Trung Quốc nhắm vào lỗ hổng đất hiếm của Hoa Kỳ
Trung Quốc được cho là đang tìm cách hạn chế xuất cảng các quặng đất hiếm sang Hoa Kỳ, điều này có thể trở thành một khởi nguồn mới cho sự bất hòa giữa hai nước.
Hồi tháng 01/2021, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã đề xuất dự thảo kiểm soát sản xuất và xuất cảng các quặng đất hiếm và đưa ra thời hạn 30 ngày để lấy ý kiến chung.
Trong suốt thời gian đó, các viên chức cao cấp trong ngành đã được yêu cầu đánh giá xem các công ty Hoa Kỳ và Âu châu có thể bị ảnh hưởng như thế nào nếu Bắc Kinh quyết định cắt nguồn xuất cảng đất hiếm trong bối cảnh tranh chấp song phương, tờ The Financial Times đưa tin, trích dẫn từ những người tham gia các cuộc thảo luận.
“Chính quyền này muốn biết liệu Hoa Kỳ có gặp khó khăn trong việc chế tạo các chiến đấu cơ F-35 hay không nếu như Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất cảng,” một cố vấn của chính quyền Trung Quốc nói với The Financial Times.
Các viên chức cao cấp trong ngành cũng được yêu cầu bàn luận về việc Hoa Kỳ có thể bảo đảm các loại đất hiếm từ những nhà cung cấp khác hoặc tăng năng lực sản xuất của họ nhanh như thế nào.
Đất hiếm là một trong 17 kim loại cần có trong sản xuất phi cơ, máy tính, điện thoại di động, các hệ thống phát và truyền tải điện, và các thiết bị điện tử tiên tiến.
Trung Quốc kiểm soát khoảng 80% nguồn cung các quặng đất hiếm toàn cầu và coi sự thống trị của mình là đòn bẩy để có thể được tận dụng chống lại phương Tây. Không rõ liệu Trung Quốc có thể thực sự vũ khí hóa việc xuất cảng đất hiếm hay không, vì nó có thể phản tác dụng do các nước khác buộc phải tăng năng lực sản xuất của chính mình.
Theo ông Pini Althaus, Giám đốc điều hành của USA Rare Earth, một công ty khai thác đang khai thác mỏ đất hiếm Round Top ở Texas, thì thời gian để tăng năng lực sản xuất trong nước “thực tế có thể rất, rất ngắn” vì có nhiều sự hỗ trợ hơn của chính phủ và sự cải tiến trong ngành.
Trong một tuyên bố, ông Althaus cho biết, “Điềm gở đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ, và bây giờ chúng ta đang tận mắt chứng kiến lý do tại sao chúng tôi lại lên tiếng cảnh báo rằng sự thống trị của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp khoáng sản thiết yếu và đất hiếm là một mối lo ngại về địa chính trị rất bất ổn.”
“Để chống lại nỗ lực của Trung Cộng nhằm bóp nghẹt nền quốc phòng và các kim loại dùng để sản xuất công nghệ cao khác, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình phải tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.”
Năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh để mở rộng và tăng cường khai thác đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác ở trong nước.
“Hoa Kỳ hiện nhập khẩu trực tiếp 80% các nguyên tố đất hiếm từ Trung Quốc, về các phần còn lại thì có nguồn gốc gián tiếp từ Trung Quốc thông qua các quốc gia khác,” ông Trump nói rõ trong sắc lệnh đó. “Trong những năm 80, Hoa Kỳ sản xuất nhiều những nguyên tố này hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, nhưng Trung Quốc đã sử dụng các thủ đoạn kinh tế hung hăng để chiếm lĩnh thị trường toàn cầu một cách chiến lược đối với các nguyên tố đất hiếm và thay thế vị trí của các đối thủ cạnh tranh của họ.”
Năm ngoái, một nhóm lưỡng đảng gồm các nhà lập pháp Hạ viện và Thượng viện cũng đã đưa ra các đề xướng nhằm giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Quốc bằng cách cung cấp các ưu đãi thuế cho ngành công nghiệp đất hiếm.
“Đại dịch toàn cầu đã làm rõ sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc trong việc đáp ứng nhu cầu đối với các khoáng chất quan trọng được sử dụng trong các sản phẩm như xe điện và xe hydrid (xe lai điện), máy tính và thiết bị quân sự,” Dân biểu Henry Cuellar (Dân Chủ-Texas) nói với The Epoch Times.
“Điều cần thiết cho an ninh quốc gia và các lợi ích kinh tế của chúng ta là việc chúng ta giảm bớt sự phụ thuộc về các quặng đất hiếm của quốc gia chúng ta vào Trung Quốc. Tôi đã đồng tài trợ cho Đạo luật RARE để khuyến khích sản xuất trong nước và phát triển chuỗi cung ứng nhất quán của riêng chúng ta. Để tiếp tục là quốc gia hàng đầu thế giới về cải tiến công nghệ và quân sự, chúng ta phải hành động.”
Tòa Bạch Ốc đã không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận từ The Epoch Times.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Tổng thống Joe Biden đã cam kết “đẩy nhanh sự đổi mới trong khả năng phục hồi chuỗi cung ứng” và giải quyết “các vấn đề như phụ thuộc vào các quặng đất hiếm.”
Do Eva Fu thực hiện
Tấn Hưng biên dịch
Xem thêm: