Trung Quốc lập quỹ 44 tỷ USD để cứu vãn các nhà phát triển bất động sản
Trung Quốc có kế hoạch thành lập một quỹ 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 44.4 tỷ USD) để hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện các dự án của mình, trong khi hơn nửa triệu người mua nhà đã ngừng thanh toán thế chấp căn nhà chưa hoàn thành của họ vào tháng Bảy.
Nền tảng thông tin tài chính REDD đưa tin hôm 26/07 rằng, quỹ này do Quốc Vụ Viện thiết lập nên. Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã đóng góp 50 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7.4 tỷ USD) và ngân hàng trung ương của Trung Quốc – Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) – góp 30 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4.44 tỷ USD). Báo cáo không chỉ ra tổ chức nào sẽ chi phần còn lại.
Tuy nhiên, số tiền quỹ này thậm chí không thể lấp đầy cái vòng lặp mà “những tòa nhà cụt đuôi”, hay còn gọi là những ngôi nhà chưa hoàn thiện được bán trước đã tạo ra.
Chính phủ Trung Quốc cho phép các nhà phát triển bất động sản bán trước các căn hộ ngay cả khi các tòa nhà mới chỉ là bản vẽ. Người mua nhà cần phải trả toàn bộ giá, bao gồm một khoản trả trước và khoản vay thế chấp sau khi họ ký hợp đồng. Dự án trở thành “những tòa nhà cụt đuôi” khi chủ đầu tư tạm dừng thi công 12 tháng.
Viện Nghiên cứu Bất động sản E-House Thượng Hải do nhà nước điều hành đã báo cáo hôm 18/07 rằng có khoảng 900 tỷ nhân dân tệ (khoảng 133 tỷ USD) trong các khoản thế chấp liên quan đến “các tòa nhà cụt đuôi” ở Trung Quốc. Người mua bắt đầu từ chối trả các khoản vay thế chấp vào tháng Bảy.
Đến hôm 26/07, các nạn nhân từ 113 thành phố ở 26 tỉnh đã liệt kê 321 dự án xây dựng dở dang trên GitHub. Họ đã tải lên các bức ảnh và tuyên bố để xác minh tính xác thực của các tuyên bố. E-House tính toán rằng trung bình có 1,701 căn hộ trong một dự án, nghĩa là khoảng 550,000 người mua không thể dọn vào những căn nhà mà họ đã mua.
E-House đã cảnh báo trong báo cáo thường niên năm 2022 rằng những người mua 3.85% các dự án bất động sản ở Trung Quốc có thể từ chối thanh toán khoản vay thế chấp vì những ngôi nhà bán trước mà họ đã mua là “những tòa nhà cụt đuôi”, mặc dù điều đó có nghĩa là họ sẽ bị hạ điểm tín dụng xã hội.
Hệ thống tín dụng xã hội là một biện pháp mà chính phủ Trung Quốc sử dụng để kiểm soát người dân. Chính phủ này không cho phép những người có điểm thấp đi phương tiện công cộng hoặc cho phép con cái của họ đi học ở các trường công lập.
Lãnh đạo ngân hàng: Quỹ Nhà nước sẽ không giải quyết được vấn đề
Hãng thông tấn Jiemian News của nhà nước đưa tin hôm 22/07, ngoài 44.4 tỷ USD tiền quỹ nhà nước, các chính phủ địa phương ở Giang Tây thuộc miền Đông, Hồ Nam thuộc miền Trung, Vân Nam thuộc Tây Nam, Thiểm Tây thuộc Tây Bắc, và các tỉnh Phúc Kiến thuộc miền Nam Trung Quốc cũng phát động các quỹ địa phương để giúp các nhà phát triển bất động sản.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và chủ ngân hàng không cho rằng các quỹ này có thể giải quyết được vấn đề.
Ông Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong), một học giả kinh tế và chính trị có bằng Tiến sĩ xã hội học tại Đại học Princeton, nhận xét hôm 24/07: “Trừ khi là chính phủ Trung Quốc muốn đổ hết tiền của họ vào thị trường bất động sản.” Ông Cheng không nghĩ rằng chế độ này sẽ sử dụng ngân khố quốc gia của mình.
“Một quỹ không thể giải quyết được vấn đề,” ông Zheng Yi, một cựu giám đốc ngân hàng đầu tư Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 21/07. “Vấn đề tòa nhà cụt đuôi là một vấn đề tích tụ. Nó cần những chính sách mới và một lượng kinh phí lớn để giải quyết.”
Ông Zheng nói rằng các nhà phát triển mua đất từ một chính phủ địa phương, bán căn hộ cho các cá nhân, hối lộ các quan chức chính phủ và ngân hàng để dự án tiến triển thuận lợi, bỏ tiền vào túi của họ, sau đó trả tiền cho việc xây dựng.
Các chủ đầu tư vay tiền từ các ngân hàng. Đồng thời, người mua được vay thế chấp từ ngân hàng. Với các khoản vay và thu nhập từ bán hàng, các nhà phát triển sẽ có đủ tiền để hoàn thành một dự án. Tuy nhiên, họ không thể hoàn thành dự án nếu không tính toán và kiểm soát tốt các chi phí. Mặt khác, các ngân hàng cung cấp các khoản vay và thế chấp đang gặp rủi ro lớn khi dự án còn dang dở.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ phải sử dụng tiền của người nộp thuế.
Ông Zheng nói, “Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ một số nhà phát triển mà họ muốn giúp đỡ. Chính phủ không có khả năng giúp tất cả.”
Ông Zheng tin rằng sẽ có những phản ứng dây chuyền. Những người mua nhà mới sẽ chỉ mua từ các nhà phát triển đã nhận được tiền của chính phủ. Các nhà phát triển khác sẽ phá sản nhanh hơn, có nghĩa là họ không thể trả lại các khoản vay của mình hoặc hoàn thành tất cả các dự án. Sau đó, các ngân hàng không có gì để tịch thu và không thể thu hồi các khoản cho vay và thế chấp. Các ngân hàng đối mặt với nguy cơ phá sản và không thể phát hành thêm bất kỳ khoản vay nào cho các nhà phát triển còn sống sót.
Ông Zheng nói: “Thật khó để giải quyết vấn đề. Tôi nghĩ vấn đề tồi tệ nhất trong ngành bất động sản Trung Quốc là người tiêu dùng và nhà đầu tư không có niềm tin vào thị trường.”
Niềm tin thị trường
Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã thiếu người mua kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đồng thời, ngày càng có nhiều người cố gắng bán nhà của họ. Để hồi sinh thị trường này, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách khuyến khích hoặc ép buộc người dân mua nhà.
Kể từ tháng Sáu, được biết ít nhất 9 thành phố của Trung Quốc đã đang khuyến khích người dân, bao gồm cả các nhân viên chính phủ, “mua theo nhóm” các bất động sản được chỉ định nhằm nỗ lực thúc đẩy doanh số bán bất động sản tại địa phương.
Hôm 13/06, chính phủ quận Hoàng Đảo ở thành phố Thanh Đảo, đã thông báo công khai rằng bất kỳ cư dân nào có đủ tiền tiết kiệm trong ngân hàng nên mua một ngôi nhà mới, các quan chức phải nói chuyện với bất kỳ cư dân nào không muốn mua nhà và các viên chức của mỗi khu vực trong quận này sẽ bị phạt nếu cư dân trong cộng đồng mua ít hơn hai ngôi nhà mới trong tháng Sáu.
Một số chính quyền thành phố, bao gồm cả thành phố Trung Sơn, đã ban hành lệnh giới hạn trong đó quy định “khoảng thời gian giữa mỗi lần điều chỉnh giá bán của một tòa nhà dân cư mới không được dưới 3 tháng và mức giảm không quá 5%”.
Các nhà phát triển gặp khó khăn đang sử dụng nhiều cách để quảng bá sản phẩm của họ.
Tại tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, các nhà phát triển đã đề nghị lấy cây lúa mì và cây tỏi làm khoản trả trước.
Một quảng cáo của Central China Real Estate cho biết người mua có thể sử dụng loại cây này, được định giá 26.7 xu/pound để bù lại 23,900 USD cho khoản trả trước trong một trong những dự án phát triển nhà của họ.
Ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, các nhà phát triển đã đề nghị lấy cây đào và dưa hấu làm khoản trả trước.
Tuy nhiên, các chính sách và chương trình khuyến mãi này chỉ có thành công hạn chế.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố một báo cáo hôm 15/07 cho biết tổng doanh số bán nhà giảm 26.2% trong nửa đầu năm, so với năm 2021 và tổng giá trị bán nhà giảm 31.8%.
Cùng ngày hôm đó, cục này cũng công bố số liệu thống kê về chỉ số giá nhà của 70 thành phố trong tháng Sáu cho thấy giá nhà ở 34 thành phố đã giảm xuống mức thấp hơn so với tháng 06/2020. Sáu thành phố trong số đó đã giảm xuống mức bằng tháng 06/2017.
Nỗi buồn của người mua nhà
Vấn đề có rất nhiều tòa nhà chưa hoàn thành là quá lớn để che giấu. Chính phủ đã không cấm các bài đăng liên quan trên mạng xã hội. Ngay cả các phương tiện truyền thông nhà nước cũng đưa tin về nỗi buồn của những người mua nhà là nạn nhân.
Cư dân Li Mingyu (bí danh), 30 tuổi, ở Vũ Hán chia sẻ với The Epoch Times hôm 13/07 rằng: “Tôi đã vay 500,000 nhân dân tệ (khoảng 74,000 USD) từ người họ hàng để trả trước và trả hơn 6,000 nhân dân tệ (khoảng 890 USD) cho khoản vay thế chấp hàng tháng.” Theo hợp đồng, nhà phát triển hứa với cô Li rằng tòa nhà sẽ xong xuôi vào cuối năm 2021 nhưng đã hoàn toàn bị ngừng thi công vào tháng Chín năm ngoái.
Cô Li cho biết tiền lương của cô không nhiều và cô cảm thấy cuộc đời mình sẽ hoàn toàn sụp đổ nếu cô tiếp tục trả tiền vay thế chấp cho một ngôi nhà đang xây dở.
Yang Yue (bí danh) và chồng đã chuyển đến Trịnh Châu vài năm trước để kinh doanh đồ nội thất. Họ không có địa chỉ đăng ký tại địa phương mà chính phủ sử dụng để kiểm soát nơi mọi người chuyển đến. Để gửi con trai đến một trường học trong thành phố, họ phải có nhà riêng.
Cô Yang nói với The Epoch Times hôm 23/07: “Chúng tôi đã mua căn hộ bán trước đó vào năm 2020. Nhà phát triển sẽ trao chìa khóa cho chúng tôi vào năm 2023.”
Cô Yang và những người mua nhà khác phát hiện ra rằng chủ đầu tư đã ngừng xây dựng tòa nhà vào năm ngoái và không cung cấp cho họ bất kỳ thông tin nào về thời điểm họ sẽ nối lại dự án. Đồng thời, việc bán đồ nội thất ngày càng khó khăn hơn. “Mọi người trở nên nghèo hơn và nền kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ.”
Đối mặt với các hóa đơn tiền thuê cửa hàng, tiền thuê nhà hiện tại, chi phí sinh hoạt và học hành cho con trai, cô Yang cho biết cô rất hối hận vì đã mua căn nhà bán trước đó.
Tờ Huashang của nhà nước đã đưa tin vào tháng Ba rằng hơn 300 người mua nhà ở Tây An không có đủ tiền để thuê một ngôi nhà đã hoàn thiện, và đã chuyển đến những căn hộ bán trước chưa hoàn thiện mà họ đã mua vào năm 2013 hoặc 2014. Các tòa nhà chung cư chưa hoàn thiện này không có điện, nước, hệ thống sưởi, hoặc phòng tắm. Còn tường và sàn chỉ là xi măng thô.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.