Trung Quốc: Giới nhà giàu bán đồ xa xỉ để đổi lấy tiền mặt trong bối cảnh suy giảm kinh tế
Nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là lĩnh vực hàng xa xỉ đang suy giảm, trong đó ngày càng có nhiều người giàu bán túi xách hoặc đồng hồ hàng hiệu của họ để đổi lấy thêm tiền mặt.
Nhà quan sát Trung Quốc Hạ Nhất Phàm (Xia Yifan) nói với The Epoch Times hôm 05/08 rằng người tiêu dùng Trung Quốc, bao gồm cả những người giàu có, ngần ngại mua những món đồ xa xỉ vì họ không có đủ tiền và thậm chí phải bán những món đồ hàng hiệu của mình để duy trì cuộc sống.
Ông nói, nhìn chung, suy giảm kinh tế và tác động của các biện pháp “zero COVID” lặp đi lặp lại đã làm chậm tốc độ tăng trưởng ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc.
Suy giảm kinh tế
Ông Hạ nói: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt đóng cửa, mà chính quyền địa phương thì không quan tâm.” Ông nói thêm rằng đối với các quan chức Đảng Cộng sản, việc thực hiện mệnh lệnh chính trị của Bắc Kinh có thể quan trọng hơn việc tập trung vào sinh kế của người dân và nền kinh tế, chưa kể họ không có đủ khả năng để giải quyết vấn đề.
Ông Hạ nói, do thiếu an toàn tài chính, nhiều người Trung Quốc tỏ ra bi quan và đang tìm đường thoát thân, một số định di cư ra ngoại quốc và một số khác thì thanh lý tài sản để có được nhiều tiền mặt hơn về tay.
Một nhà thẩm định đồ xa xỉ có ảnh hưởng họ Điền (Tian) nói với hãng thông tấn Trung Quốc Shanghai Hotline hôm 02/08 rằng nhiều khách hàng gần đây đã liên lạc với ông để bán những chiếc túi hàng hiệu mà họ đã mua từ ông, với giá chiết khấu.
Theo ông Điền, chiếc túi hàng hiệu Hermes Himalaya, từng được đầu cơ với mức giá trên trời gần 1.5 triệu nhân dân tệ (khoảng 220,000 USD) trong hai năm qua, đã giảm ít nhất 10% giá trị. Thương hiệu đồng hồ cao cấp Patek Philippe cũng giảm giá trên thị trường thứ cấp.
Một nữ khách hàng ở Hàng Châu, một trung tâm thương mại điện tử quan trọng ở Trung Quốc, đã bán cho ông Điền hơn 10 chiếc túi Hermes để nhanh chóng có được tiền mặt. Một vài chiếc trong số đó đã được mua ở chỗ ông Điền hồi năm ngoái.
Cô nói với ông Điền rằng công ty của chồng cô đang gặp khó khăn, và “dòng tiền khá eo hẹp”, nên hiện tại cô đang rất cần tiền mặt.
Ông Điền nói rằng hầu hết các túi xách mà ông thu hồi không phải từ các nhà bán lẻ mà từ các cửa hàng đã đóng cửa của bạn bè ông.
Ông cho hay, “Từ nửa đầu năm nay, nhiều cửa hàng bán đồ hiệu đã qua sử dụng hầu như không có khách, hàng hóa bán trực tuyến bị tồn đọng tại tại nơi chuyển phát nhanh. Hàng hóa tích trữ vẫn còn đó không bán được, và chuỗi dòng vốn cũng theo đó mà đứt gãy.”
Theo Shanghai Hotline, cô Lý Di (Li Yi) làm trong ngành công nghiệp hàng xa xỉ cũng đã thu hồi được nhiều món đồ hiệu lớn trong năm nay. Đầu tháng Tư, cô nhận được gần 30 tin nhắn từ khách hàng muốn bán túi xách hàng hiệu của họ.
Cửa hàng của cô Lý nằm trong một tòa nhà văn phòng gần Tượng Thành, một khu tài chính ở thành phố Hàng Châu.
Cô kể: “Có lần, một người đàn ông mang theo những món đồ hiệu trị giá 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 440,000 USD), bao gồm đồng hồ, túi xách, và một số đồ trang sức.”
Cô Lý có cảm giác là các thương hiệu cao cấp sẽ khó bán được hàng trong năm nay. “Mọi người không có tiền để tiêu do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch đang diễn ra.”
Các chính sách phong tỏa COVID của Trung Quốc đã dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng xa xỉ và các dòng thương mại ngoại quốc.
Ông Hạ nói, “Đây mới chỉ là bước khởi đầu, và nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm trong tương lai,” dựa trên tình trạng hiện tại của nền kinh tế đất nước và sinh kế của người dân.
Bà Ellen Wan đã làm việc cho ấn bản The Epoch Times tiếng Nhật từ năm 2007.