Chuyên gia: Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đe dọa nỗ lực duy trì quyền lực của ông Tập Cận Bình
ĐÀI BẮC, Đài Loan – Trung Quốc đang ở giữa một cuộc khủng hoảng điện chưa từng có với ít nhất 20 tỉnh trên cả nước đang phải chật vật với việc cắt điện ở các mức độ khác nhau kể từ tháng 08/2021. Vấn đề này đang trở nên trầm trọng hơn vào đầu mùa đông, vì nhiệt độ lạnh giá đã được ghi nhận ở các khu vực miền trung và miền đông Trung Quốc.
Ông Trần Thế Dân (Chen Shih-min), phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc lập Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, tình trạng thiếu điện là do giá than tăng và chỉ thị giảm lượng khí thải của chính phủ. Tuy nhiên, những gián đoạn phát sinh đối với các ngành công nghiệp và cuộc sống hàng ngày của người dân có thể gây ra những ảnh hưởng chính trị nghiêm trọng đối với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vì cuộc khủng hoảng này có thể sinh ra bất ổn xã hội.
Ông Trần Thế Dân nói rằng cuộc khủng hoảng điện này có thể kéo dài trong nhiều tháng, có thể đến tháng Hai hoặc tháng Ba năm sau khi mùa đông qua đi. Đến lúc đó, ông Tập có thể phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề xã hội liên quan đến tình hình thiếu hụt năng lượng.
“Nếu như cuộc khủng hoảng điện này tiếp diễn, thì nó có thể dẫn đến một số mức độ bất bình của công chúng, chẳng hạn như người dân sẽ khó chịu vì thiếu hệ thống sưởi để giữ ấm trong mùa đông, hoặc người dân sẽ bị mất việc làm vì tình trạng ngừng hoạt động này”, ông Trần Thế Dân cho biết.
Ông nói thêm rằng: “Cũng có thể có sự mất cân bằng trong chuỗi cung ứng do các nhà máy đóng cửa, đang đẩy giá sản phẩm lên, đồng thời gây ra lạm phát. Nếu như những vấn đề này ngày càng trầm trọng, thì chúng có thể sẽ tác động đến thanh thế của ông Tập.”
Vào tháng 10 hoặc tháng 11/2022, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tổ chức cuộc họp Đại hội Đảng 5 năm một lần, trong đó sẽ bầu ra một ban lãnh đạo đứng đầu mới. Ông Tập đang tầm cầu một nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba chưa từng có [ai đạt được] sau khi trở thành Tổng Bí thư vào năm 2012.
Theo ông Trần Thế Dân, bất kỳ một tì vết nào trong thanh danh của ông Tập đều sẽ đặt ra thách thức đối với nỗ lực giữ vững quyền lực của ông.
Ông Trần Kiến Phủ (Chen Chien-fu), người đứng đầu Viện Nghiên cứu Trung Quốc sau đại học thuộc Đại học Đạm Giang của Đài Loan, cũng đã cảnh báo về việc có khả năng xảy ra tình trạng bất ổn xã hội. Trong một email gửi tới The Epoch Times, ông nói rằng quyết định gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho phép giá điện tăng tới 20% có thể giảm bớt tình trạng khủng hoảng năng lượng trong ngắn hạn, nhưng lại có thể tác động tiêu cực đến các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Chẳng hạn các công ty có thể cắt giảm nhân lực, dẫn đến kết quả là người thất nghiệp bắt đầu một làn sóng phản đối công khai mới.
Khủng hoảng điện năng
Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Hầu hết lượng than này đang được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các máy phát điện chạy bằng than của Trung Quốc; khoảng hai phần ba sản lượng điện của quốc gia này đến từ việc đốt than.
Sự phụ thuộc vào than này đã được đưa vào thử nghiệm kể từ đầu năm nay khi giá than của nước này bắt đầu tăng mạnh. Vào hôm 14/10, giá than nhiệt tháng 01/2021 tại Sở giao dịch hàng hóa Trịnh Châu của Trung Quốc chạm gần mức 1,615.8 nhân dân tệ (252 USD) mỗi tấn, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Thế Dân cho biết, tình trạng thiếu điện hiện nay một phần là do các nhà máy nhiệt điện than phải giảm sản lượng điện để bù lỗ cho những mức giá cao này.
Ông Trần Kiến Phủ cho biết hành động cấm nhập cảng than từ Úc của Bắc Kinh cũng đã góp phần vào thảm họa năng lượng của Trung Quốc, cản trở việc Trung Quốc dự trữ đầy đủ than tồn kho của mình. Hơn nữa, than nhiệt của Úc tự hào có đặc tính đốt cháy và hiệu suất lò hơi tốt hơn so với than nội địa của Trung Quốc.
Theo Reuters, Trung Quốc đã nhập cảng 197.69 triệu tấn than nhiệt trong tám tháng đầu năm nay, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc đấu đá chính trị nội bộ
Ông Trần Thế Dân tin rằng những vấn nạn về quyền lực của nước này có thể đã được ngăn chặn rồi.
Ông gợi ý rằng cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ những bất đồng chính trị trong nội bộ ĐCSTQ, ở cấp trung ương và khu vực, về chiến lược giảm khí thải của Bắc Kinh, được gọi là chính sách “kiểm soát kép”.
Hồi tháng 09/2020, ông Tập đã đưa ra cam kết về môi trường, tuyên bố rằng lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trước năm 2030 và quốc gia này sẽ đạt được trung hòa về carbon vào năm 2060.
Sau cam kết của ông, chính sách “kiểm soát kép” của Trung Quốc, đã được áp dụng trong nhiều năm, và đã trở thành một nghị trình chính trị quan trọng. Chính sách này yêu cầu các tỉnh phải hạ mức tiêu thụ và cường độ năng lượng xuống, được định nghĩa là lượng điện năng được sử dụng trên mỗi phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Vào tháng Tám (08/2021), Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc, cơ quan hoạch định kinh tế của nhà cầm quyền này, đã thông báo rằng 20 tỉnh trong nửa đầu năm nay đã không đáp ứng được ít nhất một trong hai yêu cầu theo chính sách trên.
Đáp lại, các tỉnh mà không đạt được các mục tiêu này đã bắt đầu ra lệnh cho các công ty tiêu thụ năng lượng cao phải đóng cửa và thực hiện các biện pháp hạn chế phân bổ điện.
Một số nhà chức trách trong khu vực có thể đã không đồng ý với các mục tiêu khí thải do Bắc Kinh đặt ra, và do đó có thể đã không nhiệt tình tuân thủ chính sách này, ông Trần Thế Dân nói. Sau đó, khi các nhà chức trách của những khu vực này nhìn thấy cơ hội đưa ra các biện pháp mà họ biết là có thể gây ra sự tức giận trong công chúng, chẳng hạn như bằng cách chỉ đạo cắt điện ngẫu hứng, họ đã không hề do dự — [vì họ] biết rằng trách nhiệm đó sẽ đổ lên vai các cơ quan trung ương của Trung Quốc do ông Tập lãnh đạo.
“12 tháng tới là một khoảng thời gian nhạy cảm và vẫn còn phải xem liệu ông Tập có thể duy trì quyền lực của mình một cách suôn sẻ được hay không”, ông Trần Thế Dân nói. “Có khá nhiều quan chức trong khu vực đã đảm nhận vị trí hiện tại của họ từ trước khi ông Tập lên nắm quyền”.
“Tôi hoàn toàn tin là có khả năng những quan chức của ĐCSTQ không hài lòng với ông Tập… và họ sẵn sàng thực hiện một số nước cờ đằng sau hậu trường để ngăn không cho ông Tập đạt được nhiệm kỳ thứ ba một cách suôn sẻ”.
Theo ông Trần Thế Dân, các phe phái chính trị đối địch ở cấp khu vực, những người không bao giờ dám thách thức ông Tập một cách công khai, do đó đã tìm ra một thứ vũ khí để gây bất ổn cho vị lãnh đạo Đảng này. Theo đó, họ cũng sẽ không có động cơ nào để xoa dịu sự tức giận của công chúng nhắm vào ông Tập.
Đài Loan
Cả hai vị giáo sư này đều bày tỏ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng điện của Trung Quốc sẽ có tác động đến Đài Loan, một hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình.
Ông Trần Thế Dân cho biết, nếu các vấn đề xã hội do cuộc khủng hoảng điện này gây ra trở nên xấu đi vào năm tới, thì nhà cầm quyền Trung Quốc có thể sẽ thực hiện “các cuộc điều động quân sự cực đoan hơn” nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của người dân trong nước khỏi cuộc khủng hoảng này.
Điều này xảy ra ngay tại thời điểm mà ĐCSTQ đang gia tăng áp lực quân sự đối với hòn đảo này.
Trong bốn ngày liên tiếp vào đầu tháng Mười (10/2021), nhà cầm quyền Trung Quốc đã khai triển số lượng phi cơ quân sự kỷ lục, tổng cộng 149 chiếc, vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đưa tình trạng căng thẳng xuyên eo biển lên một tầm cao mới. Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ kể từ lúc đó đã bày tỏ những lo ngại về các hành động gây hấn leo thang của Bắc Kinh.
Theo ông Trần Thế Dân, bất kỳ hành động quân sự cực đoan nào chống lại Đài Loan cũng sẽ chỉ xảy ra sau khi Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 bế mạc vào cuối tháng Hai tới, vì chính quyền Trung Quốc không muốn bị quốc tế lên án dẫn đến việc các quốc gia tẩy chay thế vận hội này.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: