Chiến lược về Trung Quốc của Chính phủ Biden: Hoa Kỳ sẽ không ‘tách rời’ Trung Quốc
Hôm 26/05, Ngoại trưởng Antony Blinken đã công bố chiến lược về Trung Quốc của chính phủ Tổng thống Biden, trong đó Hoa Kỳ sẽ không tìm cách tách nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc.
“Hoa Kỳ không muốn tách nền kinh tế Trung Quốc khỏi nền kinh tế của chúng ta hoặc khỏi nền kinh tế toàn cầu mặc dù theo luận điệu của Bắc Kinh, họ đang theo đuổi sự tách biệt bất đối xứng, tìm cách làm cho Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào thế giới và thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc,” ông Blinken cho hay.
“Cạnh tranh không nhất thiết phải dẫn đến xung đột. Chúng ta không truy cầu điều này. Chúng ta sẽ làm sao để tránh cho điều này xảy ra. Nhưng chúng ta sẽ bảo vệ lợi ích của mình trước bất kỳ mối đe dọa nào.”
Ông Blinken, người vạch ra chiến lược của chính phủ cho Hiệp hội Á Châu thuộc Đại học George Washington, nói rằng Hoa Kỳ sẽ không ngăn cản việc Trung Quốc vươn lên vị thế cường quốc, nhưng sẽ tìm cách bảo đảm rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc phải tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đã giúp họ đạt được vị thế siêu cường.
Chiến lược này có thể bị những thành phần hiếu chiến ở Quốc hội coi là không đủ. Họ cho rằng việc cắt đứt hai nền kinh tế này, hoặc ít nhất là dòng công nghệ trọng yếu giữa hai quốc gia là điều thiết yếu để Hoa Kỳ có thể chống lại chiến lược chiến tranh hỗn hợp không hạn chế của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Ông Blinken thừa nhận rằng Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng kể từ khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình lên nắm quyền từ năm 2012, nhưng cho biết Hoa Kỳ sẽ nỗ lực để bảo đảm rằng môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc là thuận lợi cho Hoa Kỳ, thay vì đối đầu trực tiếp với quốc gia này.
“Dưới thời Chủ tịch Tập, ĐCSTQ cầm quyền trở nên hà khắc hơn ở nội địa và hung hăng hơn ở hải ngoại,” ông Blinken nói.
“Chúng ta không thể trông chờ Bắc Kinh thay đổi quỹ đạo của họ. Vì vậy, chúng ta sẽ định hình môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh để thúc đẩy tầm nhìn của chúng ta về một hệ thống quốc tế rộng mở, toàn diện.”
Chính phủ của Tổng thống Joe Biden phần lớn đã tiếp tục nhiều chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump, bao gồm thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời theo đuổi những mối ràng buộc kinh tế và an ninh chặt chẽ hơn với các quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của ĐCSTQ. Tuy nhiên, chính phủ đương nhiệm cũng chịu sự chỉ trích gay gắt vì đã không đẩy lùi mạnh mẽ hơn hoạt động gián điệp công nghiệp, hành vi xâm lược quân sự và vi phạm nhân quyền tràn lan của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Ông Blinken cho biết Hoa Kỳ sẽ quyết liệt theo đuổi một chiến lược được ông gọi là “Mô hình Hoa Kỳ” mà ông định nghĩa đơn giản là “Đầu tư. Liên kết. Cạnh tranh.”
Theo mô hình này, Hoa Kỳ sẽ đầu tư vào các đồng minh của mình, liên kết với các đối tác có tư tưởng dân chủ và tìm cách vượt lên trên Bắc Kinh trong bối cảnh ngày càng mở rộng của trật tự quốc tế dựa trên quy tắc.
Để đạt được điều đó, ông Blinken cho rằng Hoa Kỳ sẽ phải chống lại bộ máy nhà nước độc đảng đàn áp của Trung Quốc bằng cách chứng tỏ tính hợp pháp và đúng đắn của chủ nghĩa tự do quốc tế, mà theo ông không dựa trên “các giá trị phương Tây” mà là dựa trên “những khát vọng toàn cầu.”
Tổng thống Biden cho rằng: “Chúng tôi không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc. Nhiệm vụ của chúng tôi là chứng minh một lần nữa rằng nền dân chủ có thể đối phó được trước những thách thức đang nổi lên, tạo ra cơ hội và nâng cao phẩm giá con người. Tương lai thuộc về những ai tin vào tự do.”
“Đây không phải là việc buộc các quốc gia phải lựa chọn, mà là để cho họ lựa chọn.”
Ông Blinken đặc biệt lên án quyết định của Bắc Kinh tham gia vào quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga dẫn đến cuộc xâm lược Ukraine, cũng như những nỗ lực đơn phương của ĐCSTQ nhằm lợi dụng chiến tranh kinh tế đối với Đài Loan và Úc để cô lập họ khỏi trật tự thế giới.
Ông nói rằng mục đích của trật tự quốc tế không phải là buộc bất kỳ quốc gia nào phải hành động theo một cách nào đó, mà là để cho phép họ “viết ra tương lai của chính họ với tư cách là các quốc gia có chủ quyền bình đẳng như nhau.”
Ông Blinken nói thêm rằng ĐCSTQ đang khai thác “xã hội mở” của Hoa Kỳ bằng cách sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội và truyền thống của họ để “phát tán thông tin sai lệch và tuyên truyền,” đồng thời cấm các nền tảng của Hoa Kỳ như Twitter hoạt động ở Trung Quốc.
“Sự bất cân xứng này là điều không thể chấp nhận được và không thể duy trì được,” ông nói.
Nói chung, ông cho rằng sứ mệnh của Hoa Kỳ là bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế để có thể tạo ra hòa bình và hòa hợp quốc tế, nhưng ĐCSTQ lại có khả năng thách thức trật tự đó.
Ông Blinken nói: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó.”
“Nói một cách đơn giản, Hoa Kỳ và Trung Quốc phải đối phó với nhau trong tương lai trước mắt.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: