Trung Quốc: Đợt nắng nóng kỷ lục trên 43 độ ảnh hưởng đến 900 triệu người dân
Trung Quốc hiện đang trải qua một đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong hơn 60 năm trở lại đây. Hôm 13/07, Trung tâm Khí tượng Quốc gia của nước này tuyên bố rằng hơn 900 triệu người dân đã bị ảnh hưởng.
Những mái nhà tan chảy, những con đường nổ tung, một số cây đang sống cháy âm ỉ dưới ánh nắng chói chang, người dân gọi cấp cứu vì sốc nhiệt do nắng nóng và một số đã qua đời tại bệnh viện.
Trung tâm khí tượng cảnh báo hôm 16/07 rằng nắng nóng không có dấu hiệu suy giảm trong 10 ngày tới, nhiệt độ cao nhất sẽ vượt mức 43°C (110°F), trong đó Trung Quốc sẽ chứng kiến nhiều khu vực bị lũ lụt, trong khi các khu vực khác lại gặp hạn hán.
Cái nóng khắc nghiệt
Hôm 13/07, hãng thông tấn The Paper của nhà nước đã báo cáo dữ liệu chính thức mới nhất thu được từ trung tâm khí tượng. “[Các đợt nắng nóng trong khu vực] rất khắc nghiệt khiến nước ta bị ảnh hưởng rất lớn,” báo cáo nêu rõ. “Tính đến ngày 12/07, các đợt nắng nóng đã kéo dài trong 30 ngày, bao phủ diện tích 5.021 triệu km vuông (1.94 triệu dặm vuông, hay hơn một nửa Trung Quốc), và ảnh hưởng đến hơn 900 triệu người.”
Theo báo cáo, 71 trạm khí tượng quốc gia ở Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử từ ngày 13/06 đến ngày 12/07 và mức kỷ lục là gần 44.5°C (112°F).
The Paper dẫn lời trung tâm khí tượng, “Trung bình, từ ngày 01/06 đến ngày 12/07, Trung Quốc có 5.3 ngày có mức nhiệt đạt 35°C (95°F) hoặc cao hơn. Đây là nhiều hơn 2.4 ngày so với mức trung bình, và là con số cao nhất kể từ năm 1961.”
Đưa tin về thời tiết là một nhiệm vụ chính trị ở Trung Quốc vì thông báo nhiệt độ quá cao sẽ kéo theo những hậu quả chính trị. Bởi vì một số thành phố của Trung Quốc có quy định rằng người dân không cần phải đi làm nếu nhiệt độ vượt quá 40°C (104°F), các phóng viên thời tiết sẽ không ngừng báo cáo mức nhiệt là 39°C (102°F) trong nhiều tuần ở các thành phố này, ngay cả khi nhiệt độ thực tế cao hơn.
Vụ nổ trên đường khiến một người bị bay ra xa 21 mét
Theo truyền thông nhà nước, mức nhiệt trên 43°C này đã gây ra các vụ nổ trên đường ở các thành phố Hứa Xương, Tháp Hà, và Chu Khẩu ở trung du tỉnh Hà Nam Trung Quốc nói riêng, cũng như phía nam tỉnh Hà Nam Trung Quốc nói chung vào tháng Sáu và tháng Bảy.
Hôm 18/06, vì muốn biết nhiệt độ thật ngoài trời, nên người dân ở Hứa Xương đã đặt một chiếc nhiệt kế ngoài đường. Kim nhiệt kế đã nhanh chóng lên đến mức tối đa 50°C (122°F), sau đó chiếc nhiệt kế này đã phát nổ, Đài phát thanh Hà Nam của nhà nước đưa tin.
Ở vùng nông thôn của Trung Quốc, hầu hết các con đường đều được làm bằng xi măng kém chất lượng, có khả năng giãn nở và co lại nhiều dưới nhiệt độ cao. Nhiều con đường sẽ nứt và thậm chí nổ tung nếu lớp xi măng này không có đủ không gian để chia tách thành các khối nhỏ.
Hôm 11/07, một người đàn ông đang lái xe máy đi trên đường ở thành phố Tương Hương, tỉnh Hồ Nam. Tờ Lunan Online của nhà nước đưa tin hôm 15/07 cho biết, con đường xi măng đã phát nổ mà không có dấu hiệu báo trước, khiến người đàn ông này bay lên không trung. Anh này rơi xuống cách đó 21 mét (hơn 70 feet) và bị thương khắp nơi.
Những người dân gần đường nghe thấy tiếng nổ sau đó đã phát hiện thấy anh này. Người đàn ông này đã nhờ người dân quanh đó chuyển mình từ khu đất đang bốc cháy sang các tấm gỗ và bìa cứng để nhiệt được hấp thụ bớt, đồng thời gọi xe cấp cứu.
Mái nhà tan chảy trong địa điểm du lịch
Một bảo tàng ở thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc đã thông báo đóng cửa tạm thời vào ngày 11/07 sau khi mái của ít nhất một trong các tòa nhà của địa điểm này bị tan chảy và rơi xuống đất.
Đài truyền hình CCTV của nhà nước đưa tin rằng nắng nóng liên tiếp nhiều ngày đã khiến cho các mái nhà bị tan chảy.
Hôm 11/07, Ủy ban Y tế Trùng Khánh đã cảnh báo người dân rằng thời tiết nắng nóng sẽ kéo dài thêm ít nhất năm ngày nữa, và toàn bộ người dân nên chuẩn bị tinh thần trước khả năng xảy ra sốc nhiệt do nắng nóng. Chính quyền thành phố cảnh báo rằng các khu rừng và bãi cỏ của thành phố có thể xảy ra hỏa hoạn.
Sốc nhiệt do nắng nóng (Say nắng)
Các tỉnh Chiết Giang và Giang Tô phía đông Trung Quốc, tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh Hà Nam và thành phố Thượng Hải phía tây nam Trung Quốc đã ghi nhận các trường hợp tử vong do say nắng trong những ngày qua.
Hôm 12/07, tờ The Paper do nhà nước điều hành đưa tin rằng một nam công nhân 49 tuổi đã bất tỉnh khi đang làm việc tại một nhà xưởng tại thành phố Lệ Thủy ở Chiết Giang vào ngày 06/07. Người này đã qua đời tại bệnh viện hôm 08/07. Các bác sĩ cho biết nguyên nhân là do say nắng.
“Khi tới bệnh viện của chúng tôi, nhiệt độ cơ thể của ông ấy là 40.7°C (105°F),” bác sĩ cấp cứu Ngô Kiến Vinh (Wu Jianrong) tại Bệnh viện Trung tâm thành phố Lệ Thủy nói với tờ báo. “Lúc đó, bệnh nhân này đã bị suy đa tạng. Ông đã bị đông máu nội mạch lan tỏa khắp cơ thể.”
Ông Ngô cho biết ông có một bệnh nhân 70 tuổi đang điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện sau khi bà ấy bị sốc nhiệt khi ngủ trưa ở nhà vào đầu giờ chiều. “Nhiệt độ cơ thể của bà ấy là 42.5°C (108.5°F) trong đó một số cơ quan nội tạng của bà bị suy khi bà đến bệnh viện.”
Báo cáo đã liệt kê hơn một trăm bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng ở các thành phố khác nhau ở Chiết Giang, bao gồm cả trẻ em, người trưởng thành, và người cao tuổi.
Theo CDC, khi bị sốc nhiệt do nắng nóng, cơ thể bệnh nhân sẽ mất khả năng kiểm soát nhiệt độ. Nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên đến hơn 41°C (106°F) hoặc cao hơn trong 10 đến 15 phút. Trong tình huống này, những người xung quanh nên nhanh chóng hạ nhiệt cho bệnh nhân trong thời gian chờ cấp cứu. Các giải pháp có thể thực hiện bao gồm tắm nước lạnh, làm ẩm da, chườm khăn ướt được nhúng nước lạnh lên da, hay nhúng quần áo vào nước lạnh.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.