Trung Quốc hòa hoãn với Ấn Độ, hay đại loại như vậy
Những lo sợ về sự cô lập và đối địch ngày càng gia tăng từ phương Tây dường như đã làm dịu thái độ của Trung Quốc đối với Ấn Độ
Sau nhiều năm hiếu chiến, Trung Quốc đã bắt đầu hòa hoãn với Ấn Độ. Thương mại giữa hai nước đã tăng mạnh, đây rõ ràng là một xu hướng quan trọng đối với Bắc Kinh, vốn đã bắt đầu cảm thấy không chắc chắn về quan hệ thương mại của mình với Nhật Bản và phương Tây. Mặc dù gần đây thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ có vẻ sẽ tiếp tục lao trên quỹ đạo tuột dốc, nhưng [có dấu hiệu cho thấy] một mối bang giao gần gũi hơn [mà] có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Dòng xuất nhập cảng giữa Trung Quốc và Ấn Độ chắc chắn đã có những bước tiến đáng kinh ngạc trong thời gian gần đây. Thương mại tổng thể đã tăng 47% chỉ riêng trong năm 2021. Đó là con số thống kê theo Bộ Thương mại Ấn Độ. Thống kê của Bắc Kinh chỉ kém ấn tượng hơn một chút. Họ ghi nhận một mức tăng 45%. Xuất cảng của Trung Quốc sang Ấn Độ tăng 49%. Xuất cảng của Ấn Độ sang Trung Quốc tăng ít hơn nhiều nhưng vẫn tăng mạnh ở mức 21%.
Trung Quốc, với mô hình tăng trưởng do xuất cảng, đã hoan nghênh điều này. Điều tương tự cũng xảy ra với New Delhi, mặc dù nhiều người Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng tăng của Ấn Độ với Trung Quốc. Năm 2021, mức thâm hụt này tương đương 64.5 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 51.3 tỷ USD được ghi nhận chỉ hai năm trước. Bắc Kinh đã bày tỏ sẵn sàng giúp Ấn Độ giải quyết tình trạng mất cân bằng, nhưng New Delhi nhận thức rõ rằng Bắc Kinh đã đưa ra những cam kết tương tự với Hoa Kỳ trong nhiều năm nhưng hầu như không hữu hiệu.
Trong khi đó, Ấn Độ đã đưa ra một cam kết thay thế các sản phẩm của Trung Quốc bằng cách phát triển sự cạnh tranh nội địa đối với các thành phẩm chiếm phần lớn những sản phẩm Trung Quốc bán ở Ấn Độ. Bắc Kinh không mấy vui vẻ với mục tiêu này mà coi đó là một mối lo xa.
Lịch sử đối địch giữa hai quốc gia làm cho sự chuyển dịch thương mại này khá đáng chú ý. Hai nước trong khoảng 70 năm qua vẫn tranh cãi về cái gọi là “Tuyến Kiểm soát Thực tế (LAC)” trên dãy Himalaya. Thật vậy, đã có hai cuộc đọ súng lớn dọc theo tuyến này chỉ trong vài năm qua. Năm 2017, một số người đã thiệt mạng ở vùng Poklam, và vào tháng Năm năm ngoái (2021), một điều tương tự đã xảy ra ở Ladakh.
Ấn Độ cũng cực độ nhạy cảm về mối bang giao thân thiết của Trung Quốc với Pakistan, đối thủ của Ấn Độ kể từ khi độc lập vào cuối những năm 1940. Các nguồn tin Ấn Độ nhanh chóng chỉ ra trong chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị rằng ông không chỉ tham gia cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ở Islamabad mà còn nói về Kashmir, một trọng tâm chính trong căng thẳng Ấn Độ-Pakistan. Sẽ rất khó để vượt qua lịch sử này. Dấu hiệu là không có sự kiện nào trong số khoảng 70 sự kiện được lên kế hoạch trong hoạt động tiếp cận ngoại giao năm ngoái giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã diễn ra.
Bất chấp tất cả lịch sử đối địch này, căn nguyên của sự thay đổi thái độ của Trung Quốc là đủ rõ ràng. Họ muốn Ấn Độ ít nhất bắt đầu thay thế các mối quan hệ thương mại quan trọng nhưng gặp nguy cơ gần đây mà Trung Quốc có với phương Tây và Nhật Bản.
Những dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện vào năm 2019 khi Tòa Bạch Ốc của cựu Tổng thống Trump áp đặt mức thuế cao đối với hàng nhập cảng từ Trung Quốc, mức thuế mà Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên. Thật vậy, đại diện thương mại của ông Biden, bà Katherine Tai, tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc theo cách không khác gì so với những cách của chính phủ cựu Tổng thống Trump. Trong khi đó, một số dự luật lưu hành tại Quốc hội sẽ hạn chế nguồn cung ứng của Hoa Kỳ tại Trung Quốc và các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào doanh nghiệp Trung Quốc. Tất cả những điều này khác xa với sự khích lệ và lòng kiên nhẫn của chính phủ cựu Tổng thống Obama và của cựu Tổng thống George W. Bush trước ông.
Liên minh Âu Châu (EU) đã chọn một lập trường ít đối đầu hơn Hoa Kỳ, nhưng ở đây Trung Quốc cũng vấp phải sự phản kháng đối với các mối quan hệ thương mại vốn từng được đón nhận. EU thậm chí đã tham gia một loại cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI, còn gọi là “Một Vành đai, Một Con đường”, hay “Nhất Đới, Nhất Lộ”). Canada cũng đã thể hiện sự phản kháng đối với các mối quan hệ thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc, trong khi Nhật Bản và Úc tiếp tục phản đối cách tiếp cận hống hách của Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại. Úc vẫn đang phải đối mặt với mức thuế cao chỉ vì yêu cầu điều tra về nguồn gốc COVID-19, trong khi vào năm 2010, Bắc Kinh, tức giận về các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông, đã tạm thời cắt đứt quyền tiếp cận kim loại đất hiếm của Nhật Bản.
Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến những khó khăn của Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn này càng trở nên bế tắc hơn. Hoa Thịnh Đốn, London, Brussels, Tokyo, và các cường quốc khác áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã buông xuôi việc Bắc Kinh không sẵn lòng tham gia với họ, nhưng họ đã nhận thấy sự tăng trưởng liên tục của thương mại Trung-Nga. Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh đã cảnh báo Bắc Kinh rằng họ sẽ phải gánh chịu hậu quả thương mại nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ cung cấp vũ khí cho Nga hoặc giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt. Cảnh báo từ phương Tây và Nhật Bản này đang thúc đẩy mong muốn của Bắc Kinh trong việc tìm kiếm thị trường ở những nơi khác, đặc biệt là ở nền kinh tế tương đối lớn của Ấn Độ khi mà New Delhi đã từ chối tham gia cơ chế trừng phạt chống lại Nga.
Tất nhiên, Ấn Độ không cách nào thay thế được các thị trường Hoa Kỳ, Âu Châu, và Nhật Bản. Ngay cả sau sự cải thiện ấn tượng vào năm ngoái, thì tổng kim ngạch xuất cảng của Trung Quốc sang Ấn Độ [vẫn chỉ] đạt 87.5 tỷ USD. Con số này quá khiêm tốn so với mức xuất cảng 480 tỷ USD của Trung Quốc sang Hoa Kỳ vào năm ngoái hay 553.7 tỷ USD xuất cảng sang EU. Nhưng trong hoàn cảnh này, Bắc Kinh có động cơ mạnh mẽ để tận dụng tất cả các lựa chọn thay thế, đặc biệt là những nước như Ấn Độ, nơi có tiềm năng tăng trưởng.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều thực lòng muốn cải thiện thương mại hơn nữa. Trung Quốc cần phải giảm khả năng bị tổn thương trước các đối tác thương mại phương Tây và Nhật Bản đang ngày càng trở nên đáng ngờ. Ấn Độ muốn mở rộng nền kinh tế và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Những mong muốn này — những nhu cầu này — có thể sẽ vượt qua những hiềm khích lâu dài và mong muốn điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại của Ấn Độ. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều thời gian và thậm chí lâu hơn nữa để Ấn Độ đạt đến gần tư cách một lựa chọn thay thế cho bất kỳ hoạt động thương mại nào bị mất giữa Trung Quốc với Nhật Bản và phương Tây.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Niên Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: