yahoo đưa tin rằng các cơ quan lập kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã sẵn sàng để ngăn chặn các vấn đề về giá cả, nêu rõ: “Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch trung ương, sẽ sử dụng các công cụ như điều chỉnh dự trữ,” họ nói với đại diện của ngành thịt heo và các công ty giết mổ trong một cuộc họp, theo một tuyên bố được công bố hôm thứ Hai (01/08). NDRC cũng cho biết họ sẽ phối hợp với các cơ quan khác để “trừng phạt nghiêm khắc các hoạt động bất hợp pháp, bao gồm việc bịa đặt và lan truyền thông tin về việc tăng giá và bán với giá cắt cổ.”
Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác trên tờ China Daily (Trung Quốc Nhật Báo), nơi đưa tin rằng không có bất cứ vấn đề gì, tuyên bố rằng “ngũ cốc nhập cảng của Trung Quốc chủ yếu là để bù đắp cho sự thiếu hụt nhu cầu trong nước chứ không phải để tích trữ. Trên thực tế, nhập cảng ngũ cốc của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay giảm 5.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng đã xuất cảng lương thực và viện trợ lương thực cho các nước thiếu lương thực khác, góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu.”
Đương nhiên, China Daily do Bộ Tuyên truyền của ĐCSTQ kiểm soát và thuộc sở hữu của đảng này.
Tôi biết giá thực phẩm sẽ giảm và trở lại bình thường, nhưng khi nào thì chẳng ai đoán được. Riêng giá gạo của Hoa Kỳ đã tăng 40% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong quý đầu tiên của năm 2022. Nhưng việc một trong những siêu cường thế giới tích trữ lương thực và thực phẩm thiết yếu chắc chắn sẽ không giúp giảm giá lương thực.
Vì vậy, người ta chỉ có thể tự hỏi, liệu ĐCSTQ có đang cố gắng dồn thị trường vào thế bất lợi trong nhiều mặt hàng thiết yếu như một hành động phòng thủ chiến lược để làm tê liệt người tiêu dùng hay không. Chỉ riêng lợi nhuận thôi cũng sẽ lấp đầy kho bạc của ĐCSTQ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Chadwick Hagan là một nhà tài chính, doanh nhân, tác giả, và ký giả chuyên mục. Ông đã quản lý các doanh nghiệp và đầu tư trên thị trường toàn cầu trong hai thập niên. Là một tác giả và nhà văn, ông viết về các chủ đề kinh tế, mỹ thuật và bảo tồn. Ông là thành viên của Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia và sống tại Atlanta và London.