Trung Quốc ‘phản ứng thái quá’ về vấn đề Đài Loan, ông Biden dự kiến gặp trực tiếp ông Tập
Theo một quan chức Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Joe Biden có thể sẽ gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình vào cuối năm nay. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là cuộc diện kiến trực tiếp lần đầu tiên sau ba năm không tiếp xúc của hai nhà lãnh đạo.
Ông Kurt Campbell, Điều phối viên Tòa Bạch Ốc về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã xác nhận rằng ông Biden và ông Tập đã đồng ý xây dựng kế hoạch tổ chức một cuộc gặp mặt trực tiếp trong cuộc gọi hội nghị mới đây nhất hồi tháng Bảy, nhưng “không có thông tin chi tiết” về thời gian và địa điểm cho cuộc họp đó.
Trong cuộc điện đàm mới nhất này, ông Tập tuyên bố rằng việc Hoa Kỳ cho phép các phái đoàn quốc hội đến thăm Đài Loan là “đùa với lửa”, tiếp nối một xu hướng ngày càng gia tăng luận điệu hiếu chiến từ Bắc Kinh, mà trong đó bao gồm những lời đe dọa chiến tranh chống lại Hoa Kỳ.
Kể từ thời điểm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, một sự kiện mà ĐCSTQ viện cớ để tến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự leo thang xung quanh Đài Loan, can thiệp vào hoạt động giao thương quốc tế.
Các cuộc tập trận nhận được nhiều lời chỉ trích và lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế này cũng chứng kiến việc Trung Quốc phóng một số hỏa tiễn đạn đạo bay qua Đài Loan và đáp xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
ĐCSTQ cho rằng Đài Loan là một tỉnh nổi loạn của Trung Quốc nên cần phải được thống nhất với đại lục, đồng thời tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu đó nếu việc cưỡng chế hợp nhất không thành công. Tuy nhiên, Đài Loan Dân chủ đã được tự quản kể từ năm 1949, và chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Hoa Kỳ chính thức công nhận, nhưng không tán thành quan điểm của Trung Quốc. Nước này cũng có ràng buộc trong hiệp ước là cung cấp cho Đài Loan những vũ khí cần thiết để tự vệ.
Ông Campbell cho rằng “hành vi khiêu khích của Trung Quốc” sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi đã phá hoại hòa bình và ổn định trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Campbell nói, “Tuần trước, CHND Trung Hoa đã sử dụng chuyến thăm [của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ] … như một cái cớ để khởi động một chiến dịch gây áp lực tăng cường chống lại Đài Loan.”
“Trung Quốc đã phản ứng thái quá và các hành động của họ tiếp tục mang tính khiêu khích … [và] gây bất ổn.”
Ông Campbell nói thêm rằng nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đang cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng liên quan đến Đài Loan, vi phạm các thỏa thuận Mỹ-Trung hơn 60 năm.
Ông nói, quyết định của nhà cầm quyền nước này trong việc đột ngột cắt đứt liên lạc quân sự với Hoa Kỳ trong khu vực và rút lui khỏi tất cả các mối liên hệ về khí hậu đã thể hiện một sự leo thang lớn của ĐCSTQ. Hơn nữa, ông cho biết thêm, các cuộc xâm nhập quân sự không ngừng của chính quyền này qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan là một phần của nỗ lực có hệ thống nhằm “đe dọa và ép buộc Đài Loan” và những nước khác chấp nhận một hiện trạng mới trong khu vực.
Ông Campbell cho rằng: “Các hành động của Trung Quốc về căn bản là tương phản với hòa bình và ổn định.”
“Ngay trong thời điểm hiện nay, một số chiến hạm vẫn còn ở xung quanh Đài Loan.”
Ông Campbell đã nhắc lại tham vọng của Hoa Kỳ trong việc gìn giữ hòa bình ở Eo biển Đài Loan nói riêng và toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, khi khẳng định những nhận xét gần đây của Tòa Bạch Ốc rằng quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải qua Eo biển Đài Loan, đồng thời không chùn bước trước hành vi xâm lược của Trung Quốc.
Ông Campbell nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục lái phi cơ, lái tàu, và hoạt động ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép.”
“Đây là những gì thế giới đòi hỏi ở các cường quốc có trách nhiệm.”
Ông Andrew Thornebrooke là phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.