Trung Quốc phát triển công nghệ AI mới để kiểm tra ‘lòng trung thành’ của đảng viên
10 năm qua, hàng triệu quan chức Trung Quốc đã bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây đã phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đánh giá lòng trung thành của giới chức nước này đối với Đảng Cộng sản cầm quyền. Công nghệ này có thể là một công cụ cho chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh để tiếp tục theo dõi và thanh trừng các Đảng viên “tham nhũng”, cho thấy chính quyền nước này đang ngày càng lo sợ về việc mất tính hợp pháp và quyền lực của mình.
Theo dữ liệu được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan giám sát cấp cao nhất của Trung Quốc, công bố hôm 20/06, hơn 4.7 triệu quan chức ở tất cả các cấp đã bị điều tra, chịu nhiều hình thức kỷ luật hoặc truy tố trong 10 năm qua.
Chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh được khởi động vào tháng 11/2012, đó là khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) Tập Cận Bình lần đầu tiên lên nắm quyền.
Theo Tân Hoa Xã, “tham nhũng chính trị là tham nhũng lớn nhất. Một số thành phần tham nhũng đã thành lập các nhóm lợi ích với hy vọng “tước đoạt quyền lực của đảng và nhà nước”.
Công nghệ AI được nhà nước tài trợ: Chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số
Viện Trí tuệ Nhân tạo thuộc Trung tâm Khoa học Quốc gia Toàn diện Hợp Phì ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc đã công bố một bài đăng, trong đó tuyên bố rằng họ đã phát triển một loại công nghệ có thể trợ giúp trực tiếp cho Trung Cộng. Nhân dịp kỷ niệm 101 năm ngày thành lập Trung Cộng, hôm 01/07, viện này đã quảng bá trên tài khoản WeChat chính thức của họ rằng, thiết bị này là một “sự kết hợp thành công giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng đảng”.
Bài đăng nói trên bao gồm video cho thấy một người đàn ông bước vào một phòng thiết bị có gắn biển: “Thanh Tư tưởng Chính trị Thông minh”, sau đó ngồi trước một máy điện toán tính có màn hình cảm ứng, để làm bài kiểm tra. Sau khi hoàn thành bài kiểm tra, điểm số và biểu đồ phân tích của người này sẽ xuất hiện trên màn hình.
Bài kiểm tra dành cho đảng viên này liên quan đến nội dung được giảng dạy trong các trường Đảng, bao gồm các kiến thức chính trị như Tư tưởng Tập Cận Bình, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, lịch sử Trung Cộng, các chính sách và quy định hiện hành.
Video này giới thiệu một thiết bị có thể sử dụng công nghệ AI để trích xuất các đặc điểm sinh trắc học của các đảng viên Trung Cộng, bao gồm các biểu cảm trên khuôn mặt, điện não và các đặc điểm da liễu, cùng những đặc điểm khác.
Sau khi tích hợp và phân tích dữ liệu cá nhân, công cụ này sẽ đánh giá khả năng nắm bắt nội dung của người học, chẳng hạn như đánh giá mức độ tập trung, mức độ lý giải, cũng như mức độ thông thạo về nhiều chủ đề khác nhau.
Trong một bộ phim ngắn, các nhà nghiên cứu nêu rõ thiết bị này có thể “tích hợp thành công công nghệ AI vào trong cách sinh hoạt có tổ chức của các thành viên Trung Cộng”. “Sinh hoạt có tổ chức” đề cập đến những hành vi của đảng viên trong sinh hoạt đảng, là ‘tính đảng’ mà Trung Cộng áp đặt lên đảng viên của mình, chẳng hạn như chứng minh lòng trung thành của một người đối với Đảng.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế thiết bị AI này nhằm mục đích “xây dựng Đảng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20”. Cuộc họp chính trị quan trọng nhất của Đảng này dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm nay, sẽ quyết định liệu ông Tập có thể có được nhiệm kỳ thứ ba hay không.
Tại thời điểm viết bài báo này, bài đăng trên WeChat đã bị gỡ xuống.
Tuy nhiên, bài đăng này đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội trước khi bị gỡ bỏ, làm dấy lên sự chỉ trích của dư luận về việc sử dụng AI để thao khống hoạt động nhồi nhét tư tưởng, trong đó một số người còn cáo buộc hành động này là “tẩy não bằng công nghệ” và “chủ nghĩa độc tài kỹ thuật số”.
Kênh thông tấn ‘China Digital Times’ có trụ sở tại Hoa Kỳ đã thu thập được một số nội dung và video của bài đăng, sau đó họ đã cho xuất bản một bài báo hồi đầu tháng này.
Theo thông tin công khai, Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) và chính quyền tỉnh An Huy đã thành lập Viện công nghệ Hợp Phì. Viện này nằm dưới sự quản lý của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Hàng triệu quan chức Trung Cộng bị điều tra
Trình bày tại một cuộc họp báo do ban tuyên truyền của Trung Cộng tổ chức ngày 30/06, ông Vương Kiến Tân (Wang Jianxin), trưởng ban tuyên truyền kiêm phát ngôn viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cho biết trong 10 năm, từ Đại hội 18 của Đảng đến cuối tháng Tư năm nay, có khoảng 4.3 triệu vụ án tham nhũng được thực hiện, với hơn 4.7 triệu quan chức bị trừng phạt.
Những đảng viên Trung Cộng đó đã bị buộc tội với nhiều tội danh khác nhau như tham nhũng, câu kết với các nhóm tội phạm, lạm dụng quyền lực, và có lối sống suy đồi. Một báo cáo chính thức về cuộc khủng hoảng hình ảnh của Trung Cộng, do ông Đường Quân (Tang Jun), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Khủng hoảng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, công bố trong năm 2012, cho biết có tới 95% quan chức tham nhũng bị điều tra có tình nhân, và hơn 60% trong số những quan chức tham nhũng có “vợ hai”.
Ông Trương Lỗi (Zhang Lei), giáo sư luật tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói với Tân Hoa Xã hôm 30/06 rằng giới chức sắc trong đảng có bốn vấn đề lớn, đó là: hình thức, quan liêu, hưởng lạc, và xa hoa.
Ông Cao Văn Khiêm (Gao Wenqian), một học giả về lịch sử Trung Cộng, nói với VOA hôm 28/10/2016, rằng ‘cách tiếp cận thể chế’ của Trung Cộng chỉ có thể trị được phần ngọn, chứ không trị được căn nguyên của tham nhũng. Ông cho rằng một đảng lũng đoạn quyền lực chính là căn nguyên của tham nhũng trong quan trường của Trung Cộng.
Ông Cao nhận định, “Nếu như các vị [Trung Cộng] không diệt trừ tham nhũng khỏi chế độ, thì điều đó giống như đánh ruồi quanh hố phân, vĩnh viễn chẳng thể nào đánh hết được; các vị càng đánh, ruồi càng nhiều hơn. Kết quả sẽ là ‘ruồi to như hổ và hổ nhiều như ruồi’”.
Cái gọi là chiến dịch chống tham nhũng của Trung Cộng “chẳng khác nào một nhà hàng tự hào tuyên bố rằng trong năm qua họ đã tìm thấy 100,000 con ruồi trong các món ăn của mình, 10,000 con chuột trong món súp, và 50,000 con bọ trong bát cơm của mình”, một cư dân mạng bình luận trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
“Không biết thực khách có còn nghĩ nhà hàng này sạch sẽ không. Tham nhũng là gót chân Asin mà chế độ chuyên quyền này không thể tự mình giải quyết — tức là các nhóm lợi ích giống nhau không thể tự cai trị từ bên trong.”
AI: Một công cụ giám sát đảng viên
Chiến dịch chống tham nhũng lồng ghép công nghệ giám sát bằng AI này cho thấy rằng Trung Cộng, vốn đang lo sợ bị sụp đổ, sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với đảng viên của mình, đặc biệt là các quan chức cao cấp.
Tạp chí Cầu Thị (Qiushi), một kênh truyền thông chính thức, gần đây đã đăng bài diễn văn mà ông Tập đã trình bày tại một buổi hội thảo dành cho các quan chức cấp tỉnh và cấp bộ vào ngày 11/01. Ông Tập nhấn mạnh Đảng cần cố gắng giải trừ “sự ô uế” trong tư tưởng, lối sống và tổ chức trong Đảng — bất cứ điều gì có thể làm suy yếu quyền lực của Trung Cộng.
Năm ngoái, ông Tập đã cảnh báo các đảng viên về hậu quả của việc vượt qua lằn ranh. Trong một bài diễn văn, ông Tập chỉ ra rằng một số quan chức đã biến thành “phát ngôn viên cho các nhóm lợi ích, các nhóm quyền lực, và tầng lớp đặc quyền khác nhau”. Ông Tập nhấn mạnh rằng bất kể ai có vấn đề, họ phải bị “điều tra và trừng phạt nghiêm và không khoan nhượng.”
Hơn nữa, tại cuộc họp ngày 17/06 của Bộ Chính trị Trung Cộng, ông Tập tuyên bố chống tham nhũng là một chiến dịch chính trị quan trọng “không thể để thất bại”.