Trung Quốc thay đổi giọng điệu về cuộc chiến Ukraine dưới áp lực của các lệnh trừng phạt
Trong khi Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, các hãng thông tấn nhà nước của chế độ cộng sản Trung Quốc gần đây đã thay đổi giọng điệu về cuộc chiến Nga-Ukraine, và đang bắt đầu đưa tin tích cực về Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh đang lo lắng rằng nếu họ bị trừng phạt vì ủng hộ Nga, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ sụp đổ, vì vậy các điều chỉnh nhỏ đã được thực hiện trong quan điểm của nhà cầm quyền này, trước dự báo kinh tế ảm đạm của Trung Quốc khi Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ-Trung Cộng) đang cận kề.
Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, đã lần đầu tiên trực tiếp dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói về “cuộc xâm lược Ukraine của Nga” ba lần trong một cuộc phỏng vấn độc quyền bằng văn bản với ông hôm 30/04.
Trước đó, chế độ Trung Quốc đã từ chối sử dụng thuật ngữ “xâm lược”. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, ĐCSTQ đã ủng hộ Nga và hòa điệu với Moscow trong tuyên truyền chiến tranh.
Sau đó, hôm 05/05, nhiều hãng thông tấn nhà nước của ĐCSTQ, bao gồm CCTV, Global Network, và China Business News, đã đưa tin tích cực về bài diễn văn của Tổng thống Zelensky. Điều này một lần nữa khác biệt rõ rệt với miêu tả trước đây của họ về ông Zelensky như một tên hề và một diễn viên hài.
Diễn biến này xảy ra sau khi Ủy ban Âu Châu đề nghị vòng trừng phạt thứ sáu chống lại Nga hôm 04/05, bao gồm việc loại bỏ dần việc nhập cảng dầu Nga trong vòng sáu tháng và loại bỏ ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank khỏi hệ thống SWIFT. Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng ngụ ý rằng ông sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, nói với The Epoch Times rằng các cuộc thảo luận trong nội bộ ĐCSTQ gần đây khá căng thẳng xung quanh Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế Trung Quốc đang xấu đi.
Ông Phùng cho biết, nếu Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Nga trong tình huống này, thì ĐCSTQ sẽ phải chịu mức trừng phạt tương tự như Nga, và nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ, điều này sẽ không thuận lợi cho việc tái đắc cử tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ông Tập Cận Bình. Vì vậy, ông Tập phải thực hiện một số điều chỉnh và thực hiện các biện pháp cấp bách, chẳng hạn như nhượng bộ theo yêu cầu của Âu Châu và Hoa Kỳ để tuyên bố hành động của Nga đối với Ukraine là một “cuộc xâm lược”.
Nhưng đồng thời, nhà cầm quyền này sẽ không từ bỏ Nga.
“Họ có thể tạo ra một số thay đổi nhỏ trong quan điểm của mình, nhưng không phải là các thay đổi đáng kể,” ông Phùng nói. “Họ chỉ là đang qua mặt cả hai bên, bí mật ủng hộ Nga và không dám công khai đứng về phía nước này.”
Một nhà bình luận chính trị khác chuyên theo dõi các vấn đề Mỹ-Trung, ông Trần Phá Không (Chen Pokong), cho biết trên kênh YouTube của mình hôm 03/05 rằng sự thay đổi giọng điệu gần đây của giới truyền thông chính thống Trung Quốc cho thấy chính sách thân Nga của ông Tập đã vấp phải một trở ngại lớn trong nội bộ ĐCSTQ, và nhà cầm quyền này phải đối mặt với sự lựa chọn giữa Nga và Ukraine.
“Một mặt, Trung Cộng đã biết rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ không diễn ra như kế hoạch,” ông nói. “Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và các ngân hàng Trung Quốc không ủng hộ Nga vì họ cũng không muốn bị trừng phạt, vì vậy chính sách thân Nga của nhà cầm quyền này không thể thực hiện được.”
Ông Tôn Quốc Tường (Sun Guo-Xiang), phó giáo sư tại Khoa Kinh doanh và Các vấn đề Quốc tế tại Đại học Nam Hoa ở Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ sẽ không từ bỏ việc ủng hộ Nga của mình, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đang gia tăng.
Tuy nhiên, Nga gần đây đã bắt đầu đặt nghi vấn về việc liệu ĐCSTQ có thể thực sự cung cấp sự hỗ trợ mà nước này cần hay không, và thậm chí đã bày tỏ sự bất mãn.
Gần đây, ông Boris Titov, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Putin, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Sputnik rằng hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Nga không được khả quan như mong đợi.
Trong hoàn cảnh hiện tại, Nga không nên chỉ dựa vào Trung Quốc để có các lựa chọn thay thế nhập cảng, ông cảnh báo.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.
Bản tin có sự đóng góp của Lin Cenxin, Luo Ya, và Xu Yiyang
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: