Trung Quốc sử dụng không phận NATO để chuyển hỏa tiễn cho Serbia
Hôm 11/04, sáu phi cơ quân sự của Trung Quốc đã bay qua không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, cả hai nước này đều là thành viên của NATO, để chuyển giao hỏa tiễn cho Serbia, một đồng minh quan trọng của chế độ ông Vladimir Putin ở Nga.
Hành động này có thể được coi là một màn phô diễn lực lượng, vì Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trước đó đã nói rằng NATO từ chối không cho các lô hàng vũ khí Trung Quốc bay qua không phận của các quốc gia thành viên.
Những chiếc vận tải cơ Y-20 đã chuyển giao hệ thống vũ khí phòng không cho Serbia thông qua phi trường dân sự Nikola Tesla ở Belgrade.
FK-3, là phiên bản xuất cảng của HQ-22 nội địa Trung Quốc, là một hệ thống hỏa tiễn đất đối không thường được so sánh với hệ thống hỏa tiễn Patriot của Hoa Kỳ. Loại hỏa tiễn này có thể đạt tốc độ gấp khoảng sáu lần tốc độ của âm thanh (Mach 6) và có tầm bắn khoảng 93 dặm (149 km). Một hệ thống gồm 12 hỏa tiễn nằm xen kẽ giữa ba phương tiện phóng và một phương tiện radar riêng biệt.
Đáng chú ý là, các phi cơ Trung Quốc bay cùng nhau theo đội hình tập trung chứ không phải từng chiếc một, và sử dụng hệ thống theo dõi MLat hiện đại nhất (đa phương tiện) thay vì radar truyền thống. Các nhà phân tích tình báo nguồn mở cũng lưu ý rằng ít nhất một số phi cơ đã tháo bỏ lớp vỏ ngoài để thực hiện các biện pháp đối phó với pháo sáng và mồi bẫy radar (chaff) — các hệ thống phòng thủ giúp né tránh các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn — có thể báo hiệu rằng phi cơ Trung Quốc dự đoán sẽ gặp phải một số kháng cự hoặc muốn được coi là sự phản kháng có thể lường trước được.
Chuyến hàng này sẽ cho phép Serbia trở thành nước sử dụng hỏa tiễn Trung Quốc đầu tiên ở Âu Châu, đồng thời sẽ củng cố một kho vũ khí vốn đã đang mở rộng gồm phi cơ không người lái, xe tăng, và chiến đấu cơ của Trung Quốc và Nga mà quốc gia này đã mua trong những năm gần đây.
Sự việc này đã khiến phương Tây lo ngại rằng việc tích trữ thêm vũ khí trong khu vực này có thể làm nổ ra cuộc xung đột khi Nga tiếp tục gây chiến với Ukraine, và cả giới lãnh đạo Trung Quốc lẫn giới lãnh đạo Nga đều thúc đẩy các hình thức bành trướng độc tài của riêng họ.
Serbia hiện đang tìm kiếm tư cách thành viên Liên minh Âu Châu, trong bối cảnh một số người lo ngại rằng [nước này] đang chuẩn bị cho chiến tranh với các nước láng giềng của họ ở khu vực Balkan, đặc biệt là Kosovo.
Serbia và các nước láng giềng của họ đã bị mắc kẹt trong một số cuộc chiến tranh gay gắt trong suốt hầu hết những năm 1990, trong thời gian đó xuất hiện rất nhiều các báo cáo về thanh trừng sắc tộc. Các cuộc chiến tranh này đã lên đến đỉnh điểm đẫm máu với cuộc bắn phá của NATO năm 1999 vào Serbia (sau đó là Nam Tư), khiến cho khoảng 500 thường dân thiệt mạng, đồng thời phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng trọng yếu cũng như di tích văn hóa.
Năm 2008, Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia, và sau đó bày tỏ mong muốn gia nhập NATO. Tuy nhiên, Trung Quốc, Nga, và Serbia đã từ chối thừa nhận Kosovo là một quốc gia hợp pháp.
Khắc ghi lịch sử đó, cựu Tổng thống Kosovo Hashim Thaci đã cáo buộc Serbia âm mưu thôn tính các vùng lãnh thổ của nước này giống như Crimea vào năm 2017, trước khi bước ra phải đối mặt với tòa án tội ác chiến tranh vì những hành vi mà ông được cho là đã thực hiện trong thời gian diễn ra Chiến tranh Nam Tư.
Tuy nhiên, mối liên hệ của Serbia với Trung Quốc và Nga vẫn còn điều gì đó không nhất quán. Một mặt, quốc gia này đã bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc để lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, mặt khác lại từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Moscow hay đưa ra bất kỳ chỉ trích nào khác đối với quân đội Nga ở đó.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch TimesXem thêm: