Công ty hóa chất lớn nhất thế giới giảm sản lượng amoniac – thành phần quan trọng trong phân bón
Cắt giảm sản lượng amoniac trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt
Công ty hóa chất lớn nhất thế giới, BASF của Đức, dự định cắt giảm hơn nữa sản lượng amoniac — một thành phần chính trong phân bón — trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên tăng vọt.
Giám đốc điều hành của BASF Martin Brudermueller cho biết trong một cuộc gọi với giới truyền thông hôm 27/07 sau khi công bố kết quả kinh doanh quý Hai của công ty, “Chúng tôi sắp cắt giảm sản lượng tại các cơ sở cần lượng lớn khí đốt tự nhiên, chẳng hạn như các nhà máy amoniac.”
Hồi tháng 09/2021, BASF đã cắt giảm sản lượng amoniac tại trụ sở chính ở Ludwigshafen, Đức, cũng như tại khu phức hợp hóa chất lớn ở Antwerp, Bỉ.
Ông Brudermueller cho biết, để lấp đầy những khoảng trống trong nguồn cung ứng, BASF sẽ mua một số amoniac từ các nhà cung cấp bên ngoài.
Amoniac là thành phần chính dùng trong sản xuất phân bón. Chất này cũng đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất nhựa và dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel. Quá trình sản xuất chất này cũng tạo ra phụ phẩm là carbon dioxide có độ tinh khiết cao, cần thiết cho các ngành công nghiệp thịt và đồ uống có ga.
Các công ty hóa chất là những công ty sử dụng khí tự nhiên công nghiệp lớn nhất ở Đức và amoniac là sản phẩm sử dụng nhiều khí đốt nhất trong ngành công nghiệp đó. Quá trình sản xuất amoniac thường chiếm khoảng 4.5% lượng khí đốt tự nhiên mà các ngành công nghiệp ở Đức sử dụng.
Nhà sản xuất amoniac lớn nhất của Đức, SKW Piesteritz và nhà sản xuất đứng thứ Tư Ineos, đã tuyên bố riêng rằng họ không thể loại trừ khả năng cắt giảm sản lượng trong bối cảnh gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Không giống như nhiều nước Âu Châu khác, Đức không có các cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng để thay thế đường ống dẫn khí đốt của Nga. Điều đó có nghĩa là nếu việc cung cấp khí đốt bị cắt giảm hơn nữa, thì các công ty sẽ phải đối mặt với áp lực cắt giảm các hoạt động sử dụng nhiều khí đốt.
Hôm 27/07, nhà sản xuất khí đốt của Nga Gazprom đã bắt đầu giảm nguồn cung cấp khí đốt cho Âu Châu qua đường ống Nord Stream 1, tuyến đường vận chuyển khí đốt chính của Nga đến Âu Châu. Nguồn cung cấp khí đốt đã bị cắt giảm xuống chỉ còn 1/5 hay 20% tổng công suất đường ống. Sự sụt giảm này diễn ra sau khi đường ống này được khởi động lại hôm 21/07 sau đợt tạm ngừng 10 ngày để bảo trì theo lịch trình.
Trong một nỗ lực nhằm tăng cường an ninh năng lượng của khu vực, hôm 26/07, Liên minh Âu Châu đã thông báo về việc “cắt giảm tự nguyện” nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15% cho mùa đông.
Ông Brudermueller nói rằng đến năm 2023, nông dân sẽ nhận thấy chi phí phân bón cao và lượng phân bón có trên thị trường có thể ít hơn.
“Ứng dụng chính của amoniac là để làm phân bón, và cái đó lại phục vụ cho sản xuất lương thực. Năm nay thì không có vấn đề gì nhiều vì tất cả nông dân đã mua phân bón và sử dụng cho cánh đồng của mình rồi. Cũng đang thu hoạch rồi.” ông nói. “Sắp tới phân bón cung cấp ra thị trường sẽ ít hơn bởi năng suất sản xuất không được như trước và vấn đề tiếp theo là giá cả. Giá phân bón đang tăng chóng mặt.”
“Và khi đó nông dân sẽ buộc phải tiết kiệm tiền và sẽ bón phân cho cánh đồng của mình ít nhất có thể. Cũng có thể có nghĩa là sẽ thu hoạch được ít hơn. Nếu gặp phải các vấn đề thời tiết, [sẽ dẫn đến] tình cảnh thiếu hụt các loại cây trồng quan trọng.”
Ông cũng lưu ý rằng các nước nghèo hơn ở cuối chuỗi cung ứng lương thực sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể.
Cô Mimi Nguyen Ly đưa tin về thời sự thế giới với trọng tâm là tin tức Hoa Kỳ. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].