Trung Quốc: Một chuyến hồi hương đầy khó khăn và bất ổn giữa chi phí tăng cao và các quy định nghiêm ngặt
Các công dân Trung Quốc làm việc hoặc học tập ở hải ngoại khó trở về Trung Quốc dưới các biện pháp kiểm soát biên giới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một nhân viên của một công ty quốc doanh Trung Quốc cho biết anh phải nộp cho đại sứ quán Trung Quốc tại Ai Cập tiền bảo lãnh cho chuyến đi của anh, ngoài giá vé phi cơ cao, chi phí cách ly, phí xét nghiệm và nhiều chi phí khác.
Hồi tháng 03/2020, ĐCSTQ đã áp đặt các hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt tại biên giới, bao gồm việc cho phép mỗi hãng hàng không Trung Quốc duy trì một chuyến bay trên một tuyến mỗi tuần từ một quốc gia khởi hành cụ thể. Hành khách được yêu cầu lưu trú tại các khách sạn cách ly khép kín tại quốc gia khởi hành trước khi khởi hành, và khi đến Trung Quốc, phải thực hiện xét nghiệm acid nucleic tại các trung tâm xét nghiệm được đại sứ quán của chính quyền Trung Quốc chỉ định hoặc công nhận, sau đó nộp đơn ghi danh mã sức khỏe xanh lục với kết quả xét nghiệm âm tính để làm thủ tục lên phi cơ.
Ngoài ra, các chuyến bay khan hiếm rất đắt đỏ và thường xuyên bị hủy.
Các công dân Trung Quốc sống ở hải ngoại phàn nàn trên mạng về giá vé phi cơ quá cao, chuyến bay bị hủy nhiều lần, nhiều xét nghiệm acid nucleic cả khi ở hải ngoại lẫn sau đó ở Trung Quốc, kết quả xét nghiệm dương tính giả, và thời gian cách ly dài ở Trung Quốc.
Anh He Bin, một nhân viên công ty quốc doanh của Trung Quốc đang làm việc tại Ai Cập, kể lại những khó khăn mà anh và các đồng nghiệp đã trải qua trong chuyến đi trở về quê nhà hồi đầu năm nay.
Chi phí vé phi cơ tăng cao, hủy chuyến bay liên tục, không bảo đảm được lên phi cơ
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch, anh He Bin (bí danh được sử dụng để an toàn) cho biết anh và các đồng nghiệp đã gặp phải tình trạng bất ổn và giá vé phi cơ cao trên chuyến bay trở về Trung Quốc trong khi hầu hết thế giới đã dần trở lại bình thường.
“Giá vé phi cơ [từ Ai Cập đến Trung Quốc] trước đại dịch là khoảng 4,000 nhân dân tệ (khoảng 600 USD), nhưng bây giờ giá có thể cao tới 80,000 nhân dân tệ (12,000 USD),” anh He Bin nói trong cuộc phỏng vấn. “Đây thực sự là một vụ cướp giữa ban ngày!”
Hồi tháng 04/2021, các nhà chức trách hàng không dân dụng của Trung Quốc đã ban hành một thông báo về “Các Biện pháp Ngắt mạch”, nghĩa là các chuyến bay sẽ bị tạm dừng trong những khoảng thời gian khác nhau tùy thuộc vào số ca dương tính [với Covid-19] khi một chuyến bay đến nơi. Do đó, các chuyến bay thường xuyên bị hủy bỏ trong thời gian ngắn.
Ngay cả khi một chuyến bay đã đặt trước không bị hủy, thì hành khách vẫn có khả năng không thể lên phi cơ.
Anh He Bin nói rằng hãng hàng không này lấy kết quả xét nghiệm dương tính làm cái cớ để khiến hành khách bị lỡ chuyến bay.
“Giả sử một chuyến bay có sức chứa 300 chỗ, nhưng hãng hàng không bán ra 400 vé và cho phép 400 hành khách có vé này làm thủ tục tại một khách sạn cách ly địa phương. Sau đó, họ (nhân viên hàng không) thông báo ‘Kết quả xét nghiệm của quý vị là dương tính’ với 100 hành khách và không cho phép 100 hành khách đó lên phi cơ.”
Anh He Bin nói: “Phí cách ly khách sạn, phí xét nghiệm, và vé phi cơ sẽ không được hoàn lại, và một khoản phụ phí hơn 1,500 USD nếu đổi vé sang chuyến bay muộn hơn.”
Theo anh He Bin, đây là một trường hợp có thật và hầu hết những người nhận được kết quả xét nghiệm dương tính tại khách sạn cách ly đều nhận được kết quả âm tính khi họ được xét nghiệm lại tại các trung tâm xét nghiệm địa phương.
Trên trang web Hoa ngữ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ai Cập, một thông báo đề ngày 22/06/2021 có nội dung: “Trong số 484 hành khách đã đặt vé cho hai chuyến bay đến Trung Quốc từ ngày 13 đến ngày 19 tháng Sáu, 108 hành khách đã có kết quả xét nghiệm dương tính từ các cơ quan xét nghiệm Cairo. Đại sứ quán đã phân loại số hành khách này theo các quy định và chính sách phòng chống dịch, đồng thời thu xếp sắp đặt phù hợp cho họ.”
Theo anh He Bin và khoảng 30 đồng nghiệp của anh, giá vé phi cơ một chiều dao động từ 6,000 USD đến hơn 9,000 USD. Họ không phải là những người duy nhất trả giá vé cắt cổ.
Một blogger Trung Quốc có tên “German Pie” đã đăng một video trên mạng xã hội Trung Quốc về một sinh viên Trung Quốc từ Đức về Trung Quốc. Rốt cuộc, người sinh viên này đã mua ba vé, với giá từ hơn 1,500 USD đến 14,000 USD bởi vì hai chuyến bay đầu tiên đã bị hủy và không được hoàn lại tiền. Anh đã lên phi cơ thành công với chiếc vé thứ ba và đắt đỏ nhất.
Trong đoạn phim, anh sinh viên này cho biết anh đã “rút tiền thấu chi thu nhập của ba năm” để mua vé phi cơ – mức lương trung bình hàng tháng ở quê nhà anh ở tỉnh Sơn Đông là khoảng 450 USD.
Các sinh viên khác trong video cho biết họ đã đợi cả ngày ở phi trường, với hy vọng có thể nhận mua được vé về nước.
“Đại dịch đã trải qua ba năm và việc quay trở lại Trung Quốc đã nằm ngoài khả năng của hầu hết người Hoa ở hải ngoại,” blogger German Pie viết trong bài đăng.
The Epoch Times không thể kiểm chứng các giá vé này.
Các khoản phí khác
Ngoài tiền vé phi cơ, anh He Bin và đồng nghiệp phải trả thêm nhiều khoản phí khác.
Anh He Bin cho biết: “Phí cách ly khách sạn tại Ai Cập, chi phí 14 ngày cách ly tại Trung Quốc, phí xét nghiệm trước khi nhận phòng tại khách sạn, một bộ đồ bảo hộ cá nhân — gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang N95, kính bảo hộ, bao tay, bao chân — tất cả những thứ này sẽ cộng thêm khoảng 3,000 USD.”
Anh nói rằng các hành khách và thành viên phi hành đoàn người Trung Quốc là những người duy nhất mặc đồ bảo hộ tại phi trường Cairo và những người khác nhìn họ như thể họ nghĩ rằng họ rất kỳ quặc.
Nếu có vấn đề gì xảy ra trong khi chờ đợi, người ta phải bắt đầu lại quy trình: thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của đại sứ quán, ghi danh mã sức khỏe xanh lục do đại sứ quán cấp, và nhận phòng khách sạn được chỉ định bằng kết quả âm tính và mã xanh lục, và hy vọng sẽ đủ may mắn để lên phi cơ.
Anh He Bin cho biết, anh và các đồng nghiệp đã trở về Trung Quốc vì nhiều lý do cá nhân khẩn cấp khác nhau: cha mẹ ốm, dự đám cưới hoặc vợ chuẩn bị sinh em bé. Vì vậy, công ty đã tìm được một người liên hệ tại đại sứ quán, thông qua đó họ đã trả cho đại sứ quán một số tiền để bảo đảm chuyến đi được suôn sẻ.
Epoch Times không thể kiểm chứng khoản phí bảo lãnh đó và đã liên hệ với đại sứ quán Trung Quốc tại Ai Cập.
Đại sứ quán Trung Quốc trả lời rằng khiếu nại của người dân về việc trả tiền cho đại sứ quán như một sự bảo lãnh là “không đúng sự thật.”
Bản tin có sự đóng góp của Gao Miao và Gu Xiaohua.