Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển ‘công tố viên’ AI có khả năng tự định tội
Các nhà khoa học ở Trung Quốc cho biết họ đã phát triển một cỗ máy dựa vào trí tuệ nhân tạo (AI) để buộc tội những kẻ phạm tội.
Viện kiểm sát Phố Đông Thượng Hải, văn phòng công tố lớn nhất của đất nước, đã chế tạo và thử nghiệm cỗ máy này. Cho đến nay, cỗ máy này có thể xác nhận và định tội cho 8 loại tội danh phổ biến nhất ở Thượng Hải – gian lận thẻ tín dụng, tổ chức hoạt động đánh bạc, lái xe liều lĩnh, cố ý gây thương tích, gây cản trở công vụ, trộm cắp, gian lận, và kích động gây rối.
Các nhà nghiên cứu cho biết, dựa trên mô tả bằng văn bản về một vụ án, cái gọi là “công tố viên” AI có thể đưa ra cáo buộc với độ chính xác 97%.
Giáo sư Thạch Dũng (Shi Yong), nhà khoa học chính của dự án, cho biết công nghệ AI có thể giảm khối lượng công việc hàng ngày của các công tố viên, cho phép họ tập trung vào các công việc khó khăn hơn. Ông Thạch cũng là giám đốc phòng thí nghiệm quản lý tri thức và dữ liệu lớn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, viện nghiên cứu nhà nước hàng đầu của nhà cầm quyền này.
“Hệ thống này có thể thay thế các công tố viên trong quá trình ra quyết định ở một mức độ nhất định,” ông Thạch và nhóm của ông cho biết trong một bài báo xuất bản tháng này trên tạp chí Management Review của Trung Quốc. Tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) là hãng thông tấn đầu tiên đưa tin về cỗ máy AI mới được phát triển này.
Ông Thạch và các đồng nghiệp của ông nói rằng các công tố viên Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng AI vào năm 2016. Nhiều người trong số họ hiện đang sử dụng một công cụ AI được gọi là “Hệ thống 206”. Hệ thống này có thể đánh giá độ mạnh của bằng chứng, điều kiện bắt giữ, và mức độ nguy hiểm của nghi phạm đối với công chúng.
Nhưng việc sử dụng tất cả các công cụ AI hiện có đều có hạn chế, vì “các công cụ này không tham gia vào quá trình đưa ra quyết định tố tụng và [đề nghị] mức án,” bài báo cho biết.
Để đưa ra các quyết định như vậy đòi hỏi một cỗ máy xác định và loại bỏ bất kỳ nội dung nào của hồ sơ vụ án không liên quan đến tội danh và giữ lại thông tin hữu ích, bài báo cho biết thêm.
Cỗ máy này cũng cần chuyển đổi ngôn ngữ phức tạp, luôn thay đổi của con người thành một định dạng toán học hoặc hình học tiêu chuẩn mà máy điện toán có thể hiểu được, theo bài báo.
Các công ty internet của Trung Quốc đã phát triển các công cụ mạnh mẽ để xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhưng việc vận hành các công cụ này thường yêu cầu các hệ thống máy điện toán lớn mà các công tố viên không có quyền truy cập.
“Công tố viên” AI do nhóm của ông Thạch phát triển có thể chạy trên máy tính để bàn. Đối với mỗi nghi phạm, nó sẽ đưa ra lời buộc tội dựa trên 1,000 “đặc điểm” thu được từ văn bản mô tả vụ án do con người tạo ra, nhưng hầu hết trong số đó là quá ngắn hoặc quá trừu tượng để con người có thể hiểu được. Hệ thống 206 sau đó sẽ đánh giá bằng chứng.
Ông Thạch cho biết họ đã sử dụng hơn 17,000 vụ án từ năm 2015 đến năm 2020 để huấn luyện cỗ máy này.
Bài báo kỳ vọng công tố viên AI sẽ sớm trở nên có năng lực hơn với các bản nâng cấp. Hệ thống này sẽ có thể xác định những tội ít phổ biến hơn và đưa ra nhiều cáo buộc chống lại một nghi phạm.
Nhưng cỗ máy mới này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi trong các công tố viên Trung Quốc. Một công tố viên ở Quảng Châu cho biết trong báo cáo rằng ông có một số lo ngại về việc sử dụng công tố viên AI trong các vụ truy tố.
Theo công tố viên này, độ chính xác 97% có thể cao, nhưng sẽ luôn có khả năng xảy ra sai sót. “Ai sẽ chịu trách nhiệm khi chuyện đó xảy ra? Công tố viên, cỗ máy đó hay người thiết kế thuật toán này?”
Việc áp dụng trực tiếp AI trong việc ra quyết định cũng có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ của công tố viên. Hầu hết các công tố viên không muốn các nhà khoa học máy điện toán can thiệp vào một phán quyết pháp lý, công tố viên này nói thêm.
Một nghi vấn khác là công tố viên AI chỉ có thể ra cáo buộc chỉ dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ của mình, công tố viên này cho hay. Hệ thống này không thể lường trước được phản ứng của công chúng đối với một vụ án trong một môi trường xã hội luôn thay đổi.
Công tố viên cho biết: “AI có thể giúp tìm ra lỗi sai, nhưng nó không thể thay thế con người trong việc đưa ra quyết định.”
Truyền thông Trung Quốc đã tôn vinh công tố viên AI là thành tựu đầu tiên của thế giới trong lĩnh vực này.
Khác với các nền dân chủ phương Tây, Trung Quốc không có hệ thống pháp luật độc lập vì các tòa án [đều] do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát.
Những người ăn nói hoặc hành xử theo cách được coi là không thể chấp nhận được đối với Đảng, chẳng hạn như những người bất đồng chính kiến, những người có đức tin, luật sư nhân quyền, và ký giả công dân, thường bị buộc tội với những tội danh được định nghĩa một cách mơ hồ như “gây gổ và gây rối” hoặc “lật đổ quyền lực nhà nước” và lúc nào cũng bị kết án trong hệ thống tư pháp với tỷ lệ kết án 99.9%.
Ví dụ, ký giả công dân Trương Triển (Zhang Zhan) hiện đang phải chịu án tù 4 năm vì đã đưa tin về giai đoạn đầu của đợt bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán vào tháng 02/2020. Các chính phủ và nhóm nhân quyền phương Tây đã lên án rộng rãi việc kết án cô. Gia đình cô cho biết sức khỏe của cô Trương đã xuống dốc một cách nghiêm trọng sau khi tuyệt thực kéo dài và không được chăm sóc y tế đầy đủ.
Ông Frank Dong là một ký giả tâm huyết với hơn 20 năm kinh nghiệm. Ông là một cộng tác viên tự do chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: